Xuất khẩu đóng vai trò chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2009 ppt (Trang 26 - 27)

phát triển

Ngày nay trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội và thách thức rất nhiều, các quốc gia đều phải phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu những sản phẩm mà mình có lợi thế và nhập khẩu những sản phẩm không có lợi thế hoặc ít lợi thế hơn so với các sản phẩm khác. Khi gạo đã trở thành một lợi thế trong xuất khẩu của nước ta thì điều cần làm là phải tập trung sản xuất lúa gạo với quy mô lớn, trình độ thâm canh cao, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng gạo. Từ sự tập trung sản xuất đó sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành có liên quan và dẫn tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Xuất khẩu gạo tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành khác có cơ hội phát triển như nghiên cứu và sản xuất giống lúa mới; sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất và lắp ráp máy cày, máy kéo, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp…. Những hoạt động này không những làm tăng năng suất lao động mà còn mở rộng khả năng cung cấp yếu tố đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các dịch vụ về marketing sản phẩm; xây dựng thương hiệu gạo; tìm hiểu, nghiên cứu thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước… cũng được đẩy mạnh. Từ đó mở ra nhiều cơ hội cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Ở Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu gạo đồng nghĩa với việc tăng cường sản xuất theo quy mô vùng. Hiện nay, ở nước ta đã và đang hình thành những vùng lúa tập trung chuyên sản xuất gạo xuất khẩu bao gồm cả hai khu vực chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Mỗi vùng phù hợp với

những loại giống lúa khác nhau. Như vậy, cơ cấu nông nghiệp sẽ thay đổi phát huy theo lợi thế của từng vùng. Trong những năm gần đây, sản lượng lúa thu hoạch tăng cao. Xuất khẩu gạo tạo điều kiện mở rộng tiêu thụ sản phẩm, tránh ứ đọng, tồn kho. Khi khâu tiêu thụ được giải quyết sẽ tạo tâm lý an tâm, khuyến khích nông dân tăng cường, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Như vậy, xuất khẩu đã tác động ngược trở lại đối với sản xuất, là một tiền đề cho sản xuất phát triển.

Doanh thu từ xuất khẩu gạo mang lại tạo ra nguồn vốn quan trọng, là tiền đề kinh tế, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Ngoài ra, khi tham gia xuất khẩu gạo, Việt Nam có điều kiện cạnh tranh, cọ xát với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn đối với mặt hàng gạo của Việt Nam vì chất lượng của ta còn kém hơn so với các nước xuất khẩu khác, đặc biệt là Thái Lan. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tồn tại của gạo Việt Nam trên thị trường, các doanh nghiệp buộc phải tổ chức, xem xét lại khâu sản xuất, hình thành một cơ cấu sản xuất thích hợp, luôn thích nghi với thị trường, hạ giá thành sản phẩm đồng thời nâng cao chất lượng. Các kênh phân phối cũng phải tổ chức lại một cách hợp lý, giảm thiểu chi phí nhằm mang lại lợi nhuận tối đa.

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2009 ppt (Trang 26 - 27)