Những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định.
Tuy chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ vốn nhưng vẫn còn những trường hợp người nông dân và các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo chưa tiếp cận được với nguồn vốn. Điều đó đồng nghĩa với việc họ chưa có điều kiện đầu tư, mua các loại giống lúa năng suất, chất lượng cao cũng như đổi mới trang thiết bị sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu.
Công tác xúc tiến thương mại mới chỉ giới hạn ở hoạt động trực tiếp thúc đẩy bán hàng. Chương trình xúc tiến thương mại chỉ mới tập trung chủ yếu vào các hoạt động: hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường nước ngoài.... Còn các hoạt động khác như quảng bá thương hiệu gạo, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và chế biến gạo,... chưa được quan tâm nhiều.
Công nghệ sản xuất và chế biến gạo ở nước ta hiện nay còn lạc hậu và tồn tại nhiều yếu kém. Hệ thống chế biến lúa gạo xuất khẩu tuy được cải tạo, nâng
cấp nhưng mức hoạt động còn thấp, chất lượng chế biến chưa cao. Chỉ có các nhà máy thuộc Tổng công ty lương thực và công ty lương thực ở các tỉnh được trang bị máy móc tốt, các công đoạn được thực hiện hoàn chỉnh từ đầu đến cuối; còn phần lớn các nhà máy của cơ sở chế biến gạo tư nhân vẫn còn sử dụng công nghệ cũ, nhiều giai đoạn vẫn dùng lao động thủ công.
Nguyên nhân
Khi thẩm định khoản vay cho các doanh nghiệp, các ngân hàng ngoài đòi hỏi tài sản thế chấp, còn đòi hỏi báo cáo tài chính doanh nghiệp năm trước phải tốt, kế hoạch kinh doanh mới phải có tính khả thi và chắc chắn. Điều đó dẫn đến các doanh nghiệp năm trước kinh doanh chưa có hiệu quả, cần vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới trang thiết bị gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn. Bên cạnh đó, nếu gói hỗ trợ của chính phủ không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới việc nhân viên các ngân hàng gây khó khăn cho khách hàng khi xét duyệt cho vay.
Mức chi cho hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng gạo còn ít, chưa thỏa đáng với mặt hàng xuất khẩu chủ lực này. Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn thông tin về thị trường xuất khẩu, đối tác; nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài nên gặp không ít trở ngại trong việc thâm nhập thị trường và cạnh tranh với gạo của các nước khác.
Trình độ canh tác của người nông dân và trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo còn chưa cao. Vấn đề này đòi hỏi chính phủ và các doanh nghiệp cần có biện pháp đào tạo và đào tạo lại cho người nông dân, các cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp một cách thường xuyên, có hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của hoạt động xuất nhập khẩu.
CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU GẠO CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020