Việt Nam
Theo quy định tại Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961, "Tổng Công đoàn Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý quỹ BHXH và toàn bộ sự nghiệp BHXH của công nhân, viên chức nhà nước" (Điều 67), thực hiện thu 4,7% so với tổng quỹ tiền lương của công nhân, viên chức để hình thành quỹ BHXH.
Theo quy định tại Nghị định 31/CP ngày 20/03/1963 của Hội đồng Chính phủ, Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và quản lý các sự nghiệp BHXH.
Theo quy định tại Quyết định số 62/CP ngày 10/04/1964 của Hội đồng Chính phủ về việc trích một phần quỹ BHXH giao cho Bộ Nội vụ quản lý thì Tổng Công đoàn Việt Nam chỉ thu 3,7% so với tổng quỹ tiền lương của công nhân, viên chức. Kể từ
01/10/1986, mức thu được nâng lên là 5% so với tổng quỹ tiền lương của công nhân, viên chức được quy định tại Quyết định số 131/HĐBT ngày 30/10/1986 của Hội đồng Bộ trưởng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện thu theo tỷ lệ này đến khi bàn giao trách nhiệm quản lý thu, chi quỹ BHXH cho hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam (1/7/1995).
Về chi từ quỹ BHXH, ngoài việc dùng quỹ BHXH để chi trả các chế độ BHXH cho người lao động như trợ cấp ốm đau, trợ cấp thai sản, trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn quy định chi phí về công tác quản lý quỹ BHXH và công tác quản lý các sự nghiệp BHXH:
Chi phí về công tác quản lý các sự nghiệp BHXH (nhà nghỉ mát, an dưỡng, nhà dưỡng lão …); trả lương và các chế độ phúc lợi cho những công nhân, viên chức phục vụ ở các sự nghiệp BHXH; chi phí về hành chính phí cho các sự nghiệp BHXH; chi phí về vui chơi, giải trí cho các sự nghiệp BHXH; sửa chữa nhà, mua sắm thêm các dụng cụ cho các sự nghiệp BHXH; mua thuốc phòng bệnh và dụng cụ y tế thông thường cho các tủ thuốc cấp cứu ở các sự nghiệp BHXH …); bồi dưỡng cho công nhân, viên chức đi nghỉ mát hàng năm theo tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước quy định. Chi về công tác quản lý quỹ BHXH: Trả lương và các chế độ phúc lợi cho cán bộ chuyên trách làm công tác BHXH từ Trung ương đến cơ sở; chi về mở lớp học đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác BHXH; chi phí về các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác BHXH ... [58].
Trong thời kỳ này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không hình thành quỹ BHXH tập trung mà cho phép các đơn vị sử dụng lao động được tọa chi từ nguồn kinh phí phải trích nộp. Nếu số phải nộp lớn hơn số thực chi tại đơn vị sử dụng lao động thì cuối tháng phải nộp cho cơ quan Liên đoàn Lao động; ngược lại nếu số thực chi lớn hơn thì LĐLĐ sẽ cấp bù. Thậm chí có một thời gian, LĐLĐ tỉnh, huyện còn đưa ra hình thức khoán chi theo tỷ lệ (trong tổng số 5%) cho các đơn vị sử dụng lao động chi trả hai
chế độ ốm đau, thai sản. Nếu đơn vị "tiết kiệm" chi không hết thì được bổ sung vào quỹ phúc lợi để cho công nhân, viên chức đi tham quan, nghỉ mát hoặc bồi dưỡng tại chỗ.
Hệ thống tổ chức quản lý quỹ được hình thành ba cấp dự toán: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đơn vị tổng dự toán, LĐLĐ tỉnh, thành phố và công đoàn ngành là đơn vị dự toán cấp 1, LĐLĐ quận, huyện là đơn vị dự toán cấp 2. Công tác tổ chức quản lý thu, chi được quy định cụ thể cho từng cấp theo nguyên tắc cấp trên duyệt dự toán thu, chi cho đơn vị cấp dưới và tổ chức quyết toán theo trình tự ngược lại. Phương thức thu nộp BHXH là nộp phần chênh lệch (hoặc được cấp bổ sung) sau khi chi các chế độ BHXH và chi quản lý sự nghiệp và quản lý quỹ BHXH theo phân cấp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng các cơ sở nghỉ dưỡng sức của toàn hệ thống.