Quản lý tài chính của ngành Lao động-Thương binh và Xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Thực trạng và giải pháp pptx (Trang 44 - 47)

* Về tổ chức quản lý thu BHXH:

Trước đây là Bộ Nội vụ (thời kỳ thi hành Nghị định 218/CP) sau này chuyển cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý các chế độ hưu trí, mất sức lao động và tử tuất. Các ngành này phải thực hiện thu BHXH (1% ở thời kỳ Nghị định 218/CP còn có hiệu lực, sau đó nâng lên 10% ở thời kỳ thực hiện Quyết định số 40/HĐBT ngày 16/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng và nâng tiếp lên đến 15% ở thời kỳ Nghị định 43/CP ngày 22/06/1993 có hiệu lực thi hành). Trong suốt thời kỳ này không hình thành được quỹ BHXH độc lập theo đúng nội dung của nó. Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 quy định: "Quỹ BHXH của Nhà nước là quỹ độc lập thuộc Ngân sách Nhà nước" (Điều 66), do đó nguồn thu BHXH cũng chỉ là một trong những nguồn kinh phí để hình thành nguồn

thu của Ngân sách Nhà nước. Ngay tại Nghị định 43/CP có quy định "Quỹ BHXH được quản lý thống nhất theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ". Nhưng do hệ thống tổ chức bộ máy quản lý quỹ không thành hệ thống dọc (các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc ủy ban nhân dân các huyện; các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) và phương thức, biện pháp tổ chức thực hiện không đồng bộ, chưa phù hợp; do đó đã không hình thành được quỹ BHXH tập trung, độc lập với Ngân sách Nhà nước.

Việc thu BHXH thuộc trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng do một số nguyên nhân về bộ máy, cán bộ, cách thức chỉ đạo nên một mình ngành Lao động - Thương binh và Xã hội không thu được mà phải ký hợp đồng với cơ quan Tài chính, Thuế, Kho bạc để thu BHXH. Thông tư số 19/TT-LB ngày 07/03/1994 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tạm thời về thu quỹ 15% BHXH do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý quy định:

Đối với các doanh nghiệp (kể cả các liên doanh, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ) thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng thu đối với Cục Thuế địa phương để thu nộp, đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức đảng, đoàn thể ở địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng thu với Sở Tài chính Vật giá địa phương để trích nộp [49].

Khi hoàn thành nhiệm vụ thu hộ thì các đơn vị Sở Tài chính Vật giá và Cục Thuế các tỉnh được hưởng lệ phí thu từ 0,25 đến 0,5% tính trên số tiền thực thu BHXH. Với phương thức nhờ thu hộ như trên đã không thực hiện quản lý cụ thể đến từng đối tượng và từng đơn vị tham gia BHXH tất yếu dẫn đến là thu BHXH không đạt kết quả cao.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá về công tác thu BHXH như sau: Theo quy định hàng tháng, các cơ quan, đơn vị đóng 15% tổng quỹ tiền lương để thực hiện BHXH, trong đó phần Nhà nước thu theo kế hoạch là

8%, nhưng trên thực tế chỉ thu được 20% của 8% để chi cho chế độ hưu trí, mất sức lao động và tiền tuất; còn 2% để lại cơ sở trợ cấp khó khăn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thu 5% để chi cho 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Việc tổ chức thu lại phân tán, nên mức thu được quá thấp, Ngân sách Nhà nước cấp bù năm sau cao hơn năm trước [11].

* Về giải quyết các chế độ, chính sách và chi BHXH:

Trong thời kỳ này Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân cấp đến tận cấp huyện (trung ương, tỉnh, huyện) được giải quyết chế độ hưu và tuất. Người sử dụng lao động ra quyết định cho người lao động được hưởng các chế độ BHXH. Đây là cách thức quản lý không hợp lý, bởi vì văn bản quyết định cho người lao động hưởng chế độ BHXH là một hồ sơ và là một "chứng từ" rất quan trọng dùng để làm căn cứ chi trả tiền cho người được thụ hưởng trong thời gian rất dài. Cơ quan quản lý chứng từ, hồ sơ gốc dùng làm căn cứ để chi tiền hoặc để điều chỉnh các chế độ, chính sách khi có bổ sung thay đổi cho người được hưởng chính là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo quy định thì người chi tiền phải là người thẩm định, xét duyệt các chứng từ làm căn cứ để chi tiền. Chính vì vậy mà thời gian qua đã để xảy ra tình trạng rất nhiều hồ sơ sai sót, thậm chí gian lận để chiếm đoạt ngân sách của Nhà nước trong nhiều năm.

Thời gian đầu, do phương thức điều hành cấp ngân sách chi BHXH của hệ thống ngành Lao động - Thương binh và Xã hội bằng hạn mức kinh phí từ Bộ Tài chính cấp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhưng đây mới chỉ là hạn mức được sử dụng còn muốn có tiền chi được thì còn phụ thuộc vào số tiền thu của ngân sách địa phương (ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố) và sự điều tiết của Trung ương về (đối với những tỉnh bội chi ngân sách). Vì vậy, trong trường hợp thu BHXH trên địa bàn tỉnh không đạt kế hoạch thì sẽ ảnh hưởng ngay đến nguồn kinh phí để chi BHXH, điều đó đã xảy ra trong nhiều năm trước năm 1990. Rút kinh nghiệm và khắc phục tình trạng trên, nhằm có tiền để chi trả kịp thời cho đối tượng, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư

liên bộ số 29 TT/LB ngày 25/7/1990 thống nhất phương thức cấp phát kinh phí chi BHXH dưới hình thức cấp kinh phí ủy quyền cho Sở Tài chính vật giá ở địa phương chủ động cân đối kinh phí chi BHXH trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Căn cứ dự toán hàng năm chi BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo sự ủy quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cấp thẳng kinh phí chi BHXH cho các Sở Tài chính vật giá địa phương, sau đó Sở Tài chính vật giá cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để chi cho đối tượng. Quá trình quyết toán theo trình tự ngược lại. ở đây có một vấn đề cần bàn là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nguyên tắc là phải quản lý, giám sát, chịu trách nhiệm toàn bộ kinh phí chi BHXH lại ủy quyền cho Bộ Tài chính và Sở Tài chính vật giá làm hộ, đã gây ra sự chồng chéo, chắp vá trong quản lý kinh phí chi BHXH do Ngân sách Nhà nước cấp. Đã tạo ra tư tưởng ỷ lại vào Ngân sách Nhà nước, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu không đủ chi, Ngân sách Nhà nước hàng năm phải cấp ngày càng tăng để chi các chế độ BHXH.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Thực trạng và giải pháp pptx (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)