Một số kiến nghị để hoàn thiện môi trường pháp lý về viễn thông của ViệtNam

Một phần của tài liệu Một số giải pháp và kiến nghị đối với ngành viễn thông trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. (Trang 103 - 106)

3.2.2.1 Hoàn thiện khung pháp lý về viễn thông

Như đã phân tích ở chương 2, với Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, Nghị định về viễn thông đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về viễn thông. Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật đó còn những điểm bất cập như phân tích ở trên, chúng ta cần rà soát lại và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp để tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý về viễn thông thể hiện ở:

- Mở rộng phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp lý như về quỹ phổ cập, cân đối lợi ích và nghĩa vụ công ích, giá cước

- Nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật về viễn thông và công nghệ thông tin để luật hoá các quy phạm điều chỉnh lĩnh vực này.

- Mở rộng giới hạn pháp luật cho phép các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều hơn nữa các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các kiến nghị cụ thể về hoàn thiện hệ thống pháp luật như sau:

a) Kiến nghị về các quy định pháp luật khác có liên quan:

Cần đề nghị với Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về liên doanh trong viễn thông. Thẩm quyền cấp phép và về sự phối kết giữa hai Bộ về việc cấp phép đầu tư nước ngoài cho các dự án có liên quan đến lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

Bộ Bưu chính Viễn thông cũng cần xem xét chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ như quyền tác giả về phần mềm máy tính để trình Chính phủ ban hành.

Về tội phạm mạng CNTT trong Luật Hình sự cần được sửa đổi. Điều này nếu không xử lý kịp thời sẽ trở nên rất phức tạp khi Việt Nam chính thức hội nhập và sân chơi chung WTO.

b) Kiến nghị về lĩnh vực viễn thông

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể các vấn đề có liên quan đến thủ tục cấp phép theo hướng minh bạch hoá và mẫu hoá toàn bộ thủ tục, hồ sơ giấy tờ có liên quan và thời gian xử lý hồ sơ. Ban hành các quy định về quản lý đối với tài nguyên viễn thông cũng như quy hoạch cụ thể về việc sử dụng các tài nguyên viễn thông làm cơ sở để cấp phép.

Ban hành các quy định có liên quan đến vấn đề kết nối như việc xác định giá thành kết nối, tiêu chuẩn kết nối, quyền và nghĩa vụ cụ thể của doanh nghiệp khi kết nối, công bố thoả thuận kết nối mẫu để làm cơ sở cho việc đàm phán kết nối cũng như xử lý tranh chấp (nếu có) giữa các doanh nghiệp. Xây dựng các quy định liên quan đến quyền di dây.

Về việc giám sát việc lắp đặt cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch để phân công và phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan: Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An và Bộ Bưu chính Viễn thông.

Đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cần sớm xây dựng và ban hành phương án cung cấp phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước.

Đối với các nội dung có liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm: cần sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn cụ thể đối với thiết bị, mạng và dịch vụ viễn thông.

Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các quy định có liên quan đến việc xác định chi phí để xây dựng giá thành dịch vụ, sản phẩm.

Phối hợp với Bộ Thương mại xây dựng và ban hành các văn bản để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh về viễn thông.

c) Kiến nghị về lĩnh vực công nghệ thông tin

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này còn đang rất yếu và thiếu do đó cần lên kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật kịp thời để cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo xu hướng khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh trong nước nhưng phải đảm bảo yêu cầu phù hợp với các cam kết quốc tế. Vì vậy, cần đẩy mạnh tiến độ xây dựng Luật Công nghệ thông tin để sớm trình Quốc hội; nghị định chứng thực điện tử,…

Phối hợp với Bộ kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sớm lên doanh mục sản phẩm hàng hoá viễn thông và công nghệ thông tin theo hướng phù hợp với cách phân loại của WTO (Hiệp định về Công nghệ Thông tin ITA) để thuận tiện cho việc tham gia với các cơ quan nhà nước ban hành các chính sách thuế cũng như các quy định có liên quan đến việc sản xuất, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin phù hợp với các cam kết quốc tế.

3.1.2.2 Rà soát và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành trong lĩnh vực viễn thông và CNTT

Theo quy định của GATS khi thực hiện cam kết mỗi thành viên phải thực hiện những biện pháp hợp lý có thể để đảm bảo việc tuân thủ của chính quyền và cơ quan có thẩm quyền khu vực, địa phương và các cơ quan phi chính phủ trên lãnh thổ của mình.

Năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định trách nhiệm của Bộ, ngành trung ương trong việc kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác ban hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý của từng Bộ, ngành.

Do đó để phục vụ cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ cần sớm ban hành quy định về việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong lĩnh vực viễn thông và CNTT để hạn chế mức tối đa những tranh chấp khi Việt Nam chính thức hội nhập vào sân chơi chung WTO.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp và kiến nghị đối với ngành viễn thông trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. (Trang 103 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)