Chương 4: HIỆN TRẠNG DU LỊCH VEN BIỂN TỈNH BÌNH THUẬN

Một phần của tài liệu ứng dụng GIS đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động du lịch đến môi trường ven biển Bình THuận (Trang 39 - 44)

TỈNH BÌNH THUẬN

4.1 Hiện trạng du lịch tỉnh Bình Thuận:

Bình Thuận là tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí là cửa ngõ giao lưu về kinh tế - văn hoá - xã hội giữa các khu vực Đông Nam bộ, Nam trung bộ và Tây Nguyên.

Đồng thời với hệ thống các quốc lộ 1A, quốc lộ 28 và quốc lộ 55, Bình Thuận đã trở thành giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực và với cả nước như: Nha Trang - Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng phụ cận. Đây là khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi nối liền với nhau, đồng thời là khu vực có GDP bình quân đầu người khá cao, nhu cầu du lịch rất lớn với nhiều loại hình khá đa dạng.

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi; Bình Thuận với diện tích tự nhiên 7.849 km2, dân số trên một triệu người gồm nhiều dân tộc khác nhau, còn được biết đến là tỉnh giàu tài nguyên về biển, rừng, khoáng sản; trong đó đặc biệt là các tiềm năng phát triển du lịch.

Về điều kiện tự nhiên của Bình Thuận khá thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch bởi đây là khu vực có độ nắng dồi dào cả về lượng và chất, cùng với nhiệt độ ôn hòa (trung bình từ 26,05 - 27,05 0 C ), lượng mưa thấp và tập trung, đã tạo ưu thế về mặt khí hậu rất có giá trị đối với việc tổ chức các hoạt động du lịch quanh năm. Ngoài ra, tại Bình Thuận còn có hệ sinh thái

động thực vật phong phú về chủng loại có giá trị cao trong việc thu hút du khách tham quan, nghiên cứu và nhiều mỏ nước khoáng có giá trị phục vụ tiêu dùng và chữa bệnh, trong đó đặc biệt là nguồn nước nóng với trữ lượng lớn tại chân núi Tà Kóu thuộc huyện Hàm Thuận Nam chưa được khai thác, có nhiều điều kiện tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái và nghĩ dưỡng, chữa bệnh…

Ngoài các tiềm năng vừa nêu trên, nổi bật hơn hẳn vẫn là các tài nguyên du lịch biển, các danh thắng, cảnh quan núi, rừng, cát, sông suối, thác, đèo hùng vĩ và thơ mộng trên địa bàn tỉnh. Với 192 km chiều dài bờ biển, ven biển Bình Thuận có nhiều đảo, cù lao, vũng, vịnh và bãi biển có cảnh quan đẹp, môi trường hoang dã và trong sạch như : Cà Ná, Cù Lao Câu, Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), bãi biển Đồi Dương - Thương Chánh, Rạng, Mũi Né - Hòn Rơm (TP Phan Thiết), Mũi Điện Khe Gà (huyện Hàm Thuận Nam), Đồi Dương, Hòn Bà, Ngảnh Tam Tân (huyện Hàm Tân)... trong đó có số cảnh quan thu hút nhiều du khách như: Động Cát bay, Hòn Rơm ( Mũi Né ), Suối tiên ( Hàm Tiến ), Bình Thạnh (Tuy Phong), Đá Ông Địa, Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết),v.v... Ngoài khu vực ven biển, còn có các hồ thiên nhiên và nhân tạo cùng núi rừng tạo nên những quan cảnh đẹp như hồ Biển Lạc (rộng 280 ha), hồ Bàu Trắng (Bắc Bình), hồ Hàm Thuận - Đa Mi, núi Ông (cao 1.302 m), Thác Bà, Thác Reo ở Đức Linh-Tánh Linh... Kết hợp cùng với các di tích văn hóa-lịch sử, nghệ thuật độc đáo như : Khu di tích Dục Thanh, các Đình Làng Đức Nghĩa, Đình Vạn Thuỷ Tú - Đức Thắng, Tháp Chàm Pôsanư, chùa Cổ Thạch, chùa núi Tà Kóu... tất cả tạo nên những điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động du lịch phong phú, đa dạng, đồng thời là yếu tố quan trọng kết hợp nâng cao vị trí du lịch Bình Thuận hiện tại và trong tương lai.

4.2 Định hướng phát triển du lịch của tỉnh bình Thuận:

Xuất phát từ những lợi thế do thiên nhiên ưu đãi và điều kiện địa lý mang lại, được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về đầu tư, phát triển. Du lịch Bình Thuận hiện đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, có sự chuyển biến nhanh trên nhiều mặt.

Năng lực đầu tư của các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài vào ngành du lịch Bình Thuận trong thời gian qua đạt khoảng 2.500 tỉ đồng. Lượng khách du lịch đến Bình Thuận ngày càng tăng. Hoạt động du lịch từng bước được xã hội hóa và được các thành phần kinh tế hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ với nhiều hình thức đầu tư đa dạng, được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh.

Cơ sở vật chất, kỹ thuật của du lịch Bình Thuận tăng nhanh. Cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ hoạt động du lịch như: Đường xá, điện, nước, thông tin liên lạc... cũng đã được Tỉnh quan tâm đầu tư một bước, tập trung ở các khu du lịch đã và đang quy hoạch. Các vấn đề an ninh, trật tự xã hội đặc biệt là vệ sinh môi trường trong hoạt động du lịch được coi trọng và quan tâm thực hiện.

Hiện nay, với chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch của Tỉnh và sự hấp dẫn về tiềm năng cũng như hiệu quả của kinh doanh du lịch, do vậy đến nay Bình Thuận đã thu hút được 365 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đầu tư chủ yếu là cơ sở lưu trú du lịch và một số dự án giải trí, thể thao (gofl, cáp treo, du lịch lặn biển, khu công viên cá heo...)

Để tiếp tục phát triển, du lịch Bình Thuận đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt là việc khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào việc khai thác ngày càng có hiệu quả và bền vững hơn các tiềm năng du lịch của địa phương.Trong đó tập trung vào các vấn đề sau:

• Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, quản lý của Nhà nước về du lịch trên địa bàn. Hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các chính sách cụ thể, tạo môi trường ổn định cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh du lịch. Kiểm soát chặt chẽ vệ sinh môi trường, bảo đảm kinh tế du lịch phát triển bền vững.

• Tập trung triển khai thực hiện một cách có kế hoạch và đồng bộ giai đoạn cuối theo Quyết định số 60/2002/QĐ-UBBT ngày 27/9/2002 của UBND Tỉnh về việc Ban hành Chương trình phát triển du lịch Bình Thuận giai đoạn 2002 – 2005 và văn bản số 1001/UBBT-PPLT ngày 15/3/2005 của UBND Tỉnh về kế hoạch thực hiện chương trình phát triển Du lịch Bình Thuận năm 2005, trong đó trọng tâm là các chương trình: Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển nâng cấp các khu, điểm du lịch, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá du lịch…

• Tiếp tục triển khai hoàn thành các quy hoạch chi tiết phát triển các khu du lịch để mở rộng địa bàn hoạt động và đa dạng hoá kinh doanh du lịch du lịch; tập trung đầu tư khu du lịch Phan Thiết - Mũi Né, Tiến Thành - Hàm Thuận Nam, khuyến khích, thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái, các vùng hồ, thác, khu căn cứ kháng chiến cũ...; tạo mối liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, các tuyến.

Ưu tiên cho một số dự án đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là các dự án đầu tư vào lĩnh vực vui chơi, giải trí.

• Mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển du lịch. Triển khai các chương trình trồng rừng phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo cảnh quan sinh thái phát triển du lịch. Có kế hoạch trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống để thu hút và lưu giữ du khách.

• Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, thu hút du khách và các nguồn đầu tư. Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các đơn vị du lịch trong nước và quốc tế để mở rộng phạm vi kinh doanh du lịch. Tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cán bộ và lao động trong ngành du lịch; có kế hoạch quản lý, sử dụng và phát triển phù hợp yêu cầu của tình hình mới.

• Phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện vấn đề chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, trong đó trọng tâm là việc có kế hoạch chuyển dịch một bộ phận dân cư ở những khu vực phát triển du lịch sang làm nghề dịch vụ.

Một phần của tài liệu ứng dụng GIS đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động du lịch đến môi trường ven biển Bình THuận (Trang 39 - 44)