Sau khi giành được độc lập (2/9/1945), nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ bắt tay vào xây dựng đất nước, nhưng đến tháng 12/1946 thực dân Pháp quay lại đánh chiếm nước ta một lần nữa. Cả nước phải trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, cuối cùng giành thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954). Trong những năm chiến tranh, các công xưởng, nhà máy nhỏ ở các vùng căn cứ kháng chiến chủ yếu chỉ SX các vũ khí phục vụ cho cuộc kháng chiến. Sau khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ cùng toàn dân bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước và lúc này các DNNN bắt đầu hình thành với tên gọi ban đầu là các Xí nghiệp, Nhà máy, Nông trường quốc doanh.
Từ khi hình thành đến nay, DNNN ở Việt Nam luôn được coi là xương sống của nền kinh tế quốc dân, có vai trò chủ đạo và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh hay suy yếu của nền kinh tế.
Quá trình phát triển của DNNN Việt Nam, có thể được tóm tắt qua các giai đoạn chủ yếu như sau:
* Giai đoạn 1955 - 1960
Chính phủ tiến hành khôi phục và cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế ở miền Bắc. Thực hiện việc công tư hợp doanh các DN tư bản tư nhân ở các vùng bị tạm chiếm trước đây; tiến hành tiếp quản các DN sản xuất lớn như: Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Nhà máy Dệt Nam Định, các mỏ than ở Quảng Ninh...; chuyển các công xưởng, nhà máy ở từ các vùng kháng chiến trở về.
Trong giai đoạn này, DNNN hình thành và phát triển chủ yếu trong các ngành công nghiệp, tiếp đến là thương mại, giao thông vận tải và dịch vụ bưu chính viễn thông. DNNN
gần như chi phối tuyệt đối về số lượng DN, lực lượng lao động cũng như giá trị tổng sản lượng trong các ngành công nghiệp chủ yếu.
* Giai đoạn 1960 - 1975
Giai đoạn này đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.
ở miền Bắc bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, hàng loạt các DNNN đã được hình thành và đi vào hoạt động như các xí nghiệp ở khu công nghiệp Việt Trì, khu gang thép Thái Nguyên... Các DNNN hoàn toàn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và nắm độc quyền trong các lĩnh vực điện lực, khai thác và chế biến nhiên liệu, luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến gỗ, thủy tinh, sành sứ, dệt, da, may, nhuộm, thực phẩm, in và văn hóa phẩm.
Hoạt động của các DNNN trong giai đoạn này dưới sự chỉ đạo có kế hoạch của Nhà nước, DNNN chủ yếu tập trung vào quản lý các hoạt động SXKD trong phạm vi nội bộ DN còn "đầu vào" và "đầu ra" của DN hoàn toàn tuân theo sự quản lý của Nhà nước.
* Giai đoạn từ 1976 - 1986
Sau khi giành được thống nhất đất nước (30/4/1975), Nhà nước bắt tay vào tiếp quản, cải tạo xã hội chủ nghĩa các DN tư bản tư nhân ở miền Nam và tiếp tục xây dựng mới các DNNN trên phạm vi cả nước. Số lượng DNNN trong các ngành công nghiệp và công nghiệp địa phương vẫn chiếm vị trí hàng đầu. DNNN vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Trong giai đoạn này, tư tưởng chỉ đạo của các chính sách và giải pháp phát triển hệ thống DNNN chưa có sự thay đổi so với giai đoạn trước, Nhà nước vẫn tiếp tục quản lý các DNNN theo cơ chế tập trung bao cấp như trước đây chính vì vậy sự phát triển của DNNN đã không được như mong muốn. Ngoài lý do về cơ chế quản lý, còn có hàng loạt các lý do khách quan như: đất nước mới thoát ra khỏi hơn 30 năm chiến tranh, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế còn quá lạc hậu, không còn nhận được sự giúp đỡ của các nước anh em như trước...
* Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay
Trước những khó khăn trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân nói chung, của các DNNN nói riêng, Nhà nước có chủ trương củng cố về chất lượng khu vực kinh tế quốc doanh thông qua việc thực hiện nhiều cuộc cải cách lớn trong chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm phát triển DNNN theo cơ chế thị trường.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI chỉ rõ: "Phải đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo cho các đơn vị kinh tế quốc doanh có quyền tự chủ, thực sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh tế".
Quyết định 217/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 14/11/1987 đã đề ra qui chế mới đối với việc quản lý DNNN theo hướng hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường đã bước đầu thay thế cho cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung trước đó. Tuy nhiên, những thay đổi đó bước đầu mới mang tính chất thử nghiệm, hiệu quả mang lại mới ở một mức độ nhất định, phải tới đầu những năm 1990, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII sự thay đổi về cơ chế quản lý nền kinh tế nói chung, thay đổi quản lý đối với các DNNN nói riêng mới thực sự mạnh mẽ.
Theo Nghị định số 388/HĐBT, năm 1992 - 1993 đã thực hiện việc chỉnh đốn, sắp xếp và đăng ký lại các DNNN, chấm dứt tình trạng tự phát, tùy tiện thành lập và giải thể DNNN, đảm bảo cho các DNNN hoạt động bình đẳng như các loại hình DN khác. Đồng thời, việc đăng ký lại toàn bộ DNNN đã tạo điều kiện cải tiến quản lý DNNN theo đòi hỏi cao hơn của thời kỳ đổi mới.
Năm 1994, Chính phủ ban hành Quyết định số 90/TTg và 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ 4-1994 đã hình thành các Tổng công ty 90 (vốn pháp định từ 100 tỷ đến 500 tỷ VNĐ) và Tổng công ty 91 (vốn pháp định trên 500 tỷ VNĐ), thể hiện Nhà nước luôn quan tâm đến việc thực hiện tập trung hóa và tích tụ vốn trong các DNNN để nâng cao qui mô và năng lực sản xuất của DNNN.
Tháng 5/1995, Luật DNNN được ban hành, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý DNNN và DNNN từng bước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật; Chỉ thị 500/TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục sắp xếp tổng thể các DNNN, chuyển một bộ phận DNNN thành công ty cổ phần theo
Nghị định 28/CP, đưa các DNNN đi vào hoạt động theo Luật DNNN, xóa bỏ dần chế độ chủ quản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp của các DNNN nhằm tạo thế chủ động trong SXKD cho các DNNN.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), từ giữa năm 1998 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới DNNN. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP về việc chuyển DNNN thành Công ty cổ phần và Nghị định số 103/1999/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê DNNN càng chứng tỏ sự quan tâm của Chính phủ đến việc đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả SXKD trong các DNNN trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 26/11/2003 Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp nhà nước thay thế Luật DNNN năm 1995, trong đó quy định ở Điều 1: "Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn". Điều này cho thấy quan niệm về DNNN đã có những thay đổi cơ bản. Theo Luật Doanh nghiệp nhà nước mới, DNNN gồm:
- DN có 100% vốn nhà nước tổ chức, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, gọi là công ty nhà nước.
- DN có 100% vốn nhà nước tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
- DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, tổ chức, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các điều luật khác liên quan.
Như vậy, từ khi ra đời và trong suốt quá trình phát triển đến nay, DNNN luôn chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam và là trọng tâm điều hành và quản lý của Nhà nước trong các giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Hệ thống DNNN Việt Nam đã và đang đảm nhiệm những vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đó là:
* DNNN đã phát huy tốt vai trò trong việc đảm bảo yêu cầu của đất nước trong các giai đoạn lịch sử như phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu, góp phần ổn định đời sống nhân dân, ổn định và phát triển nền kinh tế.
* DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, hình thành đòn bẩy thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế khác cạnh tranh phát triển, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế.
* DNNN là công cụ vật chất để nhà nước điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
* DNNN đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách xã hội và ổn định chính trị - xã hội, góp phần cùng với các khu vực kinh tế khác giải quyết các vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo...