* Đánh giá về tình hình phát triển ngành đóng tàu biển Việt Nam
1.3. Chính sách thuế và xuất nhập khẩu.
a. Vật tư thiết bị nhập khẩu phục vụ cho các chương trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp đóng tàu biển được miễn thuế nhập khẩu. Trong trường hợp phải nộp thuế sẽ được hoàn thuế GTGT để tránh tình trạng thu thuế hai lần trên một sản phẩm. b. Miễn thuế sử dụng đất 10 năm đầu kể từ khi đi vào sản xuất cho các cơ sở mới xây dựng và giảm 50% thuế đất cho các cơ sở hiện nay nhằm khuyến khích đầu tư.
c. Để tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp cơ khí đóng tàu biển, Nhà nước cần có một số chính sách bảo hộ trong thương mại nhằm chuẩn bị hội nhập khu vực và quốc tế như:
- Qui định biểu thuế XNK với thuế suất vật tư trang thiết bị thủy phục vụ đóng mới và sửa chữa tàu là bằng 0% (trừ trường hợp các loại động cơ, thiết bị thủy trong nước đã sản xuất được) để thuận tiện trong thực thi, tránh các biểu hiện tiêu cực của cơ chế xin – cho. Vì hiện nay, trong khi nhập các loại nguyên chiếc thì mức thuế suất bằng 0%, còn nhập máy móc, vật tư thiết bị về để đóng tàu biển thì có mức thuế suất rất cao (10 – 40%). Việc giảm, bỏ thuế nhập khẩu các máy móc, vật tư thiết bị cho ngành đóng tàu biển sẽ dẫn tới giảm giá đầu vào và tăng sức cạnh tranh của ngành công nghiệp đóng tàu biển lên rất cao.
- Trong giai đoạn từ nay đến 2006, tạm thời áp dụng một số chính sách cứng về thuế quan và phi thuế quan để giành thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí đóng tàu biển (Công bố thuế suất đến 10% cho nhập khẩu các loại tàu đến 10.000T; Các dự án đầu tư, mua sắm các phương tiện nổi chỉ thực hiện đấu thầu với các doanh nghiệp Việt Nam , bao gồm cả liên doanh).