Do sự phát triển nhanh về công nghiệp và đô thị hóa làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nên cần có sự tổ chức sản xuất nông nghiệp hợp lý, phù hợp với quá trình phát triển đô thị và giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường. Phát triển nông nghiệp ở Hà Nội sẽ khác rất nhiều so với hình thức phát triển nông nghiệp tại các tỉnh khác. Nghị quyết 15/NQ-TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển đô thị Hà Nội thời kỳ 2001-2010 đã khẳng định: "Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp - đô thị - sinh thái" [15]. Ngày 28/12/2000, ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa 9) đã thông qua Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, nhấn mạnh:
Chiến lược phát triển kinh tế Thủ đô được hoạch định dài hạn và cho từng giai đoạn, bảo đảm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, phát huy thế mạnh của Thủ đô làm động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp - đô thị - sinh thái [17].
Quyết định số 60/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001 - 2010 tiếp tục khẳng định: "Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cao cấp hóa các sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp - đô thị - sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đặc sản như rau sạch - hóa - cây cảnh, cây ăn quả, tạo môi trường bền vững trong lành cho Thủ đô Hà Nội…" [22]. Bên cạnh đó, Quyết định 108/CP của Chính phủ phê duyệt điều chỉnh không gian Hà Nội đến năm 2020 là phát triển mở rộng Hà Nội theo hướng Bắc - Tây Bắc và Tây - Tây Nam [23].
Hiện nay, số hộ nông nghiệp của quận chỉ chiếm 18,37%. Thực hiện quy hoạch phát triển Thủ đô, quận Long Biên đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm: Quốc lộ 1B, cầu Phù Đổng, Thanh Trì… Nhiều khu công nghiệp ra đời, cùng với đó là các khu đô thị mới với quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đang được khẩn trương triển khai. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, đời sống của người dân đã chuyển mình từng bước từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp.
- Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp: Trong một thời gian khá dài,
nông nghiệp có vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của huyện Gia Lâm cũ. Từ năm 1996, Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 17 (1996 - 2000) đã đề ra phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp, thủ công nghiệp - nông nghiệp - thương mại, dịch vụ. Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 18 (2001 - 2005) đã đề ra mục tiêu: "Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy tối đa nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ" [2]. Do đó, cơ cấu kinh tế bắt đầu có sự thay đổi so với trước năm 1995. Nông nghiệp không còn giữ vị trí hàng đầu nữa, mà đứng ở vị trí thứ hai sau công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Sau khi quận Long Biên được thành lập, do đặc điểm các phường (được nâng lên từ xã của huyện Gia Lâm cũ) gần sát nội thành Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và có các khu công nghiệp, nên số hộ phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao (trên 80%). Do vậy, từ khi tách thành quận mới, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu các ngành kinh tế giảm mạnh.
Thực hiện chủ trương của Quận ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quận Long Biên về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tập trung vào chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, diện tích đất trũng, ao hồ sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi kết hợp với dịch vụ… Đến nay, đã có một số trang trại có diện tích lớn như: khu Hồ Miễu (phường Thượng Thanh), khu Hồ Thạch Bàn và Tầm Dâu (phường Phúc Đồng), khu Bể và vườn Trũng (phường Giang Biên). Số trang trại có diện tích trên 3 ha chiếm tỷ lệ 21%, còn lại chủ yếu diện tích từ 1 đến 2,5 ha,
tập trung ở các phường có diện tích ao hồ lớn thuộc vùng trũng của phường Thạch Bàn, Phúc Lợi, Phúc Đồng.
Việc chế biến tiêu thụ sản phẩm của các trang trại chủ yếu là tiêu thụ tại chỗ, chưa ký hợp đồng xuất khẩu. Hầu như sản phẩm chưa được chế biến, thường là bán thô, vì vậy giá cả và mức tiêu thụ thường không ổn định.
Tuy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp những năm gần đây diễn ra nhanh đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù vậy, việc đầu tư cho sản xuất còn ít do thiếu vốn, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
- Cơ cấu và sử dụng đất trong nông nghiệp: Tổng diện tích đất tự nhiên là 6038,24
ha, trong đó đất canh tác là 1.644 ha (chiếm 27,2%). Đất canh tác được chia thành 2 vùng: trong đồng và ngoài bãi. Diện tích đất trong đồng là 1.114,8 ha (chiếm 67,8%), diện tích đất vùng bãi là 529,2 ha (chiếm 32,2%). Ngoài ba phường Ngọc Lâm, Đức Giang, Sài Đồng, toàn bộ 11 phường còn lại đều có diện tích đất canh tác. Ba phường có diện tích đất canh tác không đáng kể là Ngọc Thụy, Bồ Đề và Gia Thụy (từ 20 - 40 ha), còn lại diện tích đất canh tác tập trung ở các phường Thạch Bàn, Cự Khối, Giang Biên và Phúc Lợi là những phường có diện tích đất ngoài bãi lớn. Ngoài ra, các cây rau, màu khác và các loại cây trồng có diện tích đất canh tác nhỏ, khoảng hơn 100 ha. Rau quả trồng chủ yếu ở các phường Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối và Thượng Thanh, diện tích đất trồng là 123 ha (chiếm 7% diện tích đất nông nghiệp). Các loại đất trồng mầu khác tập trung ở Thạch Bàn, Cự Khối, Thượng Thanh, diện tích là 116 ha (chiếm 7%) và ở Long Biên, Cự Khối là 128 ha (chiếm 7,5%).
So với quy chuẩn, cơ cấu sử dụng đất của Long Biên có một số điểm đáng chú ý là đất nông nghiệp còn nhiều, trong đó diện tích trồng cây hàng năm trên 1.860 ha, chiếm hơn 31% diện tích toàn Quận. Nếu so diện tích đó với diện tích nghiên cứu (trừ diện tích sông Hồng và sông Đuống thuộc quận), thì tỷ lệ lên gần 38%. Đây là tiềm năng lớn để có thể tiến hành đô thị hóa theo quy hoạch bài bản, xây dựng đô thị hiện đại.
Đất mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Trong quá trình đô thị hóa, sẽ duy trì diện tích này để tạo môi trường sinh thái và hồ điều hòa nước mưa cho các khu đô thị.
Đất cho xây dựng cơ bản và các khu, cụm công nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao trong hiện trạng cơ cấu sử dụng đất của quận, chiếm tới trên 53%.
Đất giao thông chiếm tỷ lệ thấp, chỉ gần 6% so với tổng diện tích tự nhiên của quận và hơn 7% nếu so với diện tích nghiên cứu (trừ 1017 ha và sông Hồng và sông Đuống). Trong khi Hoàn Kiếm có tỷ lệ là hơn 22% (nếu so với diện tích nghiên cứu) và so với quy chuẩn 25% thì trong tương lai cần bố trí tăng thêm rất nhiều đất dành cho giao thông.
Đất quốc phòng chiếm gần 5,7%, chủ yếu thuộc khu vực sân bay Gia Lâm. Diện tích này cơ bản sẽ không thay đổi trong quy hoạch đến năm 2015.
Đất ở chiếm tỷ lệ 12,84%, trong đó đất ở đô thị chỉ chiếm 2,46%.
Đất sông chưa sử dụng là 1017 ha (17%), diện tích này sẽ không đổi trong quy hoạch đến 2015.
Hiện trạng cơ cấu sử dụng đất của quận vẫn mang sắc thái cơ cấu sử dụng đất của một huyện ngoại thành: đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, đất ở đô thị và đất giao thông chiếm tỷ trọng thấp.
- Hoạt động sản xuất nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2004 đạt khoảng 73,7 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,5% tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế (5.525 tỷ đồng). Giá trị sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính là tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh làm diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp giảm mạnh.
Bảng 2.2. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận Long Biên [16]
Đơn vị: Tỷ đồng, giá hiện hành)
Tổng giá trị (trong đó) 73,7 66,4 10%
1. Trồng trọt 27,2 25,0 9%
2. Chăn nuôi 40,9 36,7 11%
3. Dịch vụ nông nghiệp 2,8 2,3
4. Thủy sản 2,2 2,0
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp: chăn nuôi và trồng trọt là hai ngành chính trong sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi đóng góp 56% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, trồng trọt chỉ chiếm khoảng 37%, còn lại là giá trị của ngành thủy sản và dịch vụ nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp có giá trị rất nhỏ.
Lĩnh vực trồng trọt đã có sự chuyển đổi cơ cấu gieo trồng, diện tích trồng các loại cây có giá trị cao như rau xanh, cây ăn quả có xu hướng tăng trong khi diện tích trồng các cây lương thực có xu hướng giảm nhanh. Tuy nhiên, các loại cây trồng chưa có sự phân bố thành các vùng chuyên canh mà vẫn phân bố đan xen kết hợp giữa các loại cây trồng khác nhau, do đó chưa tạo được thế mạnh trong tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ, lẻ và không tập trung. Các phường chủ yếu vẫn canh tác những loại cây trồng thông dụng, có giá trị kinh tế thấp như lúa, ngô, rau màu. Cây rau sản xuất ít và tập trung chủ yếu ở ba phường Giang Biên, Long Biên, Cự Khối. Về sản xuất những cây trồng có giá trị kinh tế cao chỉ có hai phường Cự Khối (cây Táo) và phường Ngọc Thụy (cây Khế).
Diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 1.500 ha, trong đó vụ xuân 800 ha, vụ mùa 700 ha, tập trung chủ yếu ở các phường Thạch Bàn, Giang Biên, Phúc Lợi, Phúc Đồng. Giống lúa trồng chủ yếu là C70, C71 và Khang Dân. Những giống lúa cho năng suất cao như lúa lai, Xi23 khó gieo trồng trên địa bàn quận. Nguyên nhân chủ yếu là do chân ruộng cao, điều kiện canh tác khó. Lúa nếp hoa vàng được trồng ở các phường Thạch Bàn, Long Biên và trồng chủ yếu để bán non làm cốm. Năng suất lúa trung bình khoảng 38 tạ/ha. Sản lượng lúa cả năm đạt 7743 tấn (năm 2003), đạt giá trị sản xuất khoảng 25 tỷ đồng.
Cây ngô chủ yếu được gieo trồng ở vùng bãi sông Hồng và sông Đuống. Giống gieo trồng ngô khá đa dạng (DK888, P11, VN10…). Giống ngô lai chiếm tỷ trọng chủ yếu (75%) diện tích. Diện tích gieo trồng ngô ngoài bãi do điều kiện nước tưới khó khăn và nạn chuột phá hại nên năng suất bình quân hàng năm chỉ đạt từ 13 - 150kg/sào. Sản lượng ngô hạt cả năm 2003 đạt 3.600 tấn, giá trị khoảng 8 tỷ đồng.
Diện tích trồng rau hàng năm 400 ha, trong đó diện tích rau muống khoảng 45 ha, tập trung chủ yếu ở các phường Bồ Đề, Thượng Thanh, Phúc Lợi. Diện tích rau khác có khoảng 355 ha, tập trung ở các phường Cự Khối, Long Biên, Giang Biên, Thạch Bàn. Trong tổng số 400 ha rau có khoảng 45 ha rau được gieo trồng ở những vùng, khu vực được quy hoạch sản xuất rau an toàn (phường Giang Biên, Thạch Bàn). Ngoài ra, ở Long Biên còn có trồng các cây ăn quả khác như cam, chanh, chuối, vải, nhãn, hồng xiêm, táo và trồng hoa. Tuy nhiên giá trị sản xuất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Về chăn nuôi: Tổng đàn lợn trên 2 tháng tuổi toàn quận có khoảng trên 17 nghìn con, trong đó lợn nạc có khoảng 1,5 nghìn con, tập trung chủ yếu ở các phường Long Biên, Thượng Thanh, Việt hưng, Ngọc Thụy. Sản lượng xuất chuồng ước đạt 1079 tấn. Đàn trâu có khoảng 60 con, chủ yếu là trâu cày kéo, tập trung ở các phường Thượng Thanh, Giang Biên, Phúc Lợi. Đàn bò hiện có khoảng 1.740 con, trong đó bò sữa là 159 con, tập trung ở các phường Phúc Lợi, Cự Khối, Long Biên. Chăn nuôi gia cầm chủ yếu là gà vịt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch cúm gà, số lượng đàn gia cầm bị tiêu hủy lên đến 58 nghìn con nên đến thời điểm 1/4/2004 tổng đàn gia cầm còn trên 7000 con.
Nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có 172 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các phường Thạch Bàn (40 ha), Thượng Thanh (30 ha), Việt Hưng (28 ha), còn lại ở các phường khác. Diện tích mặt nước để thả cá chiếm 72%, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái chiếm 20%. Tuy nhiên, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản được cải tạo đưa vào sử dụng có hiệu quả chỉ chiếm 45% diện tích, còn lại là nuôi trồng mang tính tận dụng, chưa được đầu tư.
- Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp: Hệ thống tổ chức cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông
nghiệp trong điều kiện mới (nông nghiệp gắn với phục vụ nhu cầu dân cư đô thị). Những năm trước đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư ở khu vực trong đồng như hệ thống đường giao thông nội đồng, hệ thống mương tưới, tiêu… Khu vực ngoài bãi gần như chưa được đầu tư, chỉ có vùng bãi phường Giang Biên được đầu tư hệ thống kênh tưới vào năm 2004 (2 tỷ đồng).
Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn hạn chế, sức kéo trâu bò vẫn chiếm phần lớn. Sức kéo cơ giới chủ yếu ở các loại xe kiểu công nông công suất nhỏ và một số loại xe vận tải nhỏ do Trung Quốc sản xuất. Các hợp tác xã cơ khí - cơ giới nông nghiệp hầu như không còn tồn tại, hoặc có tồn tại nhưng hoạt động không hiệu quả.
Các loại hình dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thực tế. Đến nay toàn quận có 8 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 4 hợp tác xã hoạt động khá (Giang Biên, Thượng Thanh, Việt Hưng, Thạch Bàn), 2 hợp tác xã hoạt động kém (Long Biên, Phúc Lợi). Hầu hết các dịch vụ nông nghiệp chỉ làm nhiệm vụ cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu… dịch vụ đầu ra không có và chưa được quan tâm.
- Lao động trong nông nghiệp: Long Biên được thành lập trên cơ sở các phường gần
nội thành và khu công nghiệp phía bắc Hà Nội nên số lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ không cao trong cơ cấu lao động của quận. Số hộ làm nông nghiệp còn khoảng 33-34 ngàn người, chiếm 50% tổng số người lao động đang làm việc trên địa bàn quận. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 42%, số người trên độ tuổi lao động chiếm 45%, còn lại là dưới độ tuổi lao động.
Do điều kiện thuận lợi tiếp giáp nội thành Hà Nội nên lao động nông nghiệp của quận có cơ hội tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do có đặc điểm chung của khu vực nông thôn thuộc huyện Gia Lâm trước đây và sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung nên chất lượng lao động nông nghiệp ở Long Biên còn thấp, trình độ kỹ thuật kém, thâm canh chủ yếu là cây lúa, chưa có tập quán, kinh nghiệm sản xuất những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau an toàn… Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến khả năng thực hiện phát triển
nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sinh thái, phục vụ nhu cầu dân cư đô thị và thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.