Nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội quận Long Biên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quận Long Biên, thành ppt (Trang 26 - 31)

Quận Long Biên hiện có hơn 182.000 nhân khẩu. Mật độ dân số bình quân 3.075 người/ km2, thấp hơn so với bình quân chung của toàn thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, sức ép về nhà ở, việc làm và một số vấn đề xã hội khác trên địa bàn quận không thực sự là vấn đề bức xúc như một số quận khác của Thủ đô. Tuy nhiên, sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các phường trong quận. Đông dân nhất là phường Ngọc Lâm với 18.377 người/ km2 nằm trong lòng thị trấn Gia Lâm cũ, địa bàn trải dài theo trục đường quốc lộ 1. Phường có mật độ dân thấp nhất là phường Cự Khối 1.247 người/ km2.

Long Biên là quận mới thành lập, kinh tế đang trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển với nhiều dự án lớn đang được xây dựng và triển khai, nên có nhiều biến động trong quy mô dân số. Năm 2003, tốc độ dân số trung bình toàn quận là 4,24%. Tuy nhiên, tốc độ tăng cơ học cũng có sự chênh lệch rất rõ giữa các phường. Phường Thượng Thanh tốc độ dân số cơ học lên tới 23,29% trong khi đó ở một số phường lại có tình trạng tốc độ dân số cơ học âm.

Dân số tăng sẽ làm tăng lực lượng lao động tham gia các hoạt động kinh tế trên các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dân số tăng nhanh sẽ kéo theo những yêu cầu về giải quyết việc làm, nhà ở và các vấn đề xã hội khác.

Lao động là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo số liệu Phòng Thống kê quận Long Biên, đến 31-12-2004 dân số trong độ tuổi lao động là 126.133 người (chiếm 69,29% dân số). Đây là lực lượng lao động trực tiếp, là động lực cho tăng trưởng

và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay quận Long Biên vẫn còn một lượng lao động chưa được huy động cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Số người chưa có việc làm năm 2004 là 7.651 người, chiếm 6,07 số người trong độ tuổi lao động. Một phần trong số người chưa có việc làm là những lao động nông nghiệp bị mất đất nông nghiệp do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.

Trong tổng số nguồn lao động, phần lớn vẫn là lao động phổ thông, chiếm tỷ lệ 80%. Số người lao động qua đào tạo năm 2004 đạt 20% tương đương tỷ lệ chung của cả nước. Cơ cấu về trình độ lao động theo tỷ lệ: 1 đại học - 0,68 trung học chuyên nghiệp - 1,67 công nhân kỹ thuật. So sánh với tính toán của các chuyên gia về yêu cầu hiện nay phải là 1 đại học - 4 trung học chuyên nghiệp - 14 công nhân kỹ thuật thì cơ cấu lao động của quận chưa hợp lý, cần chuyển dịch theo hướng tăng nhanh số lượng lao động được đào tạo ở bậc trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Hiện nay, lao động của quận đã đáp ứng được yêu cầu công việc. Song với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chất lượng lao động của quận chưa đáp ứng được yêu cầu.

Là quận nội thành của Thủ đô, Long Biên đã bước đầu thu hút được lao động có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Với tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ, quận sẽ tiếp tục thu hút được đội ngũ lao động có trình độ đến làm việc.

Về cơ cấu lao động: Cùng với việc phát triển các thành phần kinh tế, lao động của

quận phân bổ 30% vào khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước thu hút và tạo việc làm cho một bộ phận lớn lao động trên địa bàn quận (66%). Tuy nhiên, là một quận tập trung nhiều khu công nghiệp, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng số lao động tham gia làm việc trong khu vực này chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chiếm 4%). Điều này chứng tỏ, về mặt chất lượng, lao động của quận và còn chưa đáp ứng được yêu cầu cao của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế trong những năm qua chưa có biến đổi tích cực. Lao động trong các ngành kinh tế có sự dịch chuyển từ ngành nông nghiệp sang công

nghiệp nhưng vẫn chỉ là thay đổi nhỏ. Lao động trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 50% trong tổng số lao động). Lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với quận nội thành.

Trong khi lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, nhưng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn chỉ đạt khoảng 40%. Như vậy, tình trạng lãng phí lao động còn khá lớn. Số lao động này nếu được đào tạo nâng cao trình độ, sẽ là lực lượng đáp ứng cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận trong những năm tới.

Với tiềm năng về vị trí địa lý và đất đai, quận Long Biên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Khi tiến hành thủ tục thuê mặt bằng, các doanh nghiệp phải thực hiện cam kết sẽ tuyển dụng lao động trên địa bàn (cụ thể thuê 1 ha mặt bằng doanh nghiệp phải cam kết tuyển dụng ít nhất 10 lao động của quận). Nếu không đủ lao động, doanh nghiệp mới tuyển dụng lao động từ các địa phương khác. Về phía các doanh nghiệp, muốn tuyển dụng lao động địa phương, một mặt góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp cho lao động trên địa bàn quận, mặt khác sử dụng lao động địa phương doanh nghiệp sẽ không phải lo vấn đề nhà ở cho người lao động. Vì vậy, tuy số lượng lao động chưa có việc làm ở quận còn nhiều và tạo việc làm cho người lao động không phải là vấn đề quá phức tạp, nhưng vấn đề quan trọng là người lao động có khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc hay không.

Hệ thống cơ sở hạ tầng: Quận Long Biên bước đầu có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ

thuật như giao thông, điện, cấp thoát nước nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một quận nội thành. Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội tương đối tốt; công tác phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao và văn hóa cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn rất lạc hậu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khả năng về thị trường và quan hệ hợp tác: Sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế trên địa bàn quận. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam và Thủ đô Hà Nội đã đạt được một số kết quả

khả quan, đời sống của nhân dân được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa dịch vụ ngày càng phát triển nhanh chóng. Nhờ đó, thị trường đối với các loại hàng hóa và dịch vụ ngày càng phát triển và mở rộng.

Khu vực nội thành Hà Nội với khoảng 3 triệu dân và hàng nghìn cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ là thị trường lớn đối với các sản phẩm và dịch vụ của quận. Ngoài ra, Hà Nội cũng là trung tâm, đầu mối luân chuyển hàng hóa lớn khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, hàng hóa được tiêu thụ trên địa bàn còn được vận chuyển đi nhiều địa phương khác. Với hệ thống giao lưu hàng hóa thuận lợi, hàng hóa sản xuất trên địa bàn quận có điều kiện tiếp cận thị trường các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhiều sản phẩm có phạm vi tiêu thụ trên địa bàn cả nước. Vì vậy, đối với quận Long Biên, thị trường tiêu thụ trong nước rất lớn. Đây là tiềm năng phát triển kinh tế của quận.

Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, Hà Nội nói chung và quận Long Biên nói riêng sẽ có nhiều thời cơ thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác kinh tế quốc tế. Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp trên địa bàn quận còn có tiềm năng tiêu thụ trên thị trường thế giới, đặc biệt thị trường các nước trong khu vực.

Nguồn lực tài chính và khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển: Do tốc độ đô

thị hóa trên địa bàn quận tiếp tục diễn ra nhanh, cho nên quận Long Biên sẽ có khả năng thu hút nguồn lực tài chính rất lớn để đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Long Biên là quận nội thành có vị trí rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, nên có lợi thế thu hút các nguồn vốn tín dụng, liên doanh, liên kết và các nguồn vốn xã hội nói chung. Với nguồn đất chưa sử dụng, quận Long Biên có thể huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Tóm lại, Long Biên nằm trong tam giác phát triển kinh tế phí Bắc, với các tuyến

giao thông quan trọng từ Hà Nội đi các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, tạo cho quận có thế mạnh trong phát triển các ngành kinh tế. Điều kiện thời tiết khi hậu tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp - đô thị - sinh thái cũng như các ngành và các lĩnh vực khác.

So sánh với các quận nội thành khác, Long Biên còn có quỹ đất phát triển đô thị. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Tiềm năng đó tạo thế mạnh cho việc phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ trên địa bàn cũng như tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trên địa bàn tập trung nhiều đơn vị, doanh nghiệp của Trung ương, thành phố cùng với một số lượng lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh của quận tạo việc làm cho lao động trong quận. Quận có nguồn nhân lực khá dồi dào, tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn quận, trong khu vực nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận. Các cơ sở văn hóa, lịch sử và yếu tố truyền thống cũng là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế của quận.

Nhưng do sức hút của quá trình phát triển kinh tế, với tốc độ đô thị hóa nhanh, quận Long Biên sẽ phải đương đầu với một dòng di cư tự do từ các quận, huyện của thành phố và các tỉnh khác về. Tốc độ tăng dân số cơ học sẽ tạo nên sức ép nhiều mặt cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quận. Lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao và có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu lao động cả về trình độ lao động cũng như ngành nghề, một bộ phận lao động chưa có việc làm. Lao động trong quận chưa được thu hút nhiều vào các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do mới được hình thành từ huyện ngoại thành nên cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, chưa đồng bộ.

Tuy khó khăn còn nhiều nhưng tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội của quận Long Biên rất lớn. Điều quan trọng là khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế hiện có cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quận, xứng đáng với vị thế của một quận nội thành Thủ đô. Mặt khác, quận Long Biên đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nên sẽ phải giải quyết mâu thuẫn giữa đô thị hóa tự giác nhằm vừa đảm bảo phát huy được các nguồn lực đa dạng, vừa đảm bảo phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Đồng thời quận Long Biên sẽ được thụ hưởng những lợi thế do ba cây cầu mới được hình thành, song cũng phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế - xã hội đặt ra trong quá trình thực hiện ba dự án này. Về vấn đề quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn quận sẽ phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp, do quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, do sự phát triển của nhiều loại hình doanh nghiệp trên địa bàn.

Chương 2

thực trạng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quận long biên từ năm 2003 đến nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quận Long Biên, thành ppt (Trang 26 - 31)