phục hồi hoạt động của doanh nghiệp
Phương án phục hồi hoạt động có mục đích phục hồi hoạt động dựa vào chính tiềm lực của doanh nghiệp. Đây là phương án được mong chờ nhiều nhất. Các biện pháp cụ thể nhằm đưa doanh nghiệp tiếp tục hoạt động được đề cập trong Bản kế hoạch phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Tòa án cũng có thể cử một Ủy viên để giám sát quá trình thực hiện kế hoạch phục hồi, đó có thể là người điều hành theo pháp luật hoặc người đại diện cho người lao động. Chính Tòa án sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể của Ủy viên giám sát này.
Thông thường, kế hoạch phục hồi hoạt động của doanh nghiệp đề cập đến ba vấn đề: Vấn đề tài chính, vấn đề pháp lý và vấn đề xã hội.
3.1. Vấn đề tài chính
Về vấn đề tài chính, Bản kế hoạch phải nêu rõ các biện pháp để kết toán các khoản nợ và tổ chức tài chính của công ty trong giai đoạn thực hiện kế hoạch.
Về kết toán các khoản nợ
Để có thể giải quyết các khoản nợ của mình, doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán có thể tìm sự trợ giúp từ phía các chủ nợ để yêu cầu giãn nợ hoặc xóa nợ. Người được ủy quyền tư pháp sẽ làm nhiệm vụ thu thập ý kiến của các chủ nợ về việc lùi thời hạn trả nợ hoặc xóa nợ mà doanh nghiệp đề nghị. Nếu sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thư yêu cầu bằng văn bản của người được ủy quyền mà chủ nợ không có phản hồi thì được coi như chấp thuận đề nghị. Tất cả các điều này đều được đưa vào kế hoạch phục hồi hoạt động và chúng chỉ được thực hiện nếu như kế hoạch này được Tòa án thông qua.
Ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể nhờ vào sự can thiệp của Tòa án để giải quyết các khoản nợ của mình. Theo điều L628-18 của Bộ luật Thương mại Pháp năm 2009, Tòa án, ngoài việc ra quyết định giãn nợ hoặc xóa nợ đối với các khoản nợ đã được chủ nợ chấp thuận, còn có thể “ấn định thời hạn trả nợ” đối với các khoản nợ khác. Cần lưu ý ở đây, Tòa án chỉ có quyền thay đổi thời hạn trả nợ chứ không có quyền quyết định xóa nợ.
Về tổ chức tài chính của công ty
Việc phục hồi hoạt động của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thanh toán các khoản nợ mà mục đích của nó là tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và phát triển tốt. Để làm được điều này, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm kiếm được các nguồn lực mới. Các nguồn lực này có thể đến từ bản thân nội bộ doanh nghiệp hoặc có thể đến từ bên ngoài. Tất cả các kế hoạch huy động vốn cũng như huy động nguồn lực mới đều phải được đề cập và làm rõ trong Bản kế hoạch phục hồi doanh nghiệp.
Trong số các nguồn lực mới, nguồn lực đến từ bản thân doanh nghiệp đóng một vai trò thiết yếu, bởi vì, sự phục hồi dựa vào số vốn vay ngoài quá lớn là một sự phục hồi không bền vững và doanh nghiệp lại có thể rơi vào tình trạng khó khăn bất kỳ lúc nào. Doanh nghiệp phải đưa ra kế hoạch tăng vốn nếu sau khi lâm vào tình trạng khó khăn, vốn tự có tại thời điểm lập kế hoạch phục hồi nhỏ hơn một nửa vốn pháp định. Trong mọi trường hợp, việc tăng vốn tự có của doanh nghiệp luôn được khuyến khích. Kế hoạch tăng vốn sẽ được người quản lý đưa vào Bản kế hoạch phục hồi doanh nghiệp.
Bên cạnh nguồn lực tự có, doanh nghiệp cũng có thể huy động các nguồn lực từ bên ngoài dưới dạng các khoản vay từ các chủ nợ mới hoặc từ ngân hàng. Luật phá sản của Pháp luôn tạo điều kiện khuyến khích sự xuất hiện của các chủ nợ mới bằng cách trao cho họ các đặc quyền về đảm bảo thanh toán và thứ tự ưu tiên trả nợ (như đã phân tích ở phần 2.3.2).
3.2. Vấn đề quản lý doanh nghiệp
Để có thể phục hồi hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán đều phải thay đổi bộ máy hoạt động của mình. Các biện pháp này có thể được áp dụng trong việc đổi mới bộ máy, cấu trúc lại cơ cấu và tài sản của doanh nghiệp.
Về bộ máy của doanh nghiệp
Trước hết, Bản kế hoạch phục hồi hoạt động có thể đưa ra dự thảo thay đổi điều lệ của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi. Để thực hiện điều này, người quản lý tư pháp phải triệu tập và xin ý kiến Hội đồng cổ đông. Thông thường, việc
thay đổi điều lệ tập trung chủ yếu vào việc thay đổi vốn điều lệ của công ty, song cũng không loại trừ trường hợp thay đổi bộ máy công ty, đặc biệt là khi hình thức pháp lý hiện tại của doanh nghiệp không phù hợp với mục đích kinh doanh của nó. Bản kế hoạch phục hồi cũng có thể đưa ra một số ràng buộc đối với người điều hành doanh nghiệp trong trường hợp họ tỏ ra thiếu năng lực. Các biện pháp áp dụng có thể là: thay thế người điều hành doanh nghiệp, bắt buộc người điều hành không được hoặc phải nhượng lại các cổ phần, cổ phiếu của mình …
Về tài sản của doanh nghiệp
Nhằm mục đích đảm bảo thanh toán các khoản nợ cho chủ nợ, Bản kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh hầu như luôn đề cập đến việc dừng lại, thêm vào hoặc chuyển nhượng một hoặc một vài hoạt động của doanh nghiệp.
Một mặt, Bản kế hoạch phục hồi có thể yêu cầu việc chuyển nhượng một phần tài sản có của doanh nghiệp. Đôi khi, việc này giúp cho doanh nghiệp loại bỏ được các tài sản không đem lại lợi ích để đổi lấy tiền mặt. Đối tượng của hoạt động này có thể là các dụng cụ, đồ dùng trong hoạt động của doanh nghiệp như nhà cửa, bàn ghế, vật dụng v.v…, hoặc hơn nữa, có thể là một bộ phận cấu thành nên hoạt động kinh doanh, ví dụ như một nhà máy, một dây chuyền sản xuất độc lập v.v…
Mặt khác, Bản kế hoạch phục hồi cũng có thể nêu rõ các tài sản không thể chuyển nhượng. Đó là các tài sản quan trọng mang tính quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vì thế nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Biện pháp này nhằm đảm bảo cho các tài sản quan trọng này không bị chuyển nhượng một cách phung phí. Tòa án sẽ ấn định thời gian không chuyển nhượng của tài sản, với điều kiện thời gian này không vượt quá thời gian thực hiện cả quá trình phục hồi hoạt động.
3.3. Vấn đề xã hội
Vấn đề xã hội của Bản kế hoạch phục hồi doanh nghiệp chính là những biện pháp liên quan đến người lao động của doanh nghiệp. Quá trình phục hồi doanh nghiệp tất yếu gắn liền với quá trình cải tổ bộ máy, giúp tiết kiệm chi phí và làm cho doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả hơn. Chính vì vậy, việc cắt
giảm, sa thải người lao động thường xuyên xảy ra.
Thẩm quyền ra quyết định sa thải công nhân thuộc về Tòa án. Cũng như trong giai đoạn quan sát, Bộ luật Thương mại Pháp năm 2009 cho phép thực hiện việc sa thải công nhân nếu việc này là thật sự cần thiết và khẩn cấp, nhưng chỉ sau khi đã hỏi ý kiến Hội đồng công ty và các đại biểu nhân sự. Song, kế hoạch sa thải công nhân phải được nộp lên Tòa án trong vòng một tháng kể từ ngày Tòa án ra quyết định bắt đầu thực hiện kế hoạch phục hồi doanh nghiệp. Trong trường hợp này, người quản lý tư pháp chỉ cần thông báo trước cho người lao động trong thời gian như hợp đồng lao động hoặc pháp luật đã quy định.