CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH QUỐC TẾ
3.3.1. Đa dạng hoá hình thức tài trợ.
Nhìn chung hình thức tài trợ của NH Từ Liêm so với các ngân hàng khác trên cùng địa bàn vẫn còn ít, chưa đa dạng phong phú. Nhất là đối với tài trợ xuất khẩu, hiện nay ngân hàng chỉ có duy nhất một hình thức tài trợ đó là tài trợ dựa
trên một L/C đã được mở còn các hình thức khác như: chiết khấu bộ chứng từ, chiết khấu hối phiếu...vẫn chưa được triển khai. Đối với tài trợ nhập khẩu tuy hình thức tài trợ phong phú hơn so với tài trợ xuất khẩu nhưng vẫn chưa nhiều. Ngân hàng mới có một số hình thức tài trợ chủ yếu là mở L/C thanh toán hàng nhập, cho vay thanh toán tiền hàng nhập khẩu cho đối tác nước ngoài...Một số hình thức tài trợ khác như bao thanh toán cũng chưa được triển khai. Ngoài việc hình thức tài trợ còn ít, các sản phẩm cho vay XNK của NH Từ Liêm nhìn chung vẫn giống và chưa tạo được sự khác biệt với các sản phẩm của ngân hàng khác. Điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của NH Từ Liêm với các ngân hàng khác dẫn tới việc dễ mất thị phần.
Do đó, việc mở rộng các hình thức đã có và áp dụng thêm những hình thức tài trợ mới là việc hết sức cần thiết trong công tác đẩy mạnh hoạt động tín dụng TTXNK của NH Từ Liêm trong thời gian tới. Nó không chỉ mang lại nhiều nguồn thu cho ngân hàng mà còn là một giải pháp hữu hiệu giúp cho NH Từ Liêm đa dạng hoá các hình thức sử dụng vốn, giảm thiểu rủi ro góp phần giúp NH Từ Liêm đạt được cả 2 mục tiêu an toàn và sinh lời trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy trong thời gian tới NH Từ Liêm cần chú trọng tới những vấn đề sau:
Ngân hàng nên mở rộng việc cho vay bằng hình thức tín chấp, miễn giảm bảo đảm tiền vay bằng tài sản trong trường hợp khách hàng có tín nhiệm (được xếp loại A theo tiêu thức phân loại khách hàng của NHNo&PTNT Việt Nam). Việc làm này sẽ giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng lớn, có tình hình tài chính lành mạnh đến với mình, góp phần tăng thu cho ngân hàng.
Ngoài những hình thức tài trợ XNK hiện có, NH Từ Liêm cần chủ động triển khai áp dụng những hình thức XNK khác. Đặc biệt là trong hình thức tài trợ xuất khẩu, NH cần triển khai nghiệp vụ chiết khấu bộ chứng từ khi nhà XK xuất trình bộ chứng từ, ngân hàng nên chủ yếu tập trung vào hình thức chiết khấu có
truy đòi nhằm đảm bảo an toàn và giàng buộc trách nhiệm của nhà XK với những bộ chứng từ được chiết khấu tại NH. Nếu là xuất khẩu trả chậm, ngân hàng có thể tài trợ cho nhà XK thông qua nghiệp vụ chiết khấu hối phiếu đã được chấp nhận và còn thời hạn. Đối với tài trợ NK, NH cũng nên triển khai một số hình thức mới như: cho vay ký quỹ để mở L/C trong trường hợp khách hàng phải chịu mức ký quỹ cao hay chấp nhận hối phiếu.
Triển khai nghiệp vụ bao thanh toán. Tuy không phải là nghiệp vụ mới trên thế giới nhưng BTT còn khá mới mẻ đối với các NHTM ở Việt Nam. Bao thanh toán là một nghiệp vụ mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 bên nhập khẩu, xuất khẩu lẫn ngân hàng được đánh giá là mang lại hiệu quả và dần thay thế hình thức L/C trong tương lai. Hiện nay, NHNo&PTNT Việt Nam đã triển khai hình thức này, nhưng tại NH Từ Liêm hình thức này vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân là do nghiệp vụ này đòi hỏi NH phải có sự đầu tư lớn cả về vốn lẫn nhân lực. Mặc dù vậy, việc tập trung vào triển khai hình thức BTT là chuyện sớm muộn và thực sự cần thiết để đẩy mạnh hoạt động TDTTXNK cho NH Từ Liêm trong tương lai.
Bên cạnh việc triển khai tích cực và có hiệu quả hình thức BTT thì NH cần tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thêm nhiều hình thức tài trợ khác. Chẳng hạn như mở rộng hoạt động cho vay đồng tài trợ để giải quyết cho vay các dự án XNK đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi ngân hàng còn thiếu vốn. Việc phát triển hoạt động cho vay đồng tài trợ sẽ giúp ngân hàng tận dụng được các khoản vốn từ nhỏ nhất vào cho vay, đồng thời chia sẻ rủi ro với các ngân hàng khác (trong trường hợp dự án có rủi ro lớn) nhưng vẫn giữ chân được khách hàng.