1.2.4.1.1. Môi trường kinh tế.
Chính sách xuất- nhập khẩu.
Những chủ trương, chính sách kinh tế- xã hội mà đặc biệt là chính sách xuất nhập khẩu của Chính phủ có tác động rất lớn tới hoạt động TDTTXNK nói chung cũng như hoạt động đẩy mạnh tín dụng TTXNK nói riêng. Tuỳ vào từng giai đoạn mà chính phủ sẽ đưa ra các chính sách xuất nhập khẩu khác nhau nhằm đảm bảo cho nền kinh tế phát triển một cách có định hướng và phù hợp với yêu cầu khách quan. Ở hầu hết các nước mà đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam, chính phủ thường thực hiện chính sách khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vì xuất khẩu chính là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu cho quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước. Việc chính phủ thực hiện chính sách khuyến khích hoạt động xuất khẩu giúp cho các doanh
nghiệp XK có nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị phần, thị trường, mở rộng sản xuất và được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ về vốn vay và lãi suất. Nhu cầu vốn của các DNXK càng lớn càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đẩy mạnh tín dụng TTXNK, tăng nguồn thu của ngân hàng từ hoạt động này.
Tỷ giá hối đoái.
Điểm khác biệt của hoạt động ngoại thương so với hoạt động nội địa chính là có liên quan đến các đồng tiền khác nhau, dẫn tới việc phải mua bán, trao đổi đồng tiền của quốc gia này với quốc gia khác. Chính vì vậy mà sự biến động của tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngoại thương nói chung và hoạt động TDTTXNK nói chung. Khi tỷ giá giữa nội tệ và ngoại tệ tăng sẽ khuyến khích tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Vì với một lượng nội tệ đầu tư vào sản xuất, thu gom hàng xuất khẩu sẽ thu được một lượng ngoại tệ nhất định, khi chuyển sang nội tệ sẽ thu được số nội tệ lớn hơn nhiều nếu tỷ giá tăng lên. Ngược lại khi tỷ giá giảm sẽ hạn chế xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu. Việc xuất khẩu, nhập khẩu được khuyến khích hay hạn chế sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động TDTTXNK.
Lạm phát.
Lạm phát có tác động mạnh lên nhiều mặt như khả năng tiêu thụ hàng hoá, giá cả thị trường, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp…Do đó, nó có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tài trợ tại các ngân hàng thương mại. Cụ thể, trong thời kỳ lạm phát cao hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, đầu tư tiêu dùng giảm, hoạt động xuất nhập khẩu giảm, vốn mà các ngân hàng tài trợ cho các doanh nghiệp khó có thể sử dụng hiệu quả hoặc được thanh toán đúng hạn. Ngoài ra trong thời kỳ lạm phát cao, ngân hàng sẽ khó khăn trong việc huy động vốn bởi tâm lý lo ngại không muốn gửi tiền vào ngân hàng của người dân. Nguồn vốn huy động giảm dẫn tới việc ngân hàng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho các DN, buộc phải hạn chế hoạt động tín dụng TTXNK.