Như đã phân tích trong phần nhược điểm của mô hình (chương 3), vấn đề công bố và minh bạch thông tin đang là một vấn đề cấp thiết. Vì điều này ảnh hưởng đến niềm tin và quyết định đầu tư của NĐT.
Về vần đề minh bạch các thông tin kinh tế vĩ mô: Thông tin cần được công bố thường xuyên hơn, có thể công bố hàng tuần hoặc hàng tháng tùy theo loại thông tin. Các nhà hoạch định cần sớm thông tin những đánh giá của mình về điều kiện hiện tại của nền kinh tế cũng như các định hướng chính sách cho tương lai, từ đó giúp hạn chế tình trạng NĐT chạy theo những tin đồn sai sự thật, và Chính phú có thể kiểm soát thị trường được tốt hơn.
Về vần đề công bố và minh bạch thông tin của các Công ty niêm yết: Các công ty niêm yết lẫn các công ty CK phải công bố thông tin một cách xác thực và thường xuyên theo một chu kỳ nhất định.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng như Ủy ban CK nhà nước cần bổ sung, điều chỉnh những quy định về công bố thông tin theo hướng hoàn chỉnh, bao quát các vấn đề. Nâng mức xử phạt đủ để chi phí (tiền xử phạt) lớn hơn lợi ích (động cơ) vi phạm. Vì theo đánh giá hiện tại, mức xử phạt hành chính đối với các công ty, tổ chức niêm yết và những người có liên quan trong trường hợp vi phạm pháp luật về công bố thông tin được cho là quá thấp, không đủ sức răn đe cá nhân hay tổ chức vi phạm. Do đó, các hành vi giao dịch nội gián hay đầu cơ làm giá vẫn đang tồn tại và lập lại nhiều lần ở TTCK Việt Nam, từ đó gây ảnh hưởng đến niềm tin và quyền lợi của các NĐT khác. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến chất lượng của thông tin được công bố. Các cơ quan chức năng cần kết hợp với các cơ quan, tổ chức nghề nghiệp chuyên môn về kế toán, kiểm toán ban hành những quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn hành nghề kiểm toán và chuẩn mực kiểm toán. Do chứng nhận của kiểm toán là một trong những căn cứ để NĐT ra quyết định. Điều này sẽ góp phần làm cho chất lượng thông tin công bố được tốt hơn.
Bên cạnh đó, UBCKNN còn có thể thành lập một ban chuyên môn chuyên nghiên cứu về vấn đề “làm giá”. Ứng dụng những mô hình phát hiện hành vi “làm giá” trên thế giới để thực hiện chức năng quản lý thị trường hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ NĐT nhỏ lẻ.