Như đã đề cập trong chương 3, một trong những nguyên nhân mà tập hợp các biến vĩ mô được đưa ra trong mô hình vẫn chưa đạt được mức giải thích cao cho sự biến động của VN-Index là do cơ chế điều hành của Việt Nam chưa bám sát với nguyên tắc thị trường. Mặc dù trong mô hình biến tỷ giá hối đoái có ý nghĩa giải thích cho TSSL TTCK Việt Nam, nhưng mức giải thích này vẫn chưa cao là do NHNN vẫn đang khống chế mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng, làm cho mức tỷ giá này chênh lệch nhiều so với trên thị trường tự do. Tuy nhiên, kể từ ngày 11/02/2010 từ khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 3.36% thì chênh lệch này đã giảm dần, đặc biệt kể từ ngày 11/02/2011 khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng đột ngột tăng từ 18.932 usd/vnd lên 20.693 usd/vnd (tăng 9.3%) cùng với việc thu hẹp biên độ giao dịch từ ±3% xuống còn ±1% đã thu hẹp đáng kể khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá usd/vnd trên thị trường tự do và tỷ giá chính thức.
Trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Trong đó, lưu ý rằng, thực tế cho thấy cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng 1 chiều tỷ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỷ giá kéo dài. Nói cách khác, cần điều chỉnh tỷ giá có lên, có xuống, thời gian ngắn và nhanh hơn, với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao dich có thể rộng hơn … thì bớt tạo cú sốc tỷ giá và những hệ lụy mặt trái của điều chỉnh tỷ giá hơn.
Đối với biến lãi suất lại không có ý nghĩa trong giai đoạn chạy mô hình. Do trước năm 2010, Việt Nam áp dụng theo cơ chế NHNN công bố lãi suất cơ bản, dựa trên lãi suất cơ bản mà các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay, nhưng bị khống chế không quá 150% lãi suất cơ bản. Về sau, măc dù áp dụng lãi suất thỏa thuận, nhưng NHNN vẫn đang khống chế mức trần huy động. Điều này làm cho lãi suất trên thị trường bị bó hẹp, kém linh hoạt và mất đi yếu tố thị trường.