Đánh giá khái quát tình hình tài chính qua bảng cân đối kế toán 1 Sự biến động của tài sản (Bảng 02)

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP VÀ PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP (Trang 30 - 31)

2.2.2.1. Sự biến động của tài sản. (Bảng 02)

Vào thời điểm cuối năm 2008, tổng tài sản công ty đang quản lý và sở hữu là 1.085.058 triệu đồng (trđ), giảm 159.680 trđ so với đầu năm tương ứng với tỷ lệ giảm 12,83% cho thấy quy mô kinh doanh của công ty đang được thu hẹp do chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong đó tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn giảm mạnh từ 408.343 trđ năm 2007 xuống còn 138.075 trđ tương ứng với tỷ lệ giảm là 66,19%, tài sản cố định và đầu tư dài hạn tăng 110.588 trđ tương ứng với tỷ lệ tăng là 13,22%, làm cho tỷ trọng tài sản ngắn hạn giảm từ 32,81% xuống còn 12,73% và tỷ trọng tài sản dài hạn tăng từ 67,19% lên 87,27%. Như vậy công ty thu hẹp quy mô theo hướng chủ yếu là giảm tài sản ngắn hạn, tốc độ giảm của tài sản ngắn hạn đã nhanh hơn tốc độ tăng của tài sản dài hạn vì thế làm cho tổng tài sản giảm. Với lĩnh vực kinh doanh như xếp dỡ hàng hóa, cho thuê bãi kho, vận tải biển, đóng mớ và sửa chữa tàu thủy… thì tỷ trọng tài sản nghiêng nhiều về tài sản dài hạn như vậy là hợp lý. Tình hình này về trước mắt có thể giúp công ty tránh được những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế. Để đánh giá chính xác thì cần phải đi sâu phân tích cụ thể:

- Tài sản ngắn hạn giảm mạnh như vậy là do có sự biến động đột biến ở một số các khoản mục, cụ thể :

+ Tiền và tương đương tiền đã giảm mạnh từ 271.124 trđ năm 2007 xuống còn 11.591 trđ, tương ứng với tỷ lệ giảm 95,72%. Nguyên nhân là do trong năm công ty thực hiện nhiều dự án đầu tư cần một lượng tiền mặt lớn, trong năm qua với việc vay vốn là rất khó khăn khi lạm phát tăng cao, chính phủ thì áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thì chạy đua lãi suất… từ đó cho thấy việc công ty sử dụng vốn bằng tiền một cách linh động là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên nếu tốc độ giảm quá nhanh (tỷ trọng tiền và tương đương tiền trong tài sản ngắn hạn giảm 58%) sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của công ty. Trong thời gian tới công ty nên xem xét các khoản nợ đến hạn để có kế hoạch đảm bảo thanh toán, tạo uy tín cho công ty.

+ Các khoản phải thu: cuối kỷ là 89.756 trđ, so với đầu kỳ đã giảm 11.169 trđ, tỷ lệ giảm 11,07%. Trong đó giảm nhiều nhất là các khoản phải thu khác với sổ tiền 10.847 trđ, ứng với tỷ lệ giảm là 31,99%. Tiếp đến là phải thu khách hàng giảm 5.834 trđ ứng với tỷ lệ giảm 22,5%. Cho thấy trong năm công ty đã thu hồi bớt một phần các khoản phải thu nhưng tỷ trọng các khoản phải thu trong tổng tài sản ngắn hạn ở thời điểm cuối năm lại tăng 40,29% so với đầu năm. Điều đó chứng tỏ, về cuối năm vốn của công ty vẫn bị chiếm dụng nhiều (chiếm 65% trong tổng tài sản ngắn hạn) do đó sang năm tới công ty cần có những biện pháp giảm bớt các khoản phải thu, giảm bị chiếm dụng vốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của công ty.

Bên cạnh đó còn có những khoản mục tăng như : Hàng tồn kho tăng 4.267 trđ (tỷ lệ 45,4%; tỷ trọng 7,6%) do tăng dự trữ nguyên vật liệu, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đến khả năng tiêu thụ của công ty. Trả trước cho người bán tăng 5.512 trđ (tỷ lệ 12,49%; tỷ trọng 11,58%) là do trong kỳ công ty đã phải ứng trước một số tiền để mua nguyên vật liệu, đã làm cho công ty tăng bị chiếm dụng vốn và cho thấy uy tín của công ty suy giảm.

- Tài sản dài hạn của doanh nghiệp tăng là do trong kỳ công ty đã đầu tư tài chính dài hạn số tiền 137.327 trđ đây là khoản mục mà kỳ trước không có. Trong thời kỷ khủng hoảng công ty đã tìm những hướng đầu tư mới giảm ứ đọng vốn. Tài sản dài hạn khác cũng tăng 50.488 trđ, ứng với tỷ lệ tăng 340,97%. Bên cạnh đó tài sản cố định lại giảm 77.227 trđ (9.40%) so với kỳ trước, điều này chủ yếu là do chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh với số tiền là 272.329 trđ (71,38%), trong khi đó tài sản cố định hữu hình tăng 195.102 trđ (44,34%). Điều này cho thấy công ty đang dần đi vào giai đoạn hoàn thành, hoàn thiện để ổn định sản xuất khi một phần lớn đầu tư xây dựng cơ bản đã chuyển sang thành tài sản cố định, một phần cũng là do chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế mà công ty phải chuyển hướng đầu tư.

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP VÀ PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP (Trang 30 - 31)