Để thoát khỏi đói nghèo, những năm qua huyện Tiên Du đã được thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi. Theo đó, sự chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt thể hiện ở sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng. Trong đó, cơ cấu mùa vụ được bố trí hợp lý hơn như: giảm diện tích lúa xuân sớm, xuân trung; tăng trà lúa xuân muộn… Đồng thời, thực hiện chương trình đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao: C70, C71,
Nếp 352, lúa lai 2 dòng… vào thâm canh đã đưa năng suất lúa năm 2007 lên 51,14 tạ/ha. Cây màu phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và xuất khẩu nên có nhiều loại giống mới cho năng suất, sản lượng cao như: giống ngô Biosed 9681, DK 888, khoai tây Hà Lan. Nhờ vậy, sản lượng lương thực giai đoạn 2005-2008 tăng bình quân trên 7%/năm, đạt 61.824 tấn vào năm 2008.
Sản lượng lương thực tăng nhanh là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho đàn gia súc, gia cầm đang ngày càng phát triển. Vì thế, hiện chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất chính và là nguồn thu nhập quan trọng cho các hộ gia đình. Trong năm 2007, toàn huyện có trên 68.250 con lợn, tăng 6,5% và 6.013 con bò, tăng 10% so với năm 2005. Trong đó, chương trình nuôi bò sữa đã tăng gấp 16 lần so với năm 2004 với số lượng 278 con tập trung tại các xã ven đê như Tân Chi, Cảnh Hưng và đang mở rộng ra các xã Việt Đoàn, Lạc Vệ, Hiên Vân.
Việc chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp còn được triển khai đồng bộ với chương trình nuôi cá thâm canh. Nhiều hợp tác xã đã chuyển diện tích đồng trũng trước đây sản xuất lúa thành khu nuôi trồng thủy sản như Lạc Vệ (20 ha), Hoàn Sơn (9,3ha), Tân Chi (5ha)… Đến hết năm 2008, toàn huyện có khoảng 150ha được nuôi thả cá, chiếm trên 2% diện tích đất nông nghiệp.
2.2.2.Kết quả hoạt động của các ngành kinh tế - xã hội khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tiên Du vẫn còn nhỏ bé và chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hiện ngành này đang phát triển chủ yếu dựa trên các làng nghề truyền thống như Nội Duệ - Thị trấn Lim - Khắc Niệm với các nghề: dệt lụa, làm bún và một số nghề mới như sản xuất giấy ở Phú Lâm, chế biến lâm sản ở thị trấn Lim. Đến hết năm 2007, toàn huyện đã có 40 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 51 hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực này. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 16%/năm, đạt trên 95 tỷ đồng năm 2008. Một số mặt hàng phát triển và đạt chất lượng cao như: giấy, tơ tằm, chế biến nông sản,…
Việc xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm được huyện phát động sâu rộng nhằm phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Hệ thống giao thông vận tải được tăng cường, đặc biệt trong các bước quy hoạch, lập dự án cải tạo và nâng cấp các tuyến đường huyện và liên xã. Tranh thủ mọi nguồn vốn và dự án để thi công và hoàn
thành 20km đường nhựa thuộc các tuyến 270, 295, Trị Phương - Đại Đồng. Giao thông nông thôn đã cơ bản được nhựa hoá và bê tông hoá. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Đến hết năm 2008, số điện thoại bình quân đạt 20máy/ 100dân.