Số tiền có hàng tháng.

Một phần của tài liệu Vấn đề nhà ở của sinh viên đang theo học tại Tp.HCM (Trang 43 - 49)

3. Vấn đề nhà ở và đời sống sinh viên.

3.1.1.Số tiền có hàng tháng.

Do có nhiệm vụ chính lên thành phố để học tập, và tính chất của việc học tập, và sự tác động về giá cả hàng hóa trên thị trường nên mức thu nhập của sinh viên không ổn định. Vì vậy đề tài tìm hiểu mức thu nhập của mẫu nghiên cứu trong giới hạn phạm vi tháng. Với đặc trưng là những sinh viên ở tỉnh xa lên thành phố để học tập, và đa số chưa thể tạo ra thu nhập từ chính lao động của bản thân họ, nên thu nhập của sinh viên là từ gia đình gởi lên hàng tháng và có một số bạn đi làm thêm ngoài giờ học để có thêm thu nhập nhằm trang trải cho học tập và cuộc sống sinh hoạt.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập trung bình của sinh viên trong mẫu nghiên cứu là 1.500.000 đồng/1 người/1 tháng, người có thu nhập thấp nhất trong mẫu nghiên cứu là 500.000 đồng/1 người/1 tháng và cao nhất là 3.500.000 đồng/1 người/1 tháng. Trong đó mức thu nhập từ trên 1.000.000 – 1.500.000 đồng chiếm 51.2%, ở mức thu nhập từ trên 1.500.000 – 2.000.000 đồng có 24.2%, và mức thu nhập trên 2.000.000 – 3.500.000 đồng có 5.4%. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có tới 19.2% sinh viên có mức thu nhập đầu người/1 tháng là từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Ở mức thu nhập này sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong chi tiêu cho sinh hoạt vì mức sống của thành phố ngày càng cao thêm vào đó giá cả thị trường ngày càng leo thang. (Xem biểu đồ 3.1).

Nguồn: kết quả khảo sát của chúng tôi tại các trường đại học – tháng 3/2009

Sự chênh lệch số tiền sinh viên có hàng tháng giữa các đối tượng nghiên cứu có thể do nhiều lý do tác động nhưng một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này là do tình trạng kinh tế gia đình. Khi xét tương quan giữa tình trạng kinh tế gia đình và tổng thu nhập hàng hàng tháng của sinh viên ta thấy có sự khác biệt. Có 39.4% sinh viên có kinh tế gia đình khó khăn có mức thu nhập từ 500.000 – 1.000.000 đồng, kinh tế khá chiếm tỉ lệ 17.4%, kinh tế bình thường, đủ ăn chiếm tỉ lệ 15.9%, ở mức thu nhập này không có trường hợp thuộc kinh tế giàu có. Mức tiền từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng kinh tế bình thường chiếm tỉ lệ 57.1%, kinh tế khó khăn chiếm tỉ lệ 39.4%, kinh tế khá chiếm 26.1%. Mức tiền từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng kinh tế giàu chiếm tỉ lệ 50%, kinh tế khá chiếm tỉ lệ 47.8%, kinh tế trung bình chiếm tỉ lệ 22.5%, kinh tế khó khăn chiếm tỉ lệ 15.2%. Mức tiền sinh viên có hàng tháng là trên 2.000.000 đồng kinh tế giàu chiếm 50%, kinh tế khó khăn chi có 2 trường hợp. Như vậy gia đình càng có kinh tế khá giả thì chu cấp cho con em đi học càng nhiều. Ngoài ra cũng có sự khác biệt về số mức thu nhập hàng tháng giữa sinh viên khối công lập và sinh viên khối dân lập (không tính những sinh viên ở ký túc xá). Theo đó ta thấy rằng đa số sinh viên khối dân lập có mức thu nhập cao hơn những sinh viên khối công lập.

Tóm lại đa số sinh viên trong mẫu nghiên cứu có thu nhập hàng tháng là không ổn định và tương đối thấp so với giá cả kinh tế thị trường hiện nay.

Một kết luận nữa là các yếu tố về tình trạng kinh tế gia đình và khối sinh viên theo học có ảnh hưởng đến thu nhập. Gia đình càng có kinh tế khá giả thì chu cấp cho con em đi học càng nhiều và sinh viên khối dân lập có mức thu nhập cao hơn một chút so với sinh viên khối công lập.

3.1.2. Chi tiêu.

Cũng như thu nhập, trong phần chi tiêu này chúng tôi sẽ làm rõ cụ thể từng khoản chi một, qua đấy sẽ thấy rõ hơn về đời sống sinh hoạt của sinh viên.

Mức chi tiêu trung bình của sinh viên trong mẫu nghiên cứu là 1.461.000 đồng/tháng. Trong đó mức chi thấp nhất là 500.000 đồng/1 tháng, và mức chi cao nhất là 3.150.000 đồng/1 tháng.

Như vậy hầu hết sinh viên chi hết số tiền mà họ có được hàng tháng. Mức chi trung bình từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng chiếm tỉ lệ là 50.8%, từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng chiếm tỉ lệ 23.8%, từ 500.000 – 1.000.000 đồng chiếm tỉ lệ 20.4%, trên 2.000.000 đồng chiếm tỉ lệ 5%.

3.1.2.1. Chi cho nhà ở (điện, nước, internet…)

Nhà ở là một trong nhu cầu căn bản của con người. Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay áp lực về nhà ở rất lớn. Như trên chúng tôi đã phân tích, đa số sinh viên trên địa bàn nghiên cứu đang có cuộc sống ở trọ. Điều này có liên quan vấn đề chi tiêu của họ hàng tháng. Để biết rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã khảo sát về mức chi cho nhà ở và được kết quả như sau:

Với 94.6% sinh viên (227 người) trong mẫu nghiên cứu là ở trọ, kí túc xá thì số tiền chi cho nhà ở (bao gồm cả điện nước sinh hoạt,…) là một khoản gần như cố định trong tổng số tiền chi tiêu hàng tháng của họ.

Số tiền trung bình sinh viên phải chi trả cho tiền nhà, tiền điện nước sinh hoạt là 356.000 đồng/1 người/1 tháng, mức thấp nhất là 50.000 đồng/1 người/1 tháng. Và mức cao nhất là 850.000 đồng/1 người/1 tháng. Mức chi chủ yếu của sinh viên vào tiền nhà tập trung ở mức từ 200.000 – 300.000 chiếm tỉ lệ là 46.7%, từ 330.00 –

400.000 chiếm tỉ lệ là 24.7%, từ 450.000 - 500.000chiếm 14.5%, mức chi cho nhà ở thấp nhất là từ 50.000 – 150.000 chiếm 5.3%, mức chi trên 500.000 đồng chiếm 8.8% trong tổng số 227 sinh viên phải chi tiền nhà hàng tháng. Như vậy đa số sinh viên trong mẫu nghiên cứu có khoản chi cho tiền nhà là cố định với mức giá khá cao.

Xết theo phân tổ nhà ở, việc chi cho nhà ở giữa ở trọ và ở ký túc xá có sự khác biệt khá lớn. Ở mức chi thấp từ 50.000 – 150.000 đồng sinh viên ở ký túc xá có 10 người chiếm 12.5% trong tổng số 80 sinh viên, sinh viên ở trọ bên ngoài chỉ có 2 sinh viên chiếm tỉ lệ 1.4% trên tổng số 147 sinh viên. Mức chi từ 330.000 - 400.000 có 47 sinh viên ở trọ bên ngoài chiếm 32%, 9 sinh viên ở ký túc xá chiếm 11.3%. Ở mức chi từ 450.000- 500.000 đồng có 29 sinh viên ở trọ bên ngoài chiếm 19.7%, 4 sinh viên ở ký túc xá chiếm 5%, mức chi trên 500.000 đồng có 19 sinh viên ở trọ bên ngoài chiếm 12.9%, và chỉ có 1 sinh viên ở ký túc xá có mức chi cho nhà ở là trên 500.000. Như vậy ta có thể thấy rằng sinh viên ở ký túc xá hàng tháng chi phí tiền nhà thấp hơn rất nhiều so với sinh viên ở trọ bên ngoài.

3.1.2.2. Chi cho ăn uống.

Trong cuộc sống, ăn uống là một phần quan trọng. Mức chi cho ăn uống nó không chỉ nói lên mức sống mà còn phản ánh chất lượng sống của sinh viên. Tuy nhiên vấn đề ăn uống còn tùy thuộc vào từng điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người khác nhau. Với những lý do và tính chất của công việc học tập, thì việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhằm đảm bảo sức khỏe và thể chất để sinh viên học tập đạt kết quả học tập cao nhất thì ăn uống càng trở nên quan trọng. Chúng ta biết rằng giá cả ở Tp. HCM thường đắt đỏ hơn những nơi khác, mặt khác hiện nay giá cả thị trường đang leo thang nên vấn đề ăn uống của sinh viên cũng không đầy đủ chất lượng và dưỡng chất do số tiền hàng tháng sinh viên có ở mức thấp trong khi đó phải chi cho rất nhiều khoản.

Qua kết quả nghiên cứu cộng với quan sát tham dự của cúng tôi cho thấy rằng khẩu phần ăn của sinh viên rất đơn giản. Đa số sinh viên dành thời gian cho việc học tập trong ngày nên thời gian dành cho ăn uống là rất ít, thêm vào đó do điều kiện nhà trọ có diện tích chật hẹp nên việc nấu nướng là rất khó, nên thông thường sinh viên

chọn hình thức ăn cơm ngoài những “quán cơm sinh viên”. Chính vì thế bữa cơm của họ thường là không đảm bảo dinh dưỡng nhiều khi còn không đảm bảo vệ sinh. Điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể lực và trí tuệ của sinh viên cũng như tác động đến kết quả học tập của họ

Chi cho ăn uống là mức chi chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng mức chi hàng tháng của sinh viên. Mức chi trung bình cho ăn uống của sinh viên trong mẫu nghiên cứu là 745.439 đồng/1 người/1 tháng, mức chi cao nhất cho ăn uống là 2000.000 đồng/1 người/ 1 tháng, thấp nhất là 200.000 đồng/1 người/1 tháng tuy nhiên những con số này chiếm tỉ lệ rất ít. Chủ yếu tập trung vào mức chi từ 750.000 – 1.000.000 đồng có (99) sinh viên chiếm tỉ lệ là 41.4% trong tổng số 239 sinh viên trả lời, mức chi từ 550.000 - 700.000 đồng có 73 sinh viên chiếm tỉ lệ là 30.5%. Mức chi thấp nhất là từ 200.000 - 500.000 đồng có 55 sinh viên chiếm tỉ lệ là 23%, mức chi cao nhất là trên 1.000.000 đồng chỉ chiếm tỉ lệ là 5%. Như vậy, việc chi cho ăn uống hàng tháng của sinh viên cũng chỉ chủ yếu nằm ở mức trung bình và dưới trung bình là chủ yếu.

Khi xét tương quan giữa mức chi cho ăn uống và tình trạng kinh tế gia đình ta cũng thấy sự khác biệt. Đối với những sinh viên có kinh tế gia đình khó khăn thì 48.4% trong số họ có mức chi cho ăn uống từ 200.000 – 500.000 đồng, cũng ở mức chi này kinh tế bình thường chiếm tỉ lệ là 18.2%, kinh tế khá chiếm tỉ lệ là 21.4%. Ở mức chi 550.00 - 700.000 đồng thì sinh viên có kinh tế bình thường chiếm tỉ lệ là 33.1%, kinh tế khó khăn chiếm tỉ lệ 24.2%, kinh tế khá là 21.4%, gia đình giàu có có 1 trường hợp. Sự khác biệt này thể hiện rõ ở mức chi trên 1.000.000 đồng, ở gia đình khá giả có tỉ lệ 13% , kinh tế bình thường chiếm tỉ lệ 5%, kinh tế khó khăn không có trường hợp nào. Rõ ràng nếu xét góc độ kinh tế thì việc chi tiêu cho ăn uống không phụ thuộc vào cảm tính cá nhân mà chủ yếu phụ thuộc vào tình trạng kinh tế gia đình hay số tiền mà sinh viên có hàng tháng. (Xem bảng phụ lục)

Tóm lại, đa số sinh viên trong mẫu nghiên cứu có mức chi cho ăn uống ở mức trung bình hoặc thấp chính vì thế khẩu phần của họ rất đơn giản, đa phần không đáp ứng được những dưỡng chất cần thiết của con người. Ngoài ra tình trạng kinh tế gia

đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chi cho ăn uống của họ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của bản thân sinh viên.

3.1.2.3. Chi cho các khoản phụ.

Theo các nhà tâm lý học thì ăn và ở là 2 trong 5 nhu cầu cơ bản của con người. Đó là những nhu cầu cần thiết đến độ không thể không có ở tất cả mọi người. Ngoài 5 nhu cầu cơ bản đó, đời sống con người còn nhiều nhu cầu phụ khác. Đối với những nhu cầu phụ này không nhất thiết ai cũng phải thỏa mãn nhưng nó cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xã hội hóa của con người. Nghĩa là nó giúp ta mở rộng tương giao với người khác, tăng cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực thuộc về tri thức, văn hóa của đời sống xã hội, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để có thể thỏa mãn những nhu cầu đó thì đòi hỏi người tham gia cũng phải tổn phí về mặt thời gian và về mặt kinh tế. Đối với sinh viên thì đó cũng là khoản chi trong đời sống sinh hoạt của họ. Để làm rõ về đời sống sinh hoạt của sinh viên chúng tôi không loại trừ những hoạt động phụ đó thông qua luận điểm khảo cứu là chi cho các khoản phụ.

Ngoài những chi phí cơ bản như trên thì cuộc sống thường ngày sinh viên cũng có nhiều khoản phụ khác như mua sắm các vật dụng sinh hoạt, xăng xe, đi học thêm, đi uống cà phê ngoài tiệm cùng bạn bè mỗi khi rảnh, giao lưu, sinh nhật, đi picnic, đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt (kem đánh răng, xà bông)…những khoản đó không chỉ nói lên tính chất quan trọng của đời sống mà còn mang ý nghĩa như một hoạt động biểu hiện lối sống cá nhân của sinh viên. Thông qua khảo sát về mặt chi tiêu chúng tôi thấy được kết quả là.

Có 96.3% sinh viên trả lời về việc có chi trả cho các hoạt động phụ khác trong tháng và mức chi trung bình cho những chi phí khác trong nghiên cứu là 382.000 đồng/1 người/1 tháng, thấp nhất là 50.000 đồng/1 tháng/1 sinh viên, cao nhất là 2000.000 đồng/1 tháng/1 sinh viên. Chúng ta thấy số tiền chi chủ yếu tập trung ở khoảng 150.000 đồng đến 400.000 đồng với mức từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng là 27.2%, từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng là 25.9%. Từ 450.000 đồng đến

600.000 đồng là 21.5%, trên 600.000 có 13.8% và mức chi thấp nhất là 50.000 đồng đến 150.000 đồng chiếm 11.6%. Qua đó ta thấy rằng các hoạt động có tính giải trí, thưởng thức trong đời sống sinh viên là phong phú. (Xem bảng phụ lục)

Như vậy trong tổng số tiền mà sinh viên có hàng tháng sinh viên phải chi rất nhiều khoản và chi cho ăn uống là mức chi chiếm tỉ lệ cao nhất chiếm 49.5%, tiếp đến là chi cho sinh hoạt phí (xăng xe, giải trí, mua sắm…) chiếm 25.5%. cuối cùng là chi cho tiền nhà 22.5%. (Xem bảng 3.2)

Biêu đồ 3.2: Tỉ lệ khoản chi so với số tiền mà sinh viên có. (Tỉ lệ %) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nguồn: kết quả khảo sát của chúng tôi tại các trường đại học – tháng 3/2009

Tóm lại, mức chi của sinh viên trên địa bàn nghiên cứu là thấp và sinh viên hầu như chi hết số tiền mà họ có hàng tháng (97.5%). chủ yếu tập trung vào các khoản cơ bản là ăn uống, sinh hoạt phí và nhà ở.

Một phần của tài liệu Vấn đề nhà ở của sinh viên đang theo học tại Tp.HCM (Trang 43 - 49)