nhánh Ngân hàng Công thương Chương Dương
Được thành lập từ năm 1988, đến nay, chi nhánh Ngân hàng Công thương Chương Dương đã khẳng định được năng lực của mình bằng những bước đi vững chắc. Thời gian vừa qua, chi nhánh đã mở nhiều lớp đào tạo cho cán bộ công nhân viên để thích ứng với công nghệ hiện đại như các lớp học ngắn ngày về marketing, các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán quốc tế, kho quỹ, kế toán, vi tính, ngoại ngữ… Đồng thời, thực hiện tốt việc thi tuyển đầu vào
để tìm những người thực sự có trình độ, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp với năng lực và điều kiện của từng phòng ban. Tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh liên tục tăng qua các năm. Cùng với việc huy động vốn tăng thì kết quả sử dụng vốn của chi nhánh trong thời gian qua cũng được đánh giá là khá thành công. Nhiều dự án, phương án kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn do được đầu tư kịp thời từ nguồn vốn vay của chi nhánh nên đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, do nắm bắt được nhu cầu thị trường và sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư, cũng như hỗ trợ cho các đối tượng kinh doanh khác nhau, chi nhánh đã chú trọng mở rộng các nghiệp vụ khác như chuyển tiền trong và ngoài nước, nghiệp vụ bảo lãnh, nghiệp vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ…
Như vậy, có thể thấy rằng tình hình hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Công thương Chương Dương đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian vừa qua. Chi nhánh đã có nhiều nỗ lực trước nhu cầu cấp thiết của hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ và dịch vụ ngân hàng, của sức ép mở cửa thị trường tài chính, Chi nhánh đang phải đối mặt với những thách thức từ việc đầu tư đổi mới công nghệ. Với tiềm lực tài chính và năng lực vận hành còn hạn chế, những thách thức đã trở thành sức ép. Bởi lẽ, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, điều đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng nước ngoài sẽ được phép cung cấp thêm dịch vụ và chịu ít hạn chế hơn. Với việc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nới lỏng và tiến tới xoá bỏ các hạn chế trong huy động vốn, cùng sự xuất hiện các ngân hàng 100% vốn nước ngoài trong thời gian tới thì mức độ cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng nói chung và lĩnh vực huy động vốn nói riêng giữa các ngân hàng sẽ càng gia tăng, đặc biệt là giữa các ngân hàng thương mại trong nước với các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, sự phát triển của nền kinh tế, của khoa học kỹ thuật, mức sống của người dân, và tác động mạnh
mẽ của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho các khách hàng sử dụng thêm những dịch vụ ngân hàng khác nhau phù hợp với nhu cầu sống và làm việc mới. Các khách hàng có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ tại ngân hàng phù hợp với yêu cầu và lợi ích của mình nhất. Trong điều kiện đó, với công nghệ và dịch vụ hiện đại, các ngân hàng nước ngoài sẽ làm lợi cho khách hàng, qua đó mở rộng quy mô hoạt động và khả năng tiếp cận thị trường, các nhóm khách hàng. Như vậy, thị trường sẽ không chỉ lớn hơn và bị chia sẻ bởi nhiều ngân hàng hơn, mà còn trở nên bị phân khúc nhiều hơn với các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Trong khi đó, quy mô vốn của chi nhánh còn nhỏ bé, lực lượng lao động tuy đông nhưng trình độ chuyên môn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập, sự hiểu biết về luật pháp trong nước và quốc tế của cán bộ công nhân viên còn hạn chế, trình độ quản lý, tổ chức còn chưa cao... Các yếu kém này sẽ tác động một cách tổ hợp. Khi đó, chúng kích phát lẫn nhau và sinh ra nguy cơ tạo vòng xoáy: sức cạnh tranh thấp - kinh doanh không hiệu quả - không thể tiếp cận vốn và công nghệ cao - không thể cải thiện sức cạnh tranh. Từ góc nhìn hội nhập và cạnh tranh quốc tế, có thể thấy vòng xoáy này đang đe doạ không ít đến sự tồn tại và phát triển của chi nhánh trong thời gian tới. Đây là vấn đề cảnh báo đối với chi nhánh Ngân hàng Công thương Chương Dương. Chính vì vậy, trước sức ép của cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng gay gắt và quyết liệt như hiện nay thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chi nhánh là việc làm hết sức cần thiết và cần được triển khai một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
CHƯƠNG 2: