I. Định hướng phát triển của Tổng công ty đến 2015
2. Những cơ hội và thách thức đối với Tổng công ty PVC
2.1. Những cơ hội đối với Tổng công ty PVC
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vị thế của Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế, hình ảnh được quảng bá ở nhiều nơi trên thế giới, đây là cơ hội tốt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, do đó đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng rất nhanh. Mức tăng trưởng đầu tư hàng năm là 8,5 % trong đó công nghiệp nặng và đầu tư cơ sở hạ tầng có mức tăng trên 14%. Đầu tư tăng sẽ làm tăng nhu cầu xây lắp các công trình công nghiệp và dân dụng cao cấp. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững và lâu dài sẽ làm bùng nổ nhu cầu xây dựng các dự án công nghiệp và dân dụng cao cấp đặc biệt là trong lĩnh vực văn phòng cho thuê, khách sạn và căn hộ cao cấp. Giá đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang ở mức khá cao thúc đẩy nhu cầu xây dựng các tòa nhà cao ốc. Chiều cao trung bình của các công trình xây dựng đang tăng lên rất nhanh. Điều này đã tạo ra cơ hội rất lớn cho Tổng công ty trong việc chiếm lĩnh thi công các công trình xây dựng lớn.
Mặt khác cắt giảm thuế quan nhập khẩu là một chính sách tất yếu khi Việt Nam đã là thành viên của tổ chức thương mại quốc tế. Thuế nhập khẩu hàng hóa tư bản như là máy móc, thiết bị đã được giảm đi một cách đáng kể. Chính việc đó đã tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư của Tổng công ty PVC. Trong những năm tới, PVC cần tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động thi công, xây lắp. Do đó, một số máy móc hiện đại sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị sẽ góp phần làm giảm chi phí, từ đó hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của PVC đối với các công ty khác.
2.2 Thách thức đối với Tổng công ty PVC
Việt Nam gia nhập WT0, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên nhanh chóng, hoạt động đầu tư tăng theo do đó cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt, khốc liệt hơn, với nhiều đối thủ hơn trên bình diện sâu hơn, rộng hơn. Vì vậy trong thời gian tới, Tổng công ty PVC gặp phải vấn đề lớn là phải đối đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh
lớn mạnh trong khi đó năng lực thiết bị thi công của Tổng công ty còn hạn chế, lạc hậu và nguồn nhân lực chưa thực sự vững mạnh thì đây hẳn là một thách thức lớn đối với không chỉ Tổng công ty PVC mà với tất cả các doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, khi Việt Nam gia nhập WTO, các điều luật phải kí kết nhiều trong đó có các ràng buộc về đầu tư. Điều đó đã khiến cho Tổng công ty PVC gặp khó khăn trong quy trình thực hiện theo các luật thông lệ quốc tế. Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng để tiến hành đầu tư xây dựng ở Việt Nam còn rất yếu kém, phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Chính điều này đã ảnh hưởng đến chi phí và thời gian của tiến trình cơ hội đầu tư. Sự chậm chẽ trong việc giải phóng mặt bằng làm chi phí sử dụng vốn ngày càng tăng, rủi ro càng lớn làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Giá cả vật tư chính tăng mạnh trong năm qua và dự kiến còn tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Sự biến động của giá cả vật tư, thiết bị đã gây khó khăn rất lớn cho công tác xác định giá chào thầu và kí kết hợp đồng. Trong khi đó, các hợp đồng xây lắp thường có thời gian thi công dài từ 1 đến 3 năm. Nhiều hợp đồng kí kết từ các năm trước với giá kí không đổi đã gây lỗ lớn cho tổng công ty.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong điều kiện thị trường giảm sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai các dự án, công trình và xây dựng mới sẽ bị ảnh hưởng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình mới sẽ bị giảm sút. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty PVC, một tổng công ty chuyên ngành xây dựng dân dụng.