trước khi thành lập Sở Giao thông công chính
Trước thời kỳ đổi mới, Thành phố Hà Nội đứng trước thực trạng khó khăn, phức tạp. Nhiều mặt quản lý đô thị xuống cấp nghiêm trọng đang là vấn đề nhức nhối, lo âu, bất bình trong nhân dân. Trật tự, trị an, trật tự giao thông, trật tự vỉa hè, trật tự vệ sinh, trật tự xây dựng bị buông lỏng trong thời gian dài làm cho văn minh đô thị ngày càng giảm sút. Sang năm 1990, lĩnh vực công tác xã hội của Hà Nội có nhiều khó khăn và phức tạp, đời sống cán bộ công nhân viên chức và nhân dân giảm sút hơn năm 1989. Số người chưa có việc làm ngày càng tăng, hàng vạn công nhân dôi dư được trợ cấp thôi việc theo Quyết định 176/HĐBT, phần đông sau khi ra khỏi cơ quan, xí nghiệp phải tự
kiếm sống bằng nhiều cách, chủ yếu "bung ra" vỉa hè buôn bán nhỏ, gây mất trật tự công cộng và an toàn giao thông.
Trong cuốn 15 năm (1990-2005) ngành GTCC Hà Nội đổi mới và phát triển đã thống kê:
+ Về hệ thống cấp nước:
Từ tháng 6/1985 trở về trước, tình hình cấp nước của Hà Nội rất căng thẳng. Hệ thống cấp nước chỉ có 106 giếng nước ngầm, 8 nhà máy nước lớn và khoảng 210 km đường ống. Công suất cấp nước tính toán trong toàn khu vực nội thành vào khoảng 290.000 m3/ngày đêm. Các cụm xử lý và trạm bơm xuống cấp cần cải tạo gấp rút vì mức độ cấp nước thấp, mạng lưới bị rò rỉ (khoảng 50%), áp lực nước trong mạng rất thấp.
Đến cuối năm 1990, hệ thống cấp nước Hà Nội có 112 giếng, đã cải tạo và thi công mới 8 nhà máy nước có công xuất phát nước từ 30.000 m3/ngày đêm đến 60.000 m3/ngày đêm. Tổng công suất phát nước của thành phố là 360.000m3/ngày đêm, song chỉ có 120.000 hộ với khoảng 500.000 người dân được hưởng nước có chất lượng đảm bảo với áp lực cao, bình quân đạt 80 lít/người/ngày. Còn lại 50% dân cư ở nhiều khu vực trong thành phố vẫn chưa được cấp nước đều đặn.
+ Về hệ thống thoát nước:
Hệ thống thoát nước của khu vực thành phố cũ được xây dựng từ năm 1839 cho đến thập niên 90 vẫn chưa được cải tạo và nâng cấp ngoài một số sửa chữa nhỏ kể từ năm 1954 đến năm 1990. Nội thành Hà Nội có 120 km cống ngầm, mật độ cống quá thấp so với mặt bằng xây dựng. Nhiều tuyến cống không phát huy được hiệu quả thoát nước vì không được nạo vét thường xuyên, nhiều nhà xây dựng không phép nên cơ quan chức năng không quản lý được COS, vì vậy nước thải cũng không thoát được ra mương.
Tại khu vực mới mở rộng, số lượng cống không đủ để thoát nước, gây ứ đọng nước thải và úng ngập nước mưa. Địa hình bằng phẳng và nhiều hồ ao bị san lấp nên khả năng thoát nước mưa của cống ngầm ngày càng bị hạn chế. Khi mưa trên 100 mm đã xuất hiện trên 60 điểm úng ngập trên đường phố và khu dân cư nội thành. Nước thải sinh
hoạt và công nghiệp không được xử lý chảy thẳng ra sông, mương qua hệ thống cống chung gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bốn sông thoát nước ra ngoại thành và hơn 130 ha hồ bị bồi lắng, không còn nhiều khả năng tải và chứa nước [52, tr.47, 48].
+ Về vệ sinh môi trường:
Môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm vì toàn bộ nước thải của 274 xí nghiệp, 540 cơ sở dịch vụ, 450 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và 20 bệnh viện đều chảy trực tiếp ra sông hồ. Trong nội thành còn tồn tại 11.000 hố xí 2 ngăn và xí thùng, 17 nhà vệ sinh công cộng và 316 nhà vệ sinh liên gia đều bị xuống cấp, hư hỏng.
Hàng ngày thành phố thải ra gần 2.000 m3 rác nhưng mới thu gom được hơn 40%. Một lượng rác rất lớn tồn đọng trong các ngõ xóm và các khu tập thể. Mới có 50% số xí nghiệp công nghiệp ký hợp đồng thu gom rác thường xuyên, chưa có đủ phương tiện thu gom và vận chuyển rác. Rác phải tập kết trên đường để chuyển đi. Hà Nội khi đó chưa có công trình xử lý rác mà chủ yếu là chôn lấp.
+ Về hệ thống công viên - cây xanh:
Nội thành Hà Nội thời điểm này có gần 40.000 cây bóng mát, trong đó có khoảng 1/2 là cây xanh đường phố với 44 loại khác nhau. Từ năm 1990 số cây thân gỗ được trồng thêm từ 10.000 đến 20.000 cây/năm. Mật độ cây xanh phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực Ba Đình và Hoàn Kiếm. Hà Nội nổi tiếng là thành phố có nhiều cây xanh nhưng thực tế diện tích đất xanh bình quân chỉ đạt 2,5 m2/người và chỉ có 60% đường phố có cây xanh tốt.
Cơ cấu cây xanh nói chung chưa phù hợp với kiến trúc đô thị. Hàng năm Công ty Công viên phải cắt bỏ từ 150 ÷ 200 cây sâu mục. Những loại cây có tán lá rộng, rễ chùm thường bị đổ khi có mưa bão lớn. Vườn Thú Hà Nội khi đó chỉ có 78 loài với 500 cá thể, mỗi năm chỉ có vài chục vạn lượt người tham quan với doanh thu không đáng kể [52, tr.50, 51].
Nhờ sự viện trợ, giúp đỡ tích cực của Liên Xô (cũ), sự hợp tác nhiệt tình của các chuyên gia trong và ngoài nước và tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân chiếu sáng nên đến thời điểm này, trên hầu hết các đường phố nội thành đã được chiếu sáng bằng đèn thủy ngân cao áp, với tổng chiều dài các tuyến đèn đường là 238 km, đạt 60% tổng sơ đồ quy hoạch. Tổng công suất thiêu thị cho chiếu sáng công cộng là 28 MW (xấp xỉ bằng 1% tổng công suất tiêu thụ điện năng của thành phố).
+ Về hệ thống giao thông vận tải:
Trên địa bàn Hà Nội thời điểm năm 1989 có 1.437 km đường quốc lộ liên tỉnh và liên huyện với 7,65 triệu m2 mặt đường. Nội thành Hà Nội có 235 km đường với 2,11 triệu m2. Diện tích đường chỉ chiếm 4,9% diện tích Hà Nội, nhưng có tới 48,7% đường nội thành đã bị rạn nứt, ổ gà. Mạng lưới giao thông đường bộ nội thành còn thiếu rất nhiều so với tiêu chuẩn quy định của thành phố ở các nước phát triển. Mạng lưới đường phân bố không đều, chất lượng thấp, đường chật hẹp. Trong các giờ cao điểm trên các đường trục hệ số sử dụng lòng đường đã vượt từ 1 ÷ 3 lần do lòng đường nội thành quá hẹp, 88% đường phố có chiều rộng dưới 11m.
Các nút giao thông đều giao cắt đồng mức, lưu lượng giao thông quá lớn do đó đã dẫn đến tình trạng mất trật tự, ùn tắc, không đảm bảo an toàn giao thông. Vào giờ cao điểm, xe đạp xe máy chiếm 92 ÷ 94% phương tiện đi lại nên tại các nút giao thông chính thường xuyên bị ách tắc giao thông. Phương tiện vận tải hành khách công cộng gồm 190 xe buýt, 10 xe điện bánh hơi và khoảng 500 xe con hoạt động theo kiểu ta-xi và thuê bao. Số lượng phương tiện này còn quá ít và chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Xe buýt thực hiện khoán gọn, không chạy đúng biểu đồ vận hành, hành khách phải chờ đợi quá lâu lại bị nhiều phiền hà, sách nhiễu nên thời điểm này chỉ có 2% hành khách đi xe buýt. Tính bình quân mỗi người dân chỉ có 0,18 đầu xe vận tải công cộng, dẫn tới tình trạng tự phát triển các phương tiện giao thông cá nhân. Tốc độ bình quân của xe cơ giới thời kỳ này chỉ đạt 20 km/h. Mạng lưới giao thông bố trí theo kiểu "ô bàn cờ" thời Pháp để lại với 400 nút giao thông, trong đó có 8 nút hay bị ùn tắc ở các ngã tư, ngã năm, ngã sáu… Có tới 23 nút giao thông lưu lượng hơn 400 xe/h chưa được cải tạo, 170 điểm trông
giữ xe đạp xe máy, 220 điểm đỗ ôtô con trái phép đã chiếm dụng hơn 10.000 m2 đường và hè phố, chưa kể diện tích bị lấn chiếm để bán hàng quán, dịch vụ chữa xe, rửa xe và làm nơi chứa vật liệu xây dựng. 8 km đường sắt từ cầu Long Biên đến ga Giáp Bát cắt ngang qua nội thành, có khoảng 30 lượt tàu chạy mỗi ngày, giao cắt đồng mức với các đường phố nội thành đã tạo ra những nút giao thông có nguy cơ ách tắc thường xuyên [52, tr. 37 - 40].