Từ khi giành được độc lập ở miền Bắc (1954) và thống nhất đất nước (1975) cho đến thời kỳ đổi mới, DNNN được thành lập và phát triển gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế - xã hội của đất nước ta có nhiều điểm khác biệt với các nước XHCN khác nên quá trình hình thành cũng có một số điểm đặc thù cả về quy mô, tỷ trọng, tính chất.
- Bước đầu, các DNNN được hình thành từ việc quốc hữu hóa các xí nghiệp tư bản tư nhân hoặc tiếp quản các doanh nghiệp của chính quyền cũ để lại. Một số doanh nghiệp trong quá trình cải tạo XHCN theo mô hình "công tư hợp doanh", mặc dù không được quốc hữu hóa trực tiếp bằng pháp lý, nhưng trên thực tế do thực hiện cơ chế quản lý doanh nghiệp quốc doanh dần dần cũng biến thành DNNN. Tuy nhiên, số lượng các DNNN loại này không nhiều. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp loại này sau khi trở thành DNNN được Nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển mạnh về quy mô.
- Loại thứ hai: Nhà nước tiến hành xây dựng mới các DNNN. Loại này gồm: trước hết nhà nước đầu tư trực tiếp từ ngân sách. Tiếp đến là các DNNN do chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) thành lập trong thời kỳ phân cấp quản lý giai đoạn đầu và giữa thập kỷ 80 (các DNNN loại này chủ yếu thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cơ khí sửa chữa; hầu hết quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng, hiệu quả rất thấp).
- Loại thứ ba: do Nhà nước đầu tư trực tiếp từ ngân sách hoặc vốn viện trợ xây dựng mới, công nghệ và thiết bị chủ yếu từ các nước thuộc hệ thống XHCN trước đây như: Liên Xô, Trung Quốc. Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp loại này dần chiếm lĩnh hầu hết các ngành kinh tế. Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, các DNNN được thành lập ở các địa bàn ít dân cư, cần khai thác tài nguyên đất, rừng với các ngành nghề khác nhau, chủ yếu trồng và khai thác gỗ, các cây công nghiệp dài ngày.
DNNN chiếm giữ hầu như toàn bộ các ngành công nghiệp như năng lượng (điện lực, than và dầu khí), khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, sản xuất xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất, dược phẩm và công nghiệp phục vụ quốc phòng. Trong các ngành sản xuất hàng tiêu dùng chủ lực, DNNN cũng có tỷ trọng áp đảo (năm 1990 chiếm:
70% vải, 85% giấy, 70% xe đạp, 60% xà phòng). Các ngành xây dựng, vận tải (hàng không, đường sắt, đường biển), xuất nhập khẩu, thương nghiệp bán buôn… DNNN cũng có tỷ trọng tuyệt đối. Đến tháng 6 năm 1995, cả nước có 6.213 DNNN, trong đó: trung ương quản lý 1.811 doanh nghiệp, địa phương quản lý 4.402 doanh nghiệp.
- Sự cần thiết của DNNN.
KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát mà nước ta lựa chọn trong thời kỳ đổi mới. Nó vừa mang tính chất chung của KTTT, vừa có những đặc thù, được quyết định bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH. Đây là sự vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm trong nước và thế giới về phát triển KTTT, là sự kết tinh trí tuệ của Đảng và nhân dân trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước. Đảng ta đã xác định một cách nhất quán KTTT định hướng XHCN là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy việc xác định một cách rõ ràng và nhất quán vị trí, vai trò của kinh tế Nhà nước trong quá trình hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế đất nước là rất cần thiết. ở nước ta, vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước là xuất phát từ lợi ích của đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, là "hòn đá thử vàng" để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng XHCN trong tiến trình phát triển kinh tế. Kinh tế Nhà nước càng phát huy tốt vai trò chủ đạo bao nhiêu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh, góp phần thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" nhanh và vững chắc bấy nhiêu... Nhiều DNNN kinh doanh có hiệu quả và những DNCI đang góp phần thể hiện rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Đó là những "người lính tiên phong" trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, trong cuộc chiến chống đói, nghèo và tụt hậu; là chỗ dựa để Nhà nước điều tiết nền KTTT theo định hướng XHCN. Ngay cả những người "phản biện" nghiêm khắc nhất đối với các DNNN cũng không thể phủ nhận được thực tế đó. Tuy khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển, nhưng chúng ta không thể kỳ vọng nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư phát triển các ngành kinh tế như kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cung ứng những hàng hóa và dịch vụ quan trọng. Đó còn chưa kể đến việc giải quyết các vấn đề xã hội... ở một nước kém phát triển như Việt Nam, tư nhân nào có thể nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông, các nhà máy điện và các trung tâm nghiên cứu, ứng
dụng khoa học - công nghệ; tư nhân hoặc liên doanh nào đến những xã vùng sâu, vùng xa để làm đường ô-tô, xây dựng trạm biến thế, để bán điện với giá tương đương như ở đô thị; hoặc khi thiên tai xảy đến, tư nhân nào có thể cứu hộ, trợ giúp được cả một địa phương, một khu vực. Đất nước ta mới bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH nền kinh tế quốc dân. Khó khăn càng chồng chất, khi quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế có trình độ phát triển cao hơn rất nhiều. Việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào năng lực tiếp thu và khả năng nội sinh hóa công nghệ nhập khẩu. Tiềm lực khoa học và công nghệ yếu kém, lẽ đương nhiên, dễ gặp phải những khó khăn, rủi ro hơn trong việc thực thi các hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng như các dự án góp vốn đầu tư hoặc nhập khẩu thiết bị toàn bộ. Trong hoàn cảnh này, các đối tác nước ngoài có thể lợi dụng ưu thế của họ để khống chế các đối tác nội địa. Chính vì vậy, nếu không có một khu vực kinh tế Nhà nước đủ mạnh thì Nhà nước không thể hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác vươn lên trong cuộc hợp tác và cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.
Để vươn lên nhằm thoát khỏi tình trạng kém phát triển bằng CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế là hướng đi đúng của nước ta và không có con đường nào khác. Cuộc đấu tranh để bảo vệ sự lựa chọn con đường phát triển của mình trong hội nhập kinh tế quốc tế và thực tiễn những năm vừa qua càng cho thấy, nhất thiết không thể thiếu vai trò của kinh tế nhà nước, trong đó các DNNN - yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ vững định hướng XHCN của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình xây dựng nền kinh tế quốc dân. Điều đó thể hiện trước hết ở chỗ, trong hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải hợp tác và cạnh tranh với hàng loạt các đối tác nước ngoài rất mạnh về vốn và công nghệ. Đương nhiên các đối tác nước ngoài đó muốn ở Việt Nam sẽ chỉ còn lại những doanh nghiệp nhỏ làm vệ tinh, đại lý tiêu thụ cho chúng và không có khả năng cạnh tranh đáng kể với chúng. Chính vì thế, họ không mấy thiện cảm khi thấy chúng ta duy trì và củng cố các DNNN cỡ lớn. Khi làm việc với những đối tác có tiềm lực to lớn đó, nếu Việt Nam không có một khu vực kinh tế Nhà nước đủ mạnh, sẽ khó có thể vừa hợp tác hiệu quả lại vừa giữ vững được sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội trên mỗi bước đường đi lên CNXH. Kinh tế nhà nước phải đủ sức làm chỗ dựa cho Nhà nước
"của dân, do dân, vì dân" trong việc điều tiết, phát triển nền kinh tế nhằm chủ động hơn nữa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích của đại đa số nhân dân, bảo đảm thống nhất giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội - một trong những tiêu chí then chốt của nền KTTT định hướng XHCN.
Từ lợi ích của CNXH, trong quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN, rõ ràng, vị trí quan trọng, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là điều không cần tranh luận, nhất là khi hiểu đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân… DNNN giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật".
DNNN giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Việt Nam khác các nước khác vì DNNN của nước ta là toàn bộ nền kinh tế, là xương sống của nền kinh tế. Những gì lớn nhất DNNN đều nắm giữ: 75% tài sản cố định quốc gia, 50% vốn đầu tư nhà nước đầu tư cho DNNN và 60% vốn tín dụng của ngân hàng đầu tư cho DNNN, 70% tổng vốn vay nợ nước ngoài, vốn ODA cũng dành cho DNNN phần lớn. Năm 2003, số DNNN có lãi chiếm 77,2%, tổng số nộp ngân sách nhà nước là 87.000 tỷ đồng (tương đương 9,2% thu ngân sách), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 10,79%, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trong ba năm 2000 -2003 là 10%. Tại Báo cáo giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng nhận định:
DNNN vẫn giữ được các vị trí trọng yếu trong kinh tế, tiếp tục đóng góp lớn nhất vào các nguồn thu nội địa của ngân sách. Đã tổng rà soát, xây dựng và bước đầu triển khai chương trình đổi mới các DNNN. Một số DNNN đã nâng cao được sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.