Nguồn vốn ODA giữ một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vì vậy, cần phải quản lý các dự án ODA sao cho có hiệu quả. Tuy nhiên, để quản lý các dự án ODA có hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố, cả khách quan và chủ quan. Có thể nêu ra 4 nhân tố khách quan chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, chiến lược, mục đích cung cấp ODA trong từng thời kỳ của nhà tài trợ. Các nhà tài trợ khi cung cấp ODA thì thường có 3 mục tiêu: Mục tiêu kinh tế, mục tiêu chính trị và mục tiêu nhân đạo. Nhằm thực hiện mục tiêu kinh tế, ODA sử dụng như là một trong những cầu nối để đưa ảnh hưởng của nước cung cấp sang các nước đang phát triển. ODA được dùng để thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế với các nước tiếp nhận. Bên cạnh đó, đi kèm với các nguồn ODA là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lượng vốn đầu tư tư nhân đi kèm lớn gấp 5 lần lượng vốn ODA và trong đó có phần không nhỏ của việc di chuyển ODA ban đầu. Ngoài ra nguồn vốn ODA còn là phương tiện để giúp các nước cung cấp viện trợ thâm nhập thị trường các nước đang phát triển một cách dễ dàng hơn, hàng hoá của nước ngoài có thể vào thị trường trong nước thông qua nước tiếp nhận ODA có những thay đổi trong chính sách nhập khẩu. Có thể nói, mục tiêu kinh tế của các nước cung cấp ODA là khá rõ ràng, mục tiêu này trong mỗi giai đoạn có thể khác nhau nên tiêu chí cung cấp ODA khác nhau. Tuy nhiên, những nước thiếu vốn, lạc hậu về công nghệ và kinh nghiệm quản lý để tạo lập các tiền đề phát triển, các nước đang và chậm phát triển vẫn cần nhận được sự hỗ trợ của các nước phát triển thông qua ODA, nhưng vấn đề mà các nước tiếp nhận ODA cần quan tâm là biết sàng lọc, quản lý thật tốt để có được các nguồn vốn này và sử dụng có hiệu quả kinh tế cao nhất.
ODA không phải là sự giúp đỡ “hào hiệp, vô tư”, giúp xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đáp ứng các yêu cầu cơ bản nhất của con người ở các nước nhận viện trợ mà ODA được sử dụng như là công cụ chính trị của các nước phát triển. Như Mỹ viện trợ cho nước ngoài được coi là “những công cụ quan trọng thúc đẩy các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ” và “viện trợ là một bộ phận quan trọng của vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ”. Do vậy các nước tiếp nhận càng phải quản lý thật chặt nguồn vốn này, không nên chỉ chú trọng vào số lượng huy động được mà còn phải quan tâm đến sự đánh đổi để có được nguồn vốn ODA, không để quá phụ thuộc vào các nước cung cấp ODA.
Như vậy, ngoài tính chất trục lợi thì những toan tính chính trị cũng là tiêu chí cung cấp ODA của các nhà tài trợ. Bởi vậy, việc tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả ODA là cả một vấn đề phức tạp, đã và đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo của các nước tiếp nhận ODA, trong đó có Việt Nam. Trong các mục tiêu cung cấp ODA của các nhà tài trợ, mục tiêu vì các chương trình, dự án xoá đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, bảo đảm bền vững về môi trường là một phần quan trọng của viện trợ. Mục tiêu này đã góp phần không nhỏ vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các nước thế giới thứ ba. Do đó càng phải đảm bảo nguồn vốn này được quản lý chặt chẽ, giúp nâng cao đời sống người dân và giảm hố ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng, các quốc gia.
Thứ hai là các cơ chế, chính sách của Việt Nam và nhà tài trợ về quản lý dự án ODA. Nhìn chung, giữa quốc gia tiếp nhận và quốc gia tài trợ ít có trường hợp cùng áp dụng một mô hình tổ chức quản lý chung nào đó. Cơ chế chính sách quản lý nguồn vốn ODA của các nước tài trợ hoặc tổ chức cung cấp ODA đa phương thay đổi sẽ ảnh hưởng đến tình hình thực hiện những dự án ODA của nước đi vay và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của nước này. Tương tự, phía Việt Nam cũng có những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA. Nếu các văn bản này ổn định và phù hợp với phía cho vay sẽ góp phần thúc đẩy công tác quản lý tốt nguồn vốn ODA, giảm bớt xung đột giữa các bên.
Thứ ba là các Hiệp định ký kết giữa Việt Nam và các tổ chức tài trợ ODA. Bất kỳ dự án ODA nào cũng bao gồm 2 phần:Phần vật chất giúp phát triển cơ sở hạ tầng và phần chính sách kèm theo. Chính sách chính là “Hiệp định vay”. Nội dung phản ánh đầy đủ tôn chỉ và mục đích hoạt động của tổ chức tài trợ cũng như các qui định về các điều khoản cho vay: thời hạn vay, đồng tiền, lãi suất, lịch trả nợ lãi và gốc, quy định về giải ngân, mua sắm, đấu thầu, kế toán, kiểm toán, chế độ kiểm tra, báo cáo… Song song với Hiệp định vay là các văn bản quy phạm do các tổ chức song phương và đa phương ban hành liên quan đến từng nội dung trên và buộc các nước đi vay phải tuân thủ thực hiện. Chính
những Hiệp định, và những văn bản quy phạm pháp luật này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý, nội dung quản lý đối với từng dự án, từng lĩnh vực tài trợ và từng nhà tài trợ.
Chẳng hạn, WB chủ thuyết rằng, ngành điện phải được tư nhân hoá và các doanh nghiệp trong ngành phải hoạt động trên cơ sở doanh lợi, nếu Việt Nam muốn nhận thêm viện trợ cho ngành này. Họ yêu cầu phải thay đổi giá điện và không chấp nhận giá điện bao cấp. Ban đầu, Chính phủ đồng ý với điều kiện này, vì nước ta rất cần vốn cho phát triển. Hơn nữa, Chính phủ cũng nhận thức sâu sắc rằng, trong nền kinh tế thị trường, ngành điện phải hoạt động theo quy luật của thị trường và giá điện không thể được bao cấp. Nhưng thực tế, không thực hiện được vì dư luận xã hội. Đối với một nước nghèo như Việt Nam, giá điện là vấn đề xã hội, bởi phần lớn người dân không thể chịu được giá cao.
Hoặc trước đây, IMF khi cho vay bao giờ cũng kèm theo một bộ chính sách mà Việt Nam phải theo. Mà nếu không theo, IMF lập tức cắt viện trợ. Ví dụ, mới đây, họ dừng một khoản viện trợ 150 triệu USD? Để nhận khoản viện trợ này, họ yêu cầu Việt Nam phải cổ phần hoá hay kiểm toán Ngân hàng Nhà nước. Điều này chúng ta chưa làm được, vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không hoạt động như một ngân hàng thương mại.
Hoặc với ADB, họ yêu cầu phải thành lập một Hội đồng Nước quốc gia thì mới đồng ý giải ngân cho xây dựng một hồ thuỷ lợi ở Tây Nguyên. Vì nhiều lý do, ta không thể thực hiện được yêu cầu này. Vì vậy, hai bên không gặp nhau.
Nói chung, các khoản viện trợ bao giờ cũng kèm theo chính sách, mà nói là áp đặt hay điều kiện cũng được.
Khi đồng ý tiếp nhận gói viện trợ nào đó, ta phải chú ý xem những chính sách đi kèm có phù hợp hay không thì mới tiếp nhận. Còn nếu nhận khoản viện trợ đó, rồi không thực hiện chính sách kèm theo thì không ổn.
Thứ tư, mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội giữa Việt Nam và các tổ chức tài trợ. Nhìn chung, trong những năm gần đây, viện trợ nước ngoài giảm mạnh,
song nguồn ODA dành cho Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đó là do mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội giữa Việt Nam và các nước trên thế giới được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt là Nhật Bản, đây là tổ chức tiếp tục tài trợ cho Việt Nam nhiều nhất. Vì mối quan hệ ngoại giao đặc biệt giữa 2 quốc gia và cũng vì muốn nâng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhờ những nỗ lực của Việt Nam trong những năm gần đây đã cải cách cơ cấu kinh tế, có nhiều thành công mới trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà các tổ chức tài trợ quốc tế như WB, ADB cũng tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam cho những chương trình phục vụ lợi ích cộng đồng, nông nghiệp nông thôn và y tế giáo dục. Vì vậy, ta phải xây dựng mối quan hệ hợp tác tin cậy lẫn nhau và thực hiện nghiêm túc những điều đã cam kết, đối thoại và chia sẻ thông tin với các nhà tài trợ thì mới đạt được sự thống nhất trong quá trình quản lý.
2.2.2. Nhân tố chủ quan
Bên cạnh những nhân tố khách quan, tình hình quản lý các dự án ODA còn chịu tác động của nhiều nhân tố chủ quan, bao gồm:
Một là cấu trúc tổ chức, quản trị, điều hành nguồn vốn ODA. Thường có 3 loại cấu trúc tổ chức trong quản lý dự án ODA: Cấu trúc tổ chức trên cơ sở phòng ban chức năng, cấu trúc dạng dự án và cấu trúc dạng ma trận. Tuỳ từng đặc trưng, hoàn cảnh, môi trường thực hiện dự án cũng như lĩnh vực, quy mô của dự án mà cấu trúc tổ chức quản lý cũng khác nhau. Nếu dự án ODA là loại dự án lớn, dài hạn, quan trọng và độc lập, nên sử dụng cấu trúc tổ chức dạng dự án. Nếu dự án ODA là loại dự án nhỏ, có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với các dự án, công việc khác, nên sử dụng cấu trúc tổ chức theo chức năng. Nếu dự án ODA là loại dự án phức tạp, nhiều rủi ro, có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với các dự án, công việc khác, nên sử dụng cấu trúc tổ chức dạng ma trận. Cấu trúc tổ chức sẽ ảnh hưởng đến cách thức quản lý từng dự án và có thể làm chậm hoặc đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án.
Hai là mức độ hấp thụ vốn ODA trong từng thời kỳ của Việt Nam. Nghĩa là nói đến khả năng tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn ODA trong từng giai đoạn
của Việt Nam. Tuỳ vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, chính sách của từng quốc gia trong từng thời kỳ mà khả năng hấp thụ vốn khác nhau. Một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Việt Nam thì nguồn vốn đầu tư là một nguồn vốn quý, sẽ giúp cho chúng ta mở rộng tái đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nếu một lượng vốn đầu tư quá lớn ồ ạt chảy vào nước ta thì dễ gây sự bất ổn trong nền kinh tế, lạm phát gia tăng.
Ba là năng lực và trình độ quản lý của nguồn nhân lực tại Bộ. Nhân tố này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý các dự án ODA. Đội ngũ cán bộ quản lý tại Bộ chính là chủ thể trực tiếp ra các quyết định quản lý, vì vậy năng lực của họ ảnh hưởng đến tính chính xác, kịp thời của các quyết định đưa ra. Hiện nay Bộ KH&ĐT đang rất chú trọng đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực quản lý dự án và dành được nhiều sự ủng hộ của các nhà tài trợ, đặc biệt là phía Nhật Bản.
Bốn là cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin của Bộ. Hệ thống thông tin được ví như huyết mạch của quá trình quản lý. Thông tin được lưu chuyển nhanh chóng, thông suốt giữa các cấp, các bộ phận quản lý giúp cho quá trình ra quyết định nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ODA nguồn thông tin từ Bộ KH&ĐT phải được kịp thời báo cáo lên Chính phủ, đưa các quyết định quản lý xuống các đơn vị thực hiện dự án và trao đổi thông tin với bên tài trợ nên hệ thống thông tin này càng cần phải được trú trọng và đầu tư đúng mức.