Công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhân tố quyết định chất lượng, năng lực cán bộ. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức có tư duy mới, có kiến thức, có phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn, coi đó là công việc quan trọng và cấp thiết.
Trước thực trạng "Đội ngũ cán bộ cơ sở ít được đào tạo, bồi dưỡng", cần phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở để nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho họ.
Đào tạo, bồi dưỡng CBCC cơ sở cần quán triệt phương châm "đào tạo cơ bản, bồi dưỡng theo chức danh, bảo đảm tính thiết thực" [30, tr.179].
Với mục tiêu: "Đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã theo tiêu chuẩn chức danh, trang bị, bổ sung những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý điều hành, tạo điều kiện cho CBCC cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" [16].
Đào tạo, bồi dưỡng CBCC CBCC ở Hà Tĩnh hiện nay, cần làm tốt những nội dung sau đây:
- Đối với CBCC dưới 45 tuổi đủ tiêu chuẩn về văn hoá nhưng thiếu các kiến thức khác, thì đào tạo, đào tạo bổ sung những kiến thức còn thiếu.
- Đối với CBCC gần đến tuổi nghỉ hưu thiếu tiêu chuẩn kiến thức chuyên môn, cần bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn cho họ.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức còn thiếu cho nguồn CBCC dự bị theo các chức danh chuẩn bị cho việc bổ sung, thay thế khi cần thiết.
- Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng giải quyết các tình huống quản lý nhà nước cho các chức danh.
- Hình thức đào tạo: Đối với cán bộ trẻ đào tạo tập trung, đối với cán bộ cao tuổi bồi dưỡng ngắn ngày.
- Tiến hành đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy CBCC.
* Về nội dung, chương trình đào tạo:
Thực trạng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC chính quyền cấp xã hiện nay là:
Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn thiên về lý luận chung, chưa đi sâu vào kỹ năng thực hành nghiệp vụ quản lý nhà nước ở cơ sở. Trong khi xuất phát điểm về trình độ học vấn của CBCC chính quyền cấp xã là thấp, yêu cầu công việc của CBCC chính quyền cấp xã là cụ thể, phát sinh hàng ngày, hàng giờ cần phải giải quyết nhanh chóng.
Nội dung giống nhau cho nhiều đối tượng CBCC, chưa có chương trình riêng cho từng cấp, từng chức danh. Thời gian nghe giảng nhiều, thời gian thảo luận ít, học viên chủ yếu là người nghe, trao đổi tranh luận ít nên không có cơ hội để rèn luyện các kỹ năng. Các kiến thức học không được ghi nhớ một cách sâu sắc.
Cho nên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC chính quyền cấp xã hiện nay là vấn đề cấp thiết. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trước hết phải quán triệt tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII:
Lấy việc chuẩn cán bộ làm căn cứ xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất trong hệ thống các trường. Nội dung đào tạo phải thiết thực, phù hợp với yêu cầu đổi mới từng loại cán bộ, chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản và hướng dẫn kỹ năng thực hành.
Chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hoá...
Bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế, khoa học, công nghệ chuyên môn nghiệp vụ, phong cách lãnh đạo [26, tr 84]. Tiến hành đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, CBCC chính quyền cấp xã theo phương châm: Đào tạo bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng mà công việc của CBCC chính quyền cấp xã đòi hỏi.
Chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phải xây dựng theo tinh thần đổi mới phù hợp với những quan điểm chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, yêu cầu cải cách hành chính và đặc điểm địa lý, trình độ dân trí, phù hợp với trình độ quản lý điều hành của chính quyền cấp xã ở từng vùng.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải sát thực tế, cụ thể với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh, chú trọng kết hợp giữa đào tạo lý luận theo mục tiêu chương trình với đào tạo theo tình huống và phương pháp xử lý giải quyết các tình huống cụ thể trong quản lý điều hành của cán bộ chuyên trách và trong chuyên môn nghiệp vụ của công tác [16].
Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC chính quyền cấp xã ở Hà Tĩnh hiện nay cần phải làm tốt những việc sau đây:
+ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia cần phải tổng kết đánh giá nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC để loại bỏ những kiến thức lạc hậu, không thiết thực, bổ sung kịp thời những kiến thức mới, thiết thực đối với CBCC. Cần tăng thêm phần kỹ năng thực hành, kỹ năng giải quyết tình huống quản lý nhà nước ở cơ sở để sau khi học xong CBCC có thể vận dụng kiến thức giải quyết công việc được ngay. Tăng thời lượng thảo luận để học viên thấm nhuần kiến thức và rèn luyện các kỹ năng. Qua đó giúp học viên trưởng thành lên nhanh chóng.
+ Trường chính trị Trần Phú Hà Tĩnh cần nhanh chóng bố trí chương trình địa phương vào giảng dạy qua đó giúp học viên hiểu về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, chủ trương, chính sách, các chương trình kinh tế, hệ thống chính trị ở địa phương một cách có hệ thống và sâu sắc hơn.
* Về phương pháp giảng dạy:
Hiện nay, phương pháp giảng dạy CBCC ở Việt Nam nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng đang sử dụng phương pháp thuyết trình: Thầy giảng - trò nghe. Tuy phương pháp này có những ưu điểm như: Dạy được nhiều nội dung, lớp đông người, không cần đầu tư nhiều cơ sở vật chất phương tiện máy móc hiện đại, nhưng hạn chế của phương pháp này là ở chỗ: Người học thụ động, người học ghi nhận và học thuộc những điều giảng viên trình bày, người học phụ thuộc vào kiến thức chuẩn bị sẵn của giảng viên, người học không có điều kiện phát biểu, tranh luận. Phương pháp này không phát huy được tính tích cực, tìm tòi suy nghĩ, không huy động nguồn kiến thức và kinh nghiệm của CBCC, không rèn luyện được kỹ năng cho người học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy CBCC chính quyền cấp xã phải theo phương châm: Lấy người học làm trung tâm, người học đóng vai trò chủ động, giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, người chủ trì.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy CBCC chính quyền cấp xã ở Hà Tĩnh có hiệu quả cần phải thực hiện các nội dung cụ thể sau đây:
- Trước hết là phải đổi mới và nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên. Vì giảng viên là nhân tố tiên quyết chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục tập huấn về phương pháp giảng dạy hiện đại cho giảng viên trường chính trị, các trung tâm chính trị huyện và những nơi tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Buộc giảng viên phải nắm rõ những đặc điểm, ưu điểm, hạn chế của từng phương pháp giảng dạy, để tuỳ từng nội dung bài giảng, từng lớp, từng đối tượng cụ thể mà áp dụng các phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt mới đạt được chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tốt.
- Tiến hành trang bị kiến thức về kỹ năng quản lý hành chính cho đội ngũ giảng viên. Đây là loại kiến thức tương đối mới đối với giảng viên phải nắm vững để giảng dạy có chất lượng tốt hơn.
- Thực hiện chủ trương đưa giảng viên đi thực tế ở cơ sở, nhất là những giảng viên trẻ. Để đội ngũ giảng viên này có điều kiện tìm hiểu thực tế công việc mà CBCC cơ sở đang làm, phát hiện nhu cầu kiến thức mà CBCC cần trang bị, qua đó hoàn thịên bài giảng phù hợp với CBCC cơ sở, xây dựng các bài tập tình huống sát với tình hình quản lý nhà nước ở cơ sở.
- Tổ chức toạ đàm, trao đổi giữa giảng viên với các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia am hiểu về quản lý nhà nước ở cơ sở, qua đó bồi đắp thêm kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ giảng viên.
- Tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu về CBCC ở cơ sở, nội san chuyên đề về CBCC cơ sở, chuyên đề về phương pháp giảng dạy CBCC.
- Trang bị các máy móc, thiết bị hỗ trợ cho giảng viên, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, bố trí số lượng học viên trong một lớp hợp lý. Tăng cường đầu tư sách, tài liệu để phục vụ cho giảng viên, học viên nghiên cứu.