Từ xa xưa, cách đây hàng vạn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người đến ở. Họ đã tụ cư thành những cộng đồng người ở ven biển, ven sông, chân đồi núi. Họ sinh sống bằng nghề đánh cá, săn bắt thuỷ sản, hái lượm hoa quả cây hoang dại, trồng lúa, chế tạo đồ đá, biết đúc đồng, luyện sắt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện ra những nơi cư trú của họ ở Thạch Lạc, Thạch Lâm, Thạch Đài, Thạch Vịnh (huyện Thạch Hà); Xuân An, Xuân Giang, Xuân Viên (huyện Nghi Xuân); Đức Đồng, Đức Hoà, Đức Dũng (huyện Đức Thọ) và một số địa điểm dưới chân núi Hồng và núi Nghèn (huyện Can Lộc); Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) dọc sông, đồi núi của hai huyện Hương Sơn, Hương Khê.
Thuở vua Hùng dựng nước Văn Lang, Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức lúc đó Hà Tĩnh gồm các "kẻ" ở đồng bằng, "động", "sách" ở miền núi, "vạn" ở miền biển và sông. Đó là những vùng quê được hình thành tự nhiên, không phải là đơn vị hành chính, một thực trạng của xã hội Cửu Đức trước khi quân phía Bắc tới xâm chiếm.
Nghìn năm Bắc thuộc và các thời đại sau đó, các tổ chức địa giới hành chính cùng tên gọi luôn thay đổi, mãi cho đến năm 1831 Minh Mạng thứ 12 thì trấn Nghệ Tĩnh tách thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh. Tên Hà Tĩnh bắt đầu có từ đó.
Cách mạng Tháng Tám thành công, các cấp phổ, châu, tổng, thôn đều bị bãi bỏ và thống nhất thành 4 cấp hành chính. Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn tồn tại các khu, tỉnh Hà Tĩnh thuộc khu IV. Đến năm 1954 thì cấp khu giải thể [43].
Năm 1976, Hà Tĩnh và Nghệ An nhập lại thành một tỉnh lấy tên là Nghệ Tĩnh. Tháng 8 năm 1991 theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 9 thì tỉnh Nghệ Tĩnh chia thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh có 9 huyện, 2 thị xã, với tổng số 242 xã, 8 phường và 11 thị trấn.