Công tác quản trị rủi ro tín dụng tại VCB Quảng Ninh

Một phần của tài liệu Sử dụng mô hình logistic phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thứ hạng tín dụng của khách hàng pháp nhân thuộc Ngân Hàng Ngoại Thương, Chi nhánh Quảng Ninh (Trang 39 - 41)

2..3.3.1. Tổ chức công tác quản trị rủi ro tín dụng

- Trước tháng 7/2006, VCB Quảng Ninh áp dụng quy trình tín dụng số 130/QĐ-VCB.QLTD ngày 12/8/2002 (quy trình 130). Quy trình này khá đơn giản, áp dụng đối với mọi đối tượng khách hàng. Các khâu từ tiếp nhận hồ sơ khách hàng đến khâu thẩm định khoản vay và giải ngân, kiểm tra sử dụng vốn vay đều được thực hiện tại Phòng tín dụng.

- Đến đầu tháng 7 năm 2006, VCB Quảng Ninh triển khai quy trình tín dụng theo QĐ số 90/QĐ-VCB.QLTD ngày 26/05/2006 (Quy trình 90). Đây là quy trình cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu cấp tín dụng trên 10 tỷ đồng. Vì vậy, kể từ khi áp dụng quy trình 90, việc cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp còn lại (cá nhân và khách hàng vay dưới 10 tỷ đồng) tiếp tục thực hiện theo quy trình 130. Quy trình 90 áp dụng đối với khách hàng dựa trên nguyên tắc phân chia các chức năng của bộ phận tín dụng thành 03 bộ phận độc lập:

+ Phòng Quan hệ khách hàng: thực hiện chức năng bán hàng, là đầu mối tiếp xúc với khách hàng. Trên cơ sở những yêu cầu của khách hàng, phòng

Quan hệ khách hàng tiến hành thu thập thông tin, lập báo cáo đề xuất tín dụng,sửa đổi tín dụng và chuyển hồ sơ sang phòng Quản lý rủi ro.

+ Phòng Quản lý rủi ro: thực hiện chức năng quản lý rủi ro chung. Trên cơ sở các báo cáo đề xuất tín dụng của phòng Quan hệ khách hàng, phòng Quản lý rủi ro thực hiện đánh giá rủi ro độc lập, phản biện và trình cấp có thẩm quyền (Giám đốc hoặc Hội đồng tín dụng) phê duyệt.

+ Phòng Quản lý nợ: Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và thực hiện quá trình giải ngân tín dụng theo các chỉ thị và điều kiện phê duyệt tín dụng, đảm bảo số liệu trên hệ thống khớp đúng với số liệu trên hồ sơ và đảm bảo tính tuân thủ trong quy trình cấp tín dụng.

Tuy nhiên sau 02 năm thực hiện, quy trình 90 đã thể hiện nhiều bất cập, cụ thể như:

- Bộ hồ sơ tín dụng phải qua nhiều cấp phê duyệt: Khởi tạo và đề xuất tín dụng do phòng Quan hệ khách hàng lập, sau đó hồ sơ phải qua bước thẩm định của phòng Quản lý rủi ro rồi mới tới cấp phê duyệt cuối cùng và giải ngân. Do vậy khoảng thời gian từ khi cán bộ khách hàng tiếp nhận hồ sơ vay vốn đến khi khách hàng nhận được tiền vay là khá lâu, có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của khách hàng. Thực hiện đúng quy trình góp phần giảm thiểu rủi ro, tăng cường khả năng kiểm soát tính tuân thủ các quyết định cấp tín dụng, nâng cao tính khách quan trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế do bộ phận Quản lý rủi ro chưa phát huy được đúng vai trò là tầm soát rủi ro mà chỉ tập trung vào việc tái thẩm định đề xuất của phòng Quan hệ khách hàng nên công tác quản trị rủi ro chưa đạt được kết quả như mong muốn.

- Có sự chồng chéo trong việc lấy thông tin, gây phiền hà cho khách hàng. Do phòng Quản lý rủi ro chủ yếu thực hiện tác nghiệp tái thẩm định nên họ muốn có được những thông tin trực tiếp từ phía khách hàng, mặc dù những

thông tin này phòng Quan hệ khách hàng đã có nhiệm vụ cung cấp. Do vậy rất nhiều khách hàng tỏ thái độ không hài lòng do phải cung cấp thông tin nhiều lần cho ngân hàng, làm mất đi hình ảnh chuyên nghiệp của cán bộ ngân hàng hiện đại.

-Việc phân tách bộ phận tín dụng thành 3 phòng chỉ đạt về hình thức, nặng về giấy tờ chứ chưa đáp ứng được yêu cầu về bản chất. Khối lượng hồ sơ chứng từ phát sinh lớn. Một bộ hồ sơ tín dụng phải qua 3 khâu nên phát sinh một lượng hồ sơ lưu chuyển khá lớn với các thông báo tác nghiệp đi kèm của mỗi bộ phận. Điều này làm tốn khá nhiều thời gian và công sức của cán bộ cũng như phát sinh thêm chi phí cho ngân hàng.

- Chưa phân định rõ trách nhiệm pháp lý của các phòng tham gia trong hoạt động cấp tín dụng; sự liên kết giữa các phòng thiếu chặt chẽ nên khả năng phát hiện và ngăn ngừa rủi ro không cao.

Nhìn chung quy trình tín dụng 90 là quy trình tiên tiến nhưng do khi áp dụng vào thực tiễn phát sinh những bất cập như trên nên sau một thời gian thử nghiệm, VCB TW ban hành QĐ 246/QĐ-VCB.QLTD ngày 22/07/2008 (Quy trình 246) theo đó bỏ hẳn bộ phận Quản lý rủi ro ở từng chi nhánh và chỉ tập trung ở từng khu vực (khu vực phía Nam có bộ phận Quản lý rủi ro đặt tại TP.HCM, khu vực phía Bắc đặt tại Hà Nội).

Như vậy, kể từ ngày 22/07/2008 đến nay, VCB Quảng Ninh thực hiện theo quy trình tín dụng 246, với 2 bộ phận tác nghiệp chính liên quan đến công tác tín dụng là phòng Khách hàng và phòng Quản lý nợ.

Một phần của tài liệu Sử dụng mô hình logistic phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thứ hạng tín dụng của khách hàng pháp nhân thuộc Ngân Hàng Ngoại Thương, Chi nhánh Quảng Ninh (Trang 39 - 41)