Kiến nghị với ngân hàng Nhà nước và Chính phủ

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Chi nhánh ngân hàng công thương Ba Đình (Trang 106 - 108)

- Theo Quyết định 1253, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã cho phép Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) chính thức thực hiện nghiệp vụ phân tích và XHTD doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý rủi ro trong hệ thống Ngân hàng và đánh giá năng lực của các doanh nghiệp. Đây là địa chỉ, đầu mối đầu tiên của Việt Nam thực hiện nghiệp vụ phân tích, XHTD doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thông tin mà CIC cung cấp chủ yếu mới chỉ là tình hình quan hệ tín dụng (danh sách tổ chức tín dụng quan hệ, diễn biến dư nợ trong kỳ, tình hình vay nợ và nợ không đủ tiêu chuẩn của doanh nghiệp) và tên người đại diện chứ chưa cụ thể hóa và chưa đánh giá các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính khác. Do đó, đề nghị CIC thu thập chi tiết hơn và đầy đủ hơn nữa về các thông tin tài chính (báo cáo tài chính năm…), Các thông tin phi tài chính (Các vấn đề về ngành nghề, thị phần doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh…). Bên cạnh đó, thời gian qua CIC cũng đã hoàn thành được một số sản phẩm về XHTD các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, XHTD các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng, giúp ngân hàng có thể đối chiếu so sánh. Trong thời gian tới, đề nghị CIC sớm nghiên cứu và đưa ra thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn theo các ngành nghề/lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Để làm được điều đó, NHNN cần làm đầu mối để CIC phối hợp với các NHTM trong việc chia sẻ dữ liệu, cập nhật thông tin định tính về khách hàng một cách nhanh chóng và có hiệu quả hơn.

- Hiện nay, chưa có cơ quan nào đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và công bố các chỉ số trung bình ngành. Do đó, đề nghị trong thời gian tới Tổng cục thống kê cần sớm xây dựng, ban hành và công bố hệ số trung bình từng ngành, từng nhóm ngành để phục vụ cho quá trình phân tích và xếp hạng doanh nghiệp của các ngân hàng.

- Báo cáo tài chính là nguồn tài liệu hết sức quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị NHNN cần đưa ra các mức chuẩn thống nhất về phương pháp lập, cũng như cách thức hạch toán các khoản mục quan trọng…Ngoài ra, việc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ nên là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

- Từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới và từ thực tế nền kinh tế nước ta hiện nay khi mà thị trường tài chính, thị trường chứng khoán mới hình thành và còn sơ khai, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định cho phép thành lập công ty chuyên nghiệp XHTD doanh nghiệp, đặt dưới sự quản lý của NHNN và khi thị trường chứng khoán phát triển sẽ chuyển giao vai trò này cho Ủy ban chứng khoán nhà nước. Mô hình hoạt động này là công ty cổ phần, trong đó có vốn góp của các NHTM, các Ủy ban chứng khoán nhà nước, của các Tổ chức xếp hạng trên thế giới. Việc lựa chọn mô hình này sẽ tận dụng tốt các lợi thế như có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, đảm bảo tính chuyên nghiệp khi đánh giá. Thông tin về XHTD doanh nghiệp là tài liệu quan trọng để các NHTM tham khảo.

KẾT LUẬN

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã và đang đặt ra cho nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam những khó khăn và thách thức không nhỏ. Mặt khác nó cũng buộc chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc hơn hoạt động của thị trường mà nhất là hệ thống thị trường tài chính với lực lượng nòng cốt là các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại. Hơn bao giờ hết, vấn đề quản trị rủi ro ngân hàng mà trọng tâm là Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu đối với các ngân hàng thương mại để bước đầu hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn đồng thời tìm ra hướng đi riêng cho mình trong tương lai.

Đề tài nghiên cứu xin được đề cập đến một số khía cạnh cơ bản nhất của công tác hoàn thiện công tác XHTD Doanh nghiệp để làm cơ sở lý luận cho việc giải quyết những yếu kém và hạn chế của hệ thống XHTD doanh nghiệp tại NHCT VN nói chung và Chi nhánh NHCT Ba Đình nói riêng. Trên cơ sở tìm hiểu về thực tiễn vấn đề này tại Việt Nam và Quốc tế, em xin được đề xuất một vài giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn công tác XHTD doanh nghiệp tại Chi nhánh, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro và nầng cao chất lượng cho vay của Chi nhánh hơn nữa trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Chi nhánh ngân hàng công thương Ba Đình (Trang 106 - 108)