Thực trạng phát triển kinh tế xã hội gây áp lực với đất đa

Một phần của tài liệu Đánh giá quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Huyện Hoài Đức - TP. Hà Nội giai đoạn 2006 (Trang 27 - 29)

* Những thuận lợi, lợi thế

- Trong những năm vừa qua, các thành phần kinh tế trên địa bàn Hoài Đức đã có những phát triển khá mạnh, đặc biệt là khu kinh tế ngoài quốc doanh. Kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng hạn chế và đang được cổ phần hóa;

kinh tế tập thể được chuyển đổi hoạt động theo Luật và từng bước chuyển biến kinh doanh; số doanh nghiệp thành lập theo luật và hộ kinh doanh cũng tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng với đa dạng các ngành nghề và rộng khắp trên địa bàn. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn đã phát triển và có uy tín trên thị trường: các loại thực phẩm của Dương Liễu, đồ gỗ mỹ nghệ của Sơn Đồng, két bạc của Kim Chung, dệt may của La Phù…; một số dịch vụ mới phát triển khá nhanh như: dịch vụ cho thuê nhà, giải trí, giáo dục, khám chữa bệnh.

- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra. Kinh tế phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp; trong nông nghiệp tỷ trọng chăn nuôi tăng nhanh, thu nhập của người dân được nâng cao, các thành phần kinh tế phát triển. Giá trị sản xuất trên các lĩnh vực bình quân trong 5 năm đều vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Công tác giải phóng mặt bằng có chuyển biến tích cực. Văn hóa xã hội có chuyển biến tiến bộ; chương trình xóa đói giảm nghèo và thực hiện chính sách xã hội được quan tâm. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thế thao phát triển; đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. ANQP và trật tự xã hội được giữ vững; một số vấn đề bức xúc nổi cộm trong nhân dân được giải quyết có hiệu quả.

- Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội ổn định và có nhiều mặt phát triển tích cực. Về cơ bản đã phát huy được lợi thế của từng vùng, từng ngành. Bước đầu khai thác tốt nội lực kết hợp với huy động các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển. Nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng khá ổn định và có sự chuyển dịch đúng hướng.

- Các hoạt động về văn hoá xã hội, thể thao, y tế, giáo dục đều có chuyển biến tích cực. Cơ sở, trang thiết bị cho các lĩnh vực trên không ngừng được tăng cường và mở rộng, tạo sự phát triển ngày càng sâu rộng cả về chất và về lượng.

- Hạ tầng cơ sở, nhất là mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, điện và bưu chính viễn thông phát triển đồng bộ, đóng vai trò quan trọng tạo mối liên kết vùng nhằm khai thác lợi thế từng vùng, từng khu vực trong huyện, để phát triển một nền kinh tế tổng hợp và bền vững.

- Lực lượng lao động dồi dào là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời gian tới.

* Những khó khăn, hạn chế

- Tốc độ phát triển kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm; chưa hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất nông sản có giá trị kinh tế cao. Một số làng nghề công nghệ còn lạc hậu, sức cạnh tranh thấp; dịch vụ, thương mại còn manh mún, nhỏ bé; cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập; đầu tư phát triển còn thấp. Một số lĩnh vực xã hội hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu.

- Đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nhân rộng mô hình điển hình còn hạn chế. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý và tổ chức sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chưa thích đáng.

- Là một huyện ven đô Hà Nội, xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa, diễn ra mạnh mẽ và mức độ phát triển hạ tầng cơ sở đòi hỏi một quỹ đất không nhỏ, tất yếu sẽ xảy ra những áp lực rất lớn đến sử dụng đất, làm xáo trộn mạnh mẽ cơ cấu sử dụng đất trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Đánh giá quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Huyện Hoài Đức - TP. Hà Nội giai đoạn 2006 (Trang 27 - 29)