Qua phỏng vấn các chuyên gia, có thể tổng hợp các ý kiến như sau: * Các ưu, nhược điểm so với các đối thủ cạnh tranh và cách đối phó:
Ngoài sản phẩm của công ty, thị trường hiện có 2 hãng sản xuất có thương hiệu là VietRack và AuLac. Sỡ dĩ có ít công ty sản xuất sản phẩm này do người tiêu dùng chưa được thông tin nhiều về công dụng của các sản phẩm phụ trợ CNTT. Tuy nhiên, so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh thì sản phẩm của công ty thể hiện được sự vượt trội về chất lượng, mẫu mã và giá cả rất cạnh tranh. Hiện tại một số sản phẩm của công ty như tủ C-Rack, tủ điện, tủ cáp, vỏ máy tính đã đạt chất lượng tương đương hàng ngoại nhập và có giá bán rẻ hơn 30 - 35% giá sản phẩm cùng loại của nước ngoài như Thái Lan, Đức...
Nhược điểm so với các đối thủ cạnh tranh là hiện nay trên thị trường đã xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh có khả năng về tài chính lớn, thường là các công ty nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, ngoài ra họ còn có nhiều kinh nghiệm quản lý, cái mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu và yếu kém.
Để có thể cạnh tranh trên thị trường cách tốt nhất là cạnh tranh bằng chất lượng, dịch vụ và tạo nên sự khác biệt đối với đối thủ, tạo ấn tượng tốt với khách hàng thông qua các hoạt động xúc tiến BH. Bên cạnh đó các quy định, chính sách của Nhà nước đã bảo vệ các DN trong nước trong hội nhập. Tuy nhiên nó cũng gây ra những trở ngại nhất định như sự xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh dưới chính sách mở cửa.
* Căn cứ để xây dựng kế hoạch bán hàng:
Để xây dựng được kế hoạch bán hàng thành công thì công ty đã căn cứ vào chiến lược kinh doanh, thị trường kinh doanh, thị trường mục tiêu của mình, căn cứ vào khả năng nắm bắt nhu cầu khách hàng, phát triển thị trường. Đồng thời cũng thường xuyên so sánh sản phẩm, giá cả của các đối thủ cạnh tranh để giành thế chủ động trong kinh doanh. * Các nhà phân phối của công ty:
Với việc xuất hiện các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực về vốn và năng lực quản lý như hiện nay thì việc công ty thâm nhập vào thị trường và có mức doanh thu lớn là tương đối khó. Vì vậy công ty cần lựa chọn nhà cung ứng cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao, giao hàng đúng thời gian, địa điểm như công ty cổ phần thép Thái Nguyên, công ty TNHH vật tư Thăng Long, công ty Việt - Úc... nên nguồn cung ứng tương đối ổn định.
Nhà phân phối của công ty trải đều trên cả nước, ở miền Bắc có nhà phân phối ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam... Mỗi tỉnh có một hoặc nhiều nhà phân phối, điều này sẽ giúp công ty chủ động hơn trong việc kinh doanh và lựa chọn được nhà cung cấp tốt nhất.
* Đánh giá về hoạt động BH của công ty trong thời gian qua:
Trong thời gian qua, công tác bán hàng có những điểm mạnh như sản phẩm công ty có thương hiệu trên thị trường, giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, vận chuyển linh hoạt, kịp thời, có chính sách bán hàng hợp lý. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vấn đề như không đủ hàng trong một số thời điểm đặc biệt dịp đầu năm và cuối năm do nhu cầu của các dự án CNTT và viễn thông lúc đó tăng cao, một số lô hàng không đạt chất lượng nhưng vẫn xuất xưởng, tình trạng không giao hàng cho khách đúng thời gian vẫn diễn ra.
* Các hoạt động nhằm tăng sản lượng bán:
Để tăng sản lượng bán hàng thì cần có các hoạt động kích cầu, đồng thời cũng cần đàm phán với nhà cung ứng để có giả cả hợp lý nhất. Để kích cầu thì công ty sử dụng
một số biện pháp như: chiết khấu với những khách hàng truyền thống mua với số lượng lớn hay giảm giá nhằm thu hút khách hàng...
* Việc thực hiện kế hoạch hiện nay so với mục tiêu đề ra:
Trong các khâu của việc xây dựng KHBH thì khâu xác định mục tiêu bán là khâu tốt nhất bởi công ty có đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động, chịu khó luôn hoàn thành các mục tiêu đề ra, bởi vậy mục tiêu luôn sát với thực tế. Tuy nhiên dự báo lại là khâu kém nhất do tình hình kinh tế luôn biến động không chỉ trên thế giới mà cả trong nước đặc biệt là việc giá giảm mạnh vào cuối năm ngoái làm cho công tác dự báo gần như không có hiệu quả. * Các đề xuất, ý kiến để hoàn thiện công tác bán hàng:
Đối với chính sách sản phẩm và giá cả cần phù hợp với đại đa số tập khách hàng mà công ty hướng tới, mặt khác cần phải quản lý chặt chẽ các đại lý về giá và chất lượng sản phẩm.
Các chuyên gia cho rằng cần phải quan tâm đến việc xây dựng lực lượng bán hàng. Đối với các nhân viên cần phải nâng cao về trình độ chuyên môn, cần được tập huấn qua các lớp giới thiệu các tính năng của các sản phẩm mới.