Các NHTM có thể vay vốn từ NHTƯ, các NHTM khác, các trung gian tài chính hoặc vay từ công chúng dưới các hình thức sau:
a. Phát hành các chứng từ có giá.
Đây là nguồn vốn mà NHTM có được thông qua việc phát hành các giấy tờ có giá như: kỳ phiếu ngân hàng, trái phiếu ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi…
Ngân hàng có thể chủ động phát hành các loại kỳ phiếu ngân hàng để huy động vốn nhằm thực hiện những dự án đầu tư đã định. Việc huy động vốn dưới hình thức phát hành kỳ phiếu ngân hàng được thực hiện theo hai phương thức sau: Phát hành theo mệnh giá (trả lãi sau, người mua trả tiền theo mệnh giá được ghi trên bề mặt kỳ phiếu) và phát hành bằng hình thức chiết khấu (trả lãi trước, người mua sẽ trả một số tiền bằng mệnh giá trừ đi khoản lãi mà họ được hưởng).
Đối tượng mà ngân hàng có thể huy động được nguồn vốn này là các tổ chức, các cá nhân. Ngoài việc dùng số tiền nhàn rỗi hay phần thu nhập tạm thời chưa dùng đến để mua, trên thực tế đây còn là một kênh đầu tư của người có vốn trong xã hội khi họ không có khả năng và cơ hội đầu tư trực tiếp. Các kỳ phiếu, trái phiếu này có khả năng chuyển đổi dễ dàng ra tiền khi cần thiết bằng cách bán, chuyển nhượng trên thị trường vốn hoặc chiết khấu tại ngân hàng.
Ngân hàng có thể tập trung được một lượng vốn lớn trong thời gian ngắn thông qua việc phát hành các giấy tờ có giá như vậy, và ngân hàng hoàn toàn được quyền chủ động sử dụng số vốn đó. Hình thức này thường được ngân hàng thực hiện khi đã tiếp nhận được các dự án vay vốn lớn với thời hạn giải
ngân nhanh của khách hàng, hay sau khi họ đã cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trong toàn hệ thống mà vẫn còn thiếu và được sự đồng ý của thống đốc ngân hàng Trung ương.
Như vậy ta thấy, vốn huy động là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn vốn của mỗi NHTM. Đây là nguồn vốn có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí và khả năng mở rộng kinh doanh của ngân hàng. Nguồn vốn này ngày càng được các ngân hàng bằng mọi cách gia tăng thêm để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế trong điều kiện tái cơ cấu và nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng.
b. Vay của Ngân hàng Trung ương.
NHTƯ là ngân hàng của mọi ngân hàng và là ngân hàng cho vay cuối cùng trong nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ NHTM nào khi được NHTƯ cấp phép hoạt động đều có thể được NHTƯ cho vay vốn khi cần thiết. Nghiệp vụ vay vốn này được NHTƯ thực hiện dưới hình thức phổ biến là tái cấp vốn, bao gồm tái chiết khấu các loại giấy tờ có giá và cho vay cầm chấp. Khoản vay này liên quan đến lượng tiền cung ứng của NHTƯ đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Trong quá trình hoạt động, NHTM rất có thể thiếu vốn trong thanh toán bù trừ, lúc này NHTƯ có thể cho các NHTM vay vốn để bổ sung thiếu hụt.
Trong cơ cấu vốn của NHTM, thì vốn vay của các TCTD khác và vốn vay từ NHTƯ thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Cho nên ngoài tác dụng góp phần gia tăng nguồn vốn, mở rộng kinh doanh của ngân hàng, nó còn có ý nghĩa trong việc đảm bảo khả năng thanh toán thường xuyên và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của NHTM.
c. Vay vốn từ các TCTD khác
Hiện nay, hầu hết các NHTM được tổ chức thành hệ thống gồm rất nhiều chi nhánh nhỏ và hạch toán kinh doanh toàn ngành, thực hiện việc điều chỉnh vốn giữa các chi nhánh qua trụ sở chính, khi thừa vốn các chi nhánh điều chuyển vốn về hội sở chính, khi thiếu vốn các chi nhánh lại nhận được vốn điều chuyển từ hội sở chính. Vì vậy việc vay vốn của TCTD khác trong và ngoài nước thường chỉ thực hiện ở NHTƯ của từng hệ thống.
Như vậy, qua thị trường liên ngân hàng NHTM có thể vay vốn của các TCTD khác nhằm mục đích đảm bảo nhu cầu vốn khả dụng trong thời gian ngắn, ngân hàng có thể khai thác nguồn vốn nhàn rỗi từ các TCTD khác. Hoạt động vay mượn này nhằm mục đích điều hoà nhu cầu vốn khả dụng và đảm bảo nguồn vốn lưu chuyển thông suốt liên tục trong hệ thống ngân hàng.