Theo Harry T. Oshima, nhà kinh tế Nhật Bản, có thể hạn chế sự bất
bình đẳng ngay từ giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế, bằng cách tập trung cải thiện thu nhập ở khu vực nông nghiệp như mở rộng và phát triển ngành nghề nhằm tạo ra nhiều việc làm cho thời gian nhàn rỗi. Sau đó, tiến hành đa dạng hóa nông nghiệp, tăng việc làm phi nông nghiệp (như chế biến lương thực, thực phẩm, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ và các hoạt động dịch vụ) làm cho lao động được dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên, nhờ vậy tiền lương thực tế tăng lên, tạo cơ hội mở rộng thị trường cho các ngành công nghiệp, dịch vụ và khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị dần dần được cải thiện. Như vậy, tăng trưởng kinh tế có thể đi đôi với công bằng xã hội được.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế đi đôi với bình đẳng trong phân phối thu nhập có thể thực hiện được với điều kiện nguồn lợi thu được từ tăng trưởng kinh tế cần được phân phối lại sao cho cùng với thời gian thực hiện tăng trưởng, phân phối thu nhập dần được cải thiện hoặc ít nhất là không xấu đi trong khi quá trình tăng trưởng vẫn tiến lên. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự lựa chọn các giải pháp chính sách phân phối lại được xem là quan trọng. Nó bao gồm chính sách phân phối lại tài sản (của cải) và chính sách phân phối lại từ tăng trưởng.
Chính sách phân phối lại tài sản nhằm khắc phục sự bất bình đẳng trong vấn đề sở hữu tài sản và được áp dụng phổ biến ở các nước đang phát triển như chính sách cải cách ruộng đất ở Hàn Quốc, Đài Loan. Chính sách phân phối lại từ tăng trưởng như chính sách nhằm tăng cường cơ hội giáo dục cho nhiều người [29; tr. 147].
Nhìn chung, mô hình “Tăng trưởng đi đôi với Công bằng” là mô hình
có tính khả thi. Theo mô hình này, Chính phủ của các nước đã đưa ra các chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhanh, đồng thời đặt ra vấn đề bình đẳng, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư dựa trên cơ sở phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích dân cư làm giàu và thực hiện phân phối thu nhập theo sự đóng góp của các nguồn lực.