Mô hình “Công bằng trước – Tăng trưởng sau”

Một phần của tài liệu TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI VẤN ĐỀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI TẠI THỊ XÃ BÀ RỊA (Trang 28 - 29)

Mô hình này nhấn mạnh và đặt công bằng lên trên, đi trước và là cơ sở vì cho rằng mục tiêu của phát triển là nâng cao đời sống dân cư, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Chính sách làm giảm sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, tăng phúc lợi cho các tầng lớp dân cư được thực hiện bằng cách “tước đoạt lại của những kẻ tước đoạt” trên cơ sở công hữu hóa các nguồn lực chủ yếu của phát triển kinh tế. Đặc biệt, phân phối thu nhập, giáo dục, văn hóa, y tế được quan tâm và thực hiện theo phương thức dàn đều, bình quân cho mọi tầng lớp dân cư.

Kết quả bước đầu là quốc gia đạt tới những chỉ tiêu tiến bộ xã hội khá tốt, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao vì cơ chế phân phối bình quân đã làm hạn chế động lực của tăng trưởng. “Công bằng” được thực hiện nhưng không thúc đẩy được tăng trưởng bền vững, thu nhập và mức sống của dân cư thấp [19; tr. 214-215]. Xét trên quan điểm triết học thì mô hình này hàm chứa nhiều yếu tố phi duy vật. Vận dụng mô hình này khi điều kiện vật chất, trình độ văn minh chưa đủ độ chín muồi, có thể tạo nguy cơ hủy hoại động lực phát triển, kiềm chế, đẩy lùi sự phát triển của lịch sử [27; tr. 236]. Những quốc gia có nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã thực hiện mô hình này nhưng không thành công (trong đó có Việt Nam).

Có thể nói, giải quyết công bằng xã hội mà không dựa trên những thành quả của tăng trưởng kinh tế chẳng những không tạo ra động lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn dẫn đến suy giảm kinh tế và mất ổn định chính trị. Công bằng xã hội nếu không có tăng trưởng kinh tế, hoặc chỉ có tăng trưởng kinh tế thấp thì đó chỉ là sự công bằng trong nghèo khổ và mong manh. Nếu không có tăng trưởng kinh tế thì không thể có công bằng xã hội lâu dài và vì vậy không thể phát triển bền vững được.

Một phần của tài liệu TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI VẤN ĐỀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI TẠI THỊ XÃ BÀ RỊA (Trang 28 - 29)