Thơ phải gắn bó với nhân dân, phục vụ cuộc sống

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA THƠCA NHÌN TỪGÓC ĐỘTÁC ĐỘNG (Trang 107 - 111)

- Anh xan ước nên yêu thêm đất nước

NGHIÊN CỨU MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ: THƠ TỐ HỮU

3.1.1 Thơ phải gắn bó với nhân dân, phục vụ cuộc sống

Ngay trong những ngày đầu, thơ Tố Hữu bật lên như những ngọn pháo sáng nhưng rồi không lịm tắt theo thời gian mà lặn sâu vào tâm hồn người, âm ỉ, ấm áp như những hòn than bền bỉ. Sức vang xa mà lắng đọng, ào ạt mà sâu sắc, sôi sục mà thiết tha trong thơ ông là thành quả của sự cộng hưởng, sự hòa hợp tuyệt vời giữa chính trị và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại. Tố Hữu thuộc mẫu nhà thơ có quan niệm sáng tác tiến bộ và suốt đời thơ ông đi theo tư tưởng ấy. Trong các bài viết bàn về văn học nghệ thuật và các buổi nói chuyện về thơ, trước sau Tố Hữu vẫn thường quan tâm đến những vấn đề cốt lõi nhất: cảm xúc chân thật trong thơ, mối quan hệ mật thiết giữa thơ và cuộc sống, ý nghĩa gọi đàn của thơ ca cách mạng.

Ý thức được rằng mình đang sống trong một thời đại "rất xao động" (chữ dùng của Tố Hữu), một thời đại có nhiều bước nhảy vọt và dễ làm cho chúng ta lạc phương hướng nên ngay từ những ngày mới vào cuộc, Tố Hữu đã xác định hướng

đi đúng đắn cho thơ và nhanh chóng tạo được tiếng vang. Từ ấy - tập thơ đầu tay của ông vút lên như một tiếng hát trong trẻo, vui mừng của một tâm hồn vừa tìm thấy lẽ sống cao đẹp, sẵn lòng đến với cách mạng, gắn bó với quần chúng cần lao:

"Tôi buộc hồn tôi với mọi người, Để tình trang trải khắp muôn nơi, Để hồn tôi với bao hồn khổ, Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời" [Từ ấy, 60, tr.57]. Trái ngược với những người làm thơ trẻ lúc bấy giờ, Tố Hữu không bị lôi kéo vào những nỗi niềm hoài cổ, xa lánh cuộc đời và mơ mộng thoát ly nên cũng không phải rơi vào bi kịch bế tắc. Tâm hồn Tố Hữu hướng về cuộc đời thực với rất nhiều những số phận chịu bất công đói nghèo, cơ cực. Đứng vững trên lập trường của một chiến sĩ cách mạng, ông kêu gọi nhà thơ phải đứng giữa cuộc đời mà nghe, mà hiểu, mà viết để phục vụ nhân dân. Ngay trong những dòng đầu tiên của bài "Văn học là cuộc đời", Tố Hữu khẳng định: "Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học" [58, tr.119]. Văn nghệ nói chung và thơ ca nói riêng, theo quan niệm của Tố Hữu, mặc dù là tiếng nói hồn hậu chân thành nhưng "cái hồn nhiên không phải tự nhiên mà có, nó phải từ cuộc sống của nhân dân mà ra, lại được nuôi bằng cuộc sống của nhân dân"[57, tr.442],thơ không mang mục đích tự thân mà phải được bắt rễ từ cuộc sống lớn lao của nhân dân và góp phần vào thúc đẩy sự phát triển xã hội. Từ nhận thức đó, Tố Hữu đã hòa nhập cái tôi của mình vào công cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước, dùng thơđể nói tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của thời đại.

Bàn về thiên tài, Tố Hữu nói: "Tôi không tin có cái "thiên tài" nào ở ngoài cái ổ của cuộc sống vĩ đại, cuộc sống lao động và đấu tranh đau khổ và dũng cảm của muôn triệu con người làm nên lịch sử" [57, tr.442]. Dù có tài năng đến đâu thì họ cũng là "con đẻ toàn diện của hoàn cảnh nó đã sống" [57, tr.442] và tác phẩm phải "nhưđứa con mang máu thịt và cả cái mùi riêng của mẹ" [57, tr.442], mọi giá trị nghệ thuật tuy được sáng tạo từ tim óc của nhà thơ nhưng phải luôn gắn bó và phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân. Tố Hữu không chấp nhận kiểu nhà thơ có thái độ thờ ơ, lãnh đạm, tách rời cuộc sống, vì rằng thái độđó sẽ không thể tạo nên những tác

phẩm có giá trị tích cực, mọi vấn đề mà tác phẩm phản ánh sẽ rất xa lạ với cuộc sống, với nhân dân. Ông luôn nhắc nhở nhà thơ xiết chặt sợi dây liên hệ với hiện thực cuộc sống, "tài năng không tự nhiên mà có" [58, tr.124] mà nhà thơ cần "phải sống đến tận cùng cuộc sống mới có được thơ hay" [59, tr.8].

Tố Hữu thường động viên bạn cầm bút không ngừng trau dồi vốn sống, tích lũy kinh nghiệm, lắng nghe nhu cầu của nhân dân và cất lên những tiếng thơ thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân. Với ông, một trong những yêu cầu mang tính nghiệp vụ dành cho một nhà thơ là không nên dối mình, phải thở hơi thở nóng hổi của cuộc đời để cảm giác được sâu xa yêu cầu của quần chúng, của xã hội thì mới sáng tác được những tác phẩm có giá trị. Cách mạng đã giúp Tố Hữu nhìn thấy sức mạnh vô cùng của nhân dân, nhìn thấy được mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng, nhân dân và thơ ca nên ông cũng mong muốn những người làm thơ cần được hiểu rõ điều này để họ không phải lạc lõng, cô đơn, nhất là đối với những nhà thơ mới thoát khỏi tâm trạng buồn tiếc bi quan để đi vào kháng chiến. Những ý kiến và tác phẩm của Tố Hữu ít nhiều tác động đến nhận thức của họ. Trong lời đề tựa tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết: Nhân dân là bể Văn nghệ là thuyền Thuyền xô sóng dậy Sóng đẩy thuyền lên [60, tr.305]

Quan niệm này được Tố Hữu đúc kết từ những ngày đầu biểu tình đấu tranh đến những năm tháng trực tiếp lên chiến khu, cùng nhân dân dãi dầu nếm trải những gian khổ khó khăn trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Càng sống gần dân, Tố Hữu càng thấu hiểu, cảm thông và yêu quý họ nhiều hơn, cũng vì thế mà thơ ông phản ánh sinh động và sâu sát bức tranh kháng chiến và tâm tình của nhân dân: từ những em bé liên lạc viên dũng cảm hy sinh, chị dân công chuyên cần vận chuyển hàng, nỗi thao thức nhớ thương con của những bà bầm bà bủ, đến những khoảnh khắc nhớ nhà của các anh Vệ quốc quân… Trong thơ ông, hình ảnh cuộc sống rất đa dạng, đó là những sắc màu tươi roi rói của cuộc đời như lời ông từng khẳng định: "Hình ảnh và nhịp điệu trong thơ là gì? Phải là hình ảnh và nhịp điệu của bản thân cuộc đời

kia, ở nơi nào, ở lúc nào đó bộc lộ ra được cái bản sắc, cái tươi mới của nó" [57, tr.444]. Mặt khác, tuân theo yêu cầu "phổ cập và nâng cao", ngôn ngữ thơ Tố Hữu vừa trong sáng thiết tha, vừa giản dị, mộc mạc. Ông khuyến khích các văn nghệ sĩ nên học hỏi ca dao kháng chiến chống Pháp, vì dù nghệ thuật còn đơn sơ nhưng ca dao kháng chiến "đã chứa đựng nguồn cảm xúc vô cùng giàu mạnh của nhân dân kháng chiến. Đó là kho tài nguyên vô tận mà các nhà thơ của chúng ta phải biết khai thác…" [57, tr.73], khai thácđể phục vụ hiệu quả cho đông đảo nhân dân.

Là nhà thơ cách mạng, hơn ai hết, Tố Hữu hiểu rằng cội nguồn của thơ phải bắt đầu từ thực tiễn cuộc sống, chính hiện thực cuộc sống nâng thơ lên tầm cao hơn, giúp thơ có sức sống hơn. "Không dựa trên khoa học thì thơ không thể đứng vững, không thể có cánh bay, không thể có chiều sâu, chiều rộng, chiều cao, không thể có sức rung động được lòng người và cải tạo được xã hội. Và như vậy, thơ không thể làm tốt chức năng của mình" [58, tr.125]. Lúc nào, ở đâu, miễn có dịp là ông nhiệt tình động viên bạn cầm bút: "Bây giờ thì cái gì cũng đáng viết cả, chỉ lo không có sức mà viết: Đừng chờ nữa. Phải viết như có cái gì nó thôi thúc sau lưng, nó cuốn ta lên phía trước, cho thơ ta mang được nhịp điệu của thời đại mình" [58, tr.122]. Lời động viên của ông đôi khi rất quyết liệt như lời thúc giục.

Khi miền Bắc giành thắng lợi và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tố Hữu vẫn không ngừng sáng tác thơ và trình bày các quan điểm lý luận về chính trị và văn nghệ. Tố Hữu còn phê phán những nhà thơ xa rời thực tế khi họ còn "thi vị hóa cuộc kháng chiến, ca hát cuộc đấu tranh của nhân dân một cách trừu tượng và tỏ căm thù giặc một cách còn công thức, chưa phổ được vào thơ những vui, buồn, giận, ghét cụ thể, thiết thực của nhân dân" [57, tr.73]. Đặc biệt đề cao tính chân thực của văn học, Tố Hữu yêu cầu người cầm bút phải xác định rõ rằng "nhân vật chính của tác phẩm là các tầng lớp nhân dân mà chủ yếu là quảng đại nông dân và công nhân trong đời sống hàng ngày, chiến đấu và sản xuất của họ" [57, tr.89] bởi vì theo ông "thơ là tiếng nói đồng ý đồng tình, tiếng nói đồng chí. Thơ tư sản thì tìm tới lỗ tai, cái bụng tư sản. Thơ của nhân dân lao động thì tìm tới trái tim của người lao động” [57, tr.89], phải hiểu rằng "thơ là kết quả của sự thâm nhập đời sống, trí tuệ tài

năng của nhân dân, nhập tâm bao nhiêu là nhờ ở cuộc đời của mình gắn bó được bao nhiêu với nhân dân mình. Nhập tâm từ tâm hồn, tình cảm, đến dáng đi, giọng nói, tiếng khóc, tiếng cười. Nhập tâm đến một mức nào đó thì thơ ấy thành hình. Có thể nói thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy" [57, tr.445].

Tất cả những điều Tố Hữu làm, những bài thơ Tố Hữu viết, những quan niệm Tố Hữu bộc bạch đều bắt nguồn từ tình yêu tha thiết ông dành cho cách mạng, là niềm say đắm với thơ ca và nghĩa tình ấm áp với nhân dân. Ông đã sống như lời ông từng nói: "Nhà khoa học, người nghệ sĩ chân chính… luôn luôn sáng tạo, bởi luôn luôn thiết tha với con người, cuộc sống" [58, tr.126] và trước sau như một, ông vẫn tâm nguyện: "chỉ yêu thứ thơ nào cho ta hiểu sâu xa cuộc sống, yêu cuộc sống của ta hơn, cho ta thêm sức sống, sức chiến đấu cho hạnh phúc của con người" [57, tr.441]. Nhân sinh quan của ông cũng mang bản chất cách mạng sâu sắc: yêu đất nước, con người và cái Thiện; ghét kẻ thù phi nhân tính, ghét cái Ác. Nhưng không phải kiểu yêu - ghét suông có màu sắc cải lương mà bao giờ cũng dẫn đến hành động quyết liệt: tranh đấu tới cùng để bảo vệ chính nghĩa; lên án, tiêu diệt những thế lực phản cách mạng, thù địch với con người. Ông là một trong "những nghệ sĩ biết gắn chặt cuộc đời mình với cuộc sống của công nông binh, của những người lao động" [57, 453]. Và, như lẽ tất nhiên, tiếng thơ ông cũng vang vọng vào nhân dân như tiếng kèn xung trận, tiếng trống thúc quân, như tiếng gọi đàn.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA THƠCA NHÌN TỪGÓC ĐỘTÁC ĐỘNG (Trang 107 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)