hoạt động sản xuất kinh doanh
Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 đã và đang được áp dụng rộng rãi ở các doanh nghiệp. Nó được coi như giấy thông hành để doanh nghiệp đi vào thị trường thế giới.
Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 được xây dựng dựa trên triết lý: “Nếu hệ thống sản xuất và quản lý tốt thì sản phẩm và dịch vụ mà hệ thống đó sản xuất ra sẽ tốt”. ISO 9000 lấy việc phòng ngừa khuyết tật làm phương châm quản lý.
Việc áp dụng ISO 9000 đem lại một số lợi ích quan trọng như sau: *Đối với xã hội: cung ứng cho xã hội các sản phẩm có chất lượng tốt.
Một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9000 sẽ giúp doanh nghiệp quản lý hoạt động sản xuất – kinh doanh một cách có hệ thống, có kế hoạch, giảm thiểu và loại trừ các chi phí phát sinh sau kiểm tra, chi phí bảo hành và làm lại.
Bên cạnh đó, việc cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu của tiêu chuẩn sẽ dẫn đến cải tiến liên tục chất lượng sản phẩm.
*Đối với doanh nghiệp:
Thứ nhất, giúp tăng năng suất và giảm giá thành.
Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000 sẽ cung cấp các phương tiện giúp doanh nghiệp thực hiện công việc đúng ngay từ đầu và có sự kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó sẽ giảm khối lượng công việc làm lại và chi phí xử lý sản phẩm sai hỏng, đồng thời giảm sự lãng phí về thời gian, nguyên vật liệu,
nhân lực và tiền bạc. Ngoài ra, khi doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9000 sẽ giảm được chi phí kiểm tra không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả khách hàng.
Thứ hai, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thông qua giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9000, doanh nghiệp sẽ có bằng chứng đảm bảo với khách hàng rằng các sản phẩm mà họ sản xuất ra phù hợp với chất lượng mà họ cam kết. Trong khi đó, người tiêu dùng lại luôn mong muốn sản phẩm mà họ mua về có chất lượng đúng như chất lượng mà nhà sản xuất đã khẳng định.
Thứ ba, tăng uy tín của doanh nghiệp về đảm bảo chất lượng.
Khi doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000 đồng nghĩa với việc cung cấp cho khách hàng những bằng chứng khách quan về chất lượng sản phẩm và khẳng định với khách hàng rằng hoạt động của doanh nghiệp là luôn được kiểm soát. Hệ thống quản lý chất lượng còn cung cấp các dữ liệu sử dụng cho việc xác định hiệu quả quá trình, các thông số về sản phẩm nhằm không ngừng cải tiến hiệu quả hoạt động và nâng cao sự thoả mãn của khách hàng.