Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết việc làm ở nông thôn Hà Tĩnh (Trang 25 - 29)

a. Vị trí địa lý

Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, nằm trên tọa độ 17°54' đến 18°45' vĩ độ Bắc, 105°05' đến 106°30' kinh độ Đông. Diện tích tự nhiên 6.025 km², chiếm 1,8% diện tích cả nước, dân số hơn 1,2 triệu người.

Hà Tĩnh nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, có ranh giới bởi dòng sông Lam và dãy núi Thiên Nhẫn. Phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, có ranh giới bởi dãy núi Hoành Sơn. Phía Đông giáp biển đông, có chiều dài bở biển 137 km. Phía Tây giáp tỉnh Bôlikhămxay và tỉnh KhămMuộn của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có chiều dài đường biên giới 145 km, ranh giới bởi đỉnh của dãy núi Trường Sơn.

Hà Tĩnh có vị trí quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế khu vực và thế giới; có các trục giao thông: Bắc - Nam (quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt), và Đông - Tây (quốc lộ 8A với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đường 12 qua cửa khẩu Cha Lo - Quảng Bình), nối với liên hợp cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng.

b. Địa hình

Hà Tĩnh nằm trên một dải đất hẹp và dốc nghiêng từ Tây sang Đông với chiều dài 122 km, chiều rộng trung bình 60 km với đầy đủ các dạng địa hình: rừng núi, gò đồng, đồng bằng, trung du và biển… Phía Tây là núi cao (độ cao trung bình 1.500 m), kế tiếp là các dãy đồi thấp dần sang Đông, đến dải đồng bằng hẹp và cuối cùng là bãi cát ven biển. Với đặc điểm địa hình này, Hà Tĩnh có điều kiện để phát triển trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp dài ngày và phát triển công nghiếp chế biến thủy sản và lâm sản.

Địa hình Hà Tĩnh bị chia cắt phức tạp bởi núi đồi và sông suối, tạo nên các vùng sinh thái khác nhau. Do địa hình hẹp và dốc nên các con sông ngắn, khả năng tích nước ngọt thấp hay bị hạn hán.

c. Khí hậu

Hà Tĩnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp của miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có mùa đông giá lạnh của miền Bắc.

Hàng năm Hà Tĩnh có 2 mùa rõ rệt:

- Mùa mưa có nhiều bão lụt, kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11. Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao, đến 2.000 mm, lũ lụt thường xảy ra từ tháng 8 đến tháng 10.

- Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 7 năm sau. Đặc điểm đầu mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau là mưa phùn kèm theo gió lạnh Đông - Bắc. Từ tháng 4 đến tháng 7 ít mưa, nắng gắt, thường có gió Tây - Nam (gió Lào), nóng (nhiệt độ cao nhất đến 40°C), lượng mưa bốc hơi nhanh gây hạn hán. Vì vậy, việc xây dựng các công trình thủy lợi để giữ nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với điều kiện địa hình và khí hậu nêu trên, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

d. Tài nguyên thiên nhiên - Tài nguyên đất

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Diện tích đất tự nhiên Hà Tĩnh là 602.560 ha. Diện tích đã đưa vào sử dụng 538.946 ha, bằng 89,4% diện tích đất tự nhiên. Trong đó đất đã đưa vào sử dụng sản xuất nông- lâm-ngư-diêm nghiệp là 461.883 ha; đất được sử dụng vào các mục tiêu phi nông nghiệp là 77.063 ha. Diện tích đất chưa sử dụng còn khá lớn (bằng 10,6% diện tích đất tự nhiên), trong đó đất đồi 44.704 ha, đất bằng 16.214 ha, núi đá không có rừng cây 2.696 ha. Diện tích đất bằng chưa sử dụng chủ yếu tập trung ở các dải cát ven

biển từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh và các vùng bãi sông thuộc các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ. Khả năng có thể khai thác đưa vào sử dụng sản xuất nông- lâm-ngư và phi nông nghiệp đối với diện tích đất bằng chưa sử dụng là khoảng 30%.

Nhìn chung đất ở Hà Tĩnh chủ yếu là đất Feralit, độ màu mỡ không cao. Chỉ khoảng 1/3 diện tích đất trên địa bàn tương đối màu mỡ, 2/3 là trung bình đến xấu, nghèo chất dinh dưỡng. Hạ lưu các con sông lớn, nhỏ là những cánh đồng nhỏ hẹp, thích hợp trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Đất cồn cát ven biển phân bố dọc bờ biển Nghi Xuân, Can Lộc Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Loại đất này ít chua, nghèo mùn, kém màu mỡ. Một số vùng có thể đầu tư nuối tôm, trồng rừng…Nhóm đất đồi núi phù hợp với trồng rừng nguyên liệu, cây công nghiệp dài ngày và phát triển chăn nuôi.

- Tài nguyên nước

Hà Tĩnh có nguồn nước mặt khá lớn, lượng mưa trung bình hàng năm là 2000 mm, cùng với 13 con sông lớn nhỏ có tổng chiều dài 400km, đã tạo một nguồn nước khoảng 13 tỷ m³/năm. Nguồn nước mặt của Hà Tĩnh tuy lớn nhưng phân bố không đều giữa các tháng trong năm gây khó khăn cho sản xuất.

Hà Tĩnh đã xây dựng được 357 hồ đập lớn nhỏ để trữ nước, có tổng dung tích thiết kế là 846 triệu m³, trữ lượng nước là 727,93 triệu m³/năm. Ngoài ra còn có 3 trạm bơm lớn, lấy nước từ các sông.

Để có nguồn nước luôn dồi dào, không bị ô nhiễm, đủ khả năng cấp nước chủ động, trước hết phải có quy hoạch bảo vệ và khai thác sử dụng một cách hợp lý, tránh lãng phí.

- Tài nguyên rừng và động thực vật

Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2008, Hà Tĩnh hiện có 339.765 ha đất lâm nghiệp, chiếm 56,67 %, diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó:

+ Đất có rừng: 299.590 ha (rừng tự nhiên 217.238 ha, rừng trồng 84.654 ha) + Đất không có rừng: 65.987 ha.

Với quỹ đất lâm nghiệp Hà Tĩnh có một tiềm năng to lớn về tài nguyên rừng. Hiện đã quy hoạch 170,546 ha cho rừng sản xuất. Tuy nhiên rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ ít, chủ yếu là rừng tái sinh, rừng nghèo hoặc trung bình, trữ lượng gỗ không lớn. Mỗi năm chỉ khai thác rừng tự nhiên từ 10.000 - 15.000 m³ gỗ và hàng ngàn tấn mây, giang, nứa và khoảng 35.000 - 40.000 m³ gỗ rừng trồng.

Thực vật đa dạng và phong phú có trên 86 họ và 500 loại cây dạng thân gỗ. Có nhiều loại quý như: lim, sến, táu, mật, đinh, gõ…và các loại động vật quý hiếm như: voi, hổ, vượn đen, sao la…

- Tài nguyên của biển và ven biển

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, trên 13 con sông lớn nhỏ đổ ra biển với 4 cửa lạch lớn, tạo tiềm năng lớn trong việc phát triển toàn diện kinh tế biển.

Nước biển thường xuyên ấm áp, là nơi cư trú tốt cho các loài tôm cua và cá. Trên vùng biển có khoảng 267 loài cá kinh tế và hải sản sinh sống, trữ lượng cá vào khoảng 85,8 nghìn tấn, trong đó cá nổi 41 ngìn tấn, cá đáy 44,8 nghìn tấn. Trữ lượng tôm vùng lộng: 3.000 – 3.500 tấn.

Dọc bờ biển có 4 cửa lạch lớn là Cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu, tạo ra vùng nước lợ và bãi ngập mặn khoảng 6.000 ha, có cấu trúc đất đai, độ mặn thích hợp để nuôi tôm, cua, trồng rau câu. Đồng thời các cửa lạch cũng thích hợp để xây dựng các bến cá, cảng cá…

Ven biển Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng khoáng sản như cát, quặng, lại có điều kiện xây dựng cảng biển. Ngoài ra, bờ biển Hà Tĩnh có một số bãi biển đẹp, có khả năng phát triển du lịch như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải… (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tuy vậy ven biển Hà Tĩnh có một số yếu tố không thuận lợi cho phát triển kinh tế:

+ Mức độ khai thác nguồn lợi hải sản ở vùng ven bờ đã sát hoặc thậm chí cao hơn mức sản lượng bền vững cho phép. Tình trạng nổ mìn đánh bắt cá vẫn còn gây hủy diệt đến các nguồn lợi thủy hải sản.

+ Nồng độ muối ở các con sông nước lợ biến đổi theo mùa, những tháng có mưa lớn nồng độ muối giảm, nhưng từ tháng 4 đến tháng 8 nồng độ muối lại khá cao, không thực sự thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.

+ Hàng năm, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1-2 cơn bão, thường làm mực nước biển dâng cao đến 2m. Nếu tính cả độ cao sóng và triều cường thì mực nước biển có lúc dâng cao tới 7-8m gây khó khăn cho dân sinh và kinh tế, đặc biệt cho nuôi trồng thủy sản.

- Tài nguyên khoáng sản

Hà Tĩnh có tiềm năng rất lớn về khoáng sản nhưng chưa được đầu tư khai thác.

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng trên 500 triệu tấn. Mỏ thiếc Sơn Kim huyện Hương Sơn, mỏ than Hương Khê và nhiều sa khoáng ở Kỳ Anh, Hương Sơn.

Titan là nguồn tài nguyên hiếm, trữ lượng khoảng 4,6 triệu tấn, chiếm 1/3 trữ lượng của cả nước. Mỏ oxit titan chạy dọc từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh. Từ năm 2001 đến 2008 đã khai thác và xuất khẩu gần 500 nghìn tấn Ilmenite, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

e. Tài nguyên du lịch

Hà Tĩnh có các địa danh nổi tiếng như: Cửa Sót, Đèo Ngang, bãi tắm Xuân Thành, Thiên Cầm, khu du lịch sinh thái Nước Sốt Sơn Kim, Hồ Kẻ Gỗ, vườn quốc gia Vũ Quang. Đây là những nơi có điều kiện phát triển tiềm năng du lịch.

Toàn tỉnh có hơn 400 di tích lịch sử, trong đó có 62 di tích quốc gia, 2 di tích danh thắng: Chùa Thiên Tượng và Chùa Hương Tích; nhóm di tích tưởng niệm các danh nhân và nhân vật lịch sử chiếm số lượng lớn như: di tích tưởng niệm Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, Nguyễn Công Trứ... Nhóm di tích cách mạng có 14 di tích trong đó đặc biệt là Ngã Ba Đồng Lộc.

Tài nguyên du lịch tự nhiên kết hợp với du lịch nhân văn sẽ tạo ra được nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội.

Một phần của tài liệu Giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết việc làm ở nông thôn Hà Tĩnh (Trang 25 - 29)