Người kể chuyện không xuất hiện mà chỉ đứng sau nhân vật, không trực tiếp tham gia vào diễn biến câu chuyện, gọi là người kể chuyện giấu mặt. Câu chuyện được kể từ điểm nhìn của người trần thuật, theo ngôi kể thứ ba. Người kể chuyện này biết hết mọi chuyện, có mặt mọi lúc mọi nơi để quan sát, kể lại mọi hành động cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật.
Một đặc điểm dễ nhận thấy trong ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện giấu mặt trong tiểu thuyết thế sự của Ma Văn Kháng đó là ngôn ngữ giàu chất thơ. Không chỉ ở những tác phẩm thiên về cảm hứng trữ tình mà ngay cả những tác phẩm được viết với cảm hứng sự thật, cảm hứng phê phán như Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ… vẫn dạt dào xúc cảm. Đọc văn ông, người đọc dường như cũng rung động theo những biến thái rất tinh tế của cảm xúc người kể chuyện. Đây là một đoạn văn giàu chất thơ trong Mùa lá rụng trong vườn: “Xa cái náo nhiệt của trung tâm, nơi đây vắng vẻ, yên tĩnh, đến mức có cảm giác nó bị lãng quên, bị gạt ra khỏi đời sống phố phường. Ở đây có thể
nghe thấy dép lê của khách bộ hành, tiếng trục xe ba gác lăn khục khịch, cót két trên đường. Ở đây, mùa hè inh ỏi tiếng ve và lao xao vòm lá rậm ngọn gió đùa. Mùa đông cảm nhận được tiếng sương rơi và hơi gió lướt của tàu lá liệng rơi trên mặt đất” (34, tr.5). Chỉ tả về chậu hoa cúc mà ông Bằng chuẩn bị để đón giao thừa, người đọc cũng cảm nhận được sự tinh tế của nó qua một thứ ngôn ngữ truyền cảm khác lạ: “Những bông cúc vàng tươi vẫn đang còn xao động, rung rinh, tỏa cái vui tươi sáng ấm áp ra khắp gian buồng và không gian nhỏ hẹp bị đóng kín trong căn buồng, tách biệt với khoảng trời chiều ngoài kia đang mù mịt sương giá, chợt dậy lên một mùi thơm thanh khiết và nguyên sơ, mùi đồng nội” (34, tr. 21,22).
Ngôn ngữ là chất liệu tạo nên tác phẩm, nên nó đóng vai trò quan trọng trong việc miêu tả, kể chuyện tường thuật. Qua ngôn ngữ người kể chuyện giấu mặt, Ma Văn Kháng đã thể hiện được sự khéo léo của mình với cách miêu tả rất sinh động, giàu hình ảnh các sự việc và hành động. Mở đầu việc miêu tả một khu phố chạy dài đến tận cùng, nơi sắp kết thúc một loạt dãy nhà bằng thứ ngôn ngữ hết sức độc đáo: “Phố chạy đến đây có vẻ như là đã đuối sức”, ngắn gọn nhưng có sức lột tả, gây ấn tượng rất mạnh.
Không phải hễ có sự quan sát là có thể miêu tả được những điều mình thấy, mình cảm nhận thành câu văn, đoạn văn cô đúc. Nhà văn phải chứng tỏ cách vận dụng và kết hợp linh hoạt giữa vốn ngôn ngữ và khả năng quan sát của mình. Chính sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ kết hợp với cách vận dụng ngôn từ đã tạo nên những đoạn văn vừa có tầm khái quát vừa mang ý nghĩa cụ thể, sinh động, khơi dậy những cảm xúc thẩm mĩ nơi người đọc. Sắc nét và rất cuốn hút, Ma Văn Kháng đã miêu tả hình ảnh bát bún mọc rất có thần và chinh phục:
“…Trời, bát bún mọc, cái bát sứ dày, nặng, ù ụ một lớp giò sống viên tròn cùng là tim gan lợn thái mỏng nhưng to bản và bún trắng muốt, nuột nà từng sợi, sâm sấp trong làn nước dùng nhoáng nhoàng vàng ánh sao mỡ bám nổi ở rìa bát” [34, tr.149,150].
Ngôn ngữ chuẩn xác, miêu tả rất hàm súc, thoáng, tạo được dấu ấn đặc biệt. Người đọc cũng từng bâng khuâng trước cảnh đàn mối giao hoan trong cơn mưa bão ở Mưa mùa hạ. Sự chính xác sâu sắc của quan sát đi kèm với sự nhạy cảm tinh tế được diễn tả qua ngôn ngữ rất lãng mạn, giàu hình tượng của người kể chuyện giấu mặt:
“Vũ hội tình yêu đã mở. Sấm sét là trống kèn, chớp lửa là hoa đăng của đêm yêu đương. Những đôi cánh quay tít, nghiêng ngả. Gió mưa đưa đẩy cho cuộc giao duyên thêm phần quấn quýt, đắm say. Trai và gái tìm nhau trong giông bão. Có cuộc kết đôi của bọn sinh vật nào vừa hào hoa, tài tử, vừa mãnh liệt man dại như cuộc kết đôi của các chàng, các nàng mối đất này” [46, tr.8]. Trong xu thế văn học hôm nay, việc Ma Văn Kháng còn giữ được chất cảm xúc trong
câu văn của mình như thế là một điều đáng trân trọng. Trong tiểu thuyết thế sự của ông, người kể chuyện giấu mặt cũng có quan tâm đến thiên nhiên, nhưng nó không giữ vai trò chủ yếu như trong các tiểu thuyết lãng mạn. Đó chỉ là những cảnh đẹp, sống động được miêu tả từ điểm nhìn của người kể chuyện giấu mặt nên nó rất khách quan, thỉnh thoảng mới xuất hiện, có tác dụng thay đổi không khí truyện, thư giãn người đọc.
Câu văn của ma Văn Kháng luôn dấy lên trong lòng người đọc những cảm giác, những liên tưởng rất thực, rất gần với cuộc sống. Với tinh thần đổi mới của thời đại, nhà văn đã không ngần ngại gì khi đề cập đến ý thức bản ngã cùng những đòi hỏi tình cảm của cá nhân con người. Bởi thế khi ông miêu tả những cảnh quan hệ tế nhị giữa các nhân vật, ta thấy được tính chất sống động, mạnh bạo và tràn đầy cảm giác của ngôn từ. Trong truyện ngắn Những người đàn bà, Ma Văn Kháng từng nhận ra rằng: “còn một cuộc sống thầm thào chảy, ở bên dưới cuộc sống lộ thiên nhìn thấy. Thầm thào chảy nhưng dạt dào vô cùng”, và “cuộc sống đâu chỉ là ngày hai bữa no đủ. Cuộc sống còn là hẹn hò nhớ nhung, nuối tiếc còn là những éo le, âu sầu, ao ước và sự thỏa mãn những cảm giác mới lạ nữa chứ” (Mùa lá rụng trong vườn), nên ông đã không ngần ngại khám phá cái thế giới ngầm cùng những ước ao, sự thỏa mãn ấy bằng một thứ ngôn từ bình thường nhưng ý nhị và vô cùng gợi cảm.
Đọc đoạn văn sau, một đoạn văn tả chuyện giao tình, nhưng người kể chuyện giấu mặt đã rất khéo léo để tránh cho người đọc cái cảm giác tầm thường. Thay vào đó là sự cảm nhận một niềm đam mê vô bờ bến với những khát vọng mà con người có khi cả đời cũng không thể đạt được:
“… Mặc giông gió thét gào, họ bỏ cánh phản, lăn xuống manh chiếu rách trải trên nền
đất. Đã trút bỏ hết ràng buộc, lúc này nàng hiện ra trọn vẹn, nồng nẫu, háo hức vô cùng. Nàng rít từng hồi dài. Nàng chế ngự anh, điều khiển anh, đòi hỏi anh biến đổi liên tục. Nàng thúc giục anh thật gắt gao cuống cuồng. Nàng và anh, đám cháy đã được nhóm dậy, với hai ngọn lửa tự do bốc cao ngần ngật…” [42. Tr. 41 - 44].
Một chức năng quan trọng của ngôn ngữ người kể chuyện là khắc họa tính cách nhân vật. Với tiểu thuyết thế sự của Ma Văn Kháng điều này được đặc biệt chú ý, nhất là khi nhà văn xây dựng các nhân vật phản diện. Đó là những nhân vật vốn thấp kém, thành nhân ở môi trường thất học, không thuần chất, hời hợt nên hiếm khi thấy họ qua độc thoại nội tâm, mà chủ yếu là thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện giấu mặt. Vì thế, người đọc thấy rõ bức chân dung của đặc phái viên Quốc Thanh trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn là nhờ vào ngôn ngữ của người kể chuyện giấu mặt. Qua ngôn ngữ miêu tả, Quốc Thanh hiện ra rất rõ với những nét tính cách của
một kẻ tiểu nhân: từ tác phong sinh hoạt, cung cách nghĩ ngợi và cả kiểu sòng phẳng của ông. Trong chuyện ăn, chuyện ngủ, tính cách con người cũng bộc lộ rất rõ, vì thế, người kể chuyện giấu mặt cũng đã tỏ ra rất quan tâm đến tính cách của nhân vật qua lời kể của mình: “Ông ăn khỏe lắm, ăn như người rỗng ruột, lại háu đói, vào bữa bưng bát là và lấy và để, chưa nuốt xong miếng này đã lại lùa tiếp miếng khác vào miệng. Có lúc còn lấy tay bốc cho nhanh, cứ
như là sợ kẻ khác ăn tranh mất phần. Ông ăn như ma đói ma khát ăn. Ăn như bị bỏ đói từ tiền kiếp. Lại thêm vừa ăn vừa nhe nhe răng như dọa nạt ai, trông mà khiếp. Không ngồi ghế, ông Quốc Thanh chỉ thích ngồi xổm. Điệu đi của ông cũng lạ. Đã lắc mạnh vai, lại hay cúi đầu, trông rất gian. Ông ngáy mới kinh, đã thế lại mắt mở trừng trừng trong khi ngủ…” [40, tr.552, 553]. Hơn thế, tính cách con người ấy còn được khắc họa qua lời kể đáo để của người kể chuyện về kiểu chữa bệnh đau đầu để gạ gẫm mà ông hay áp dụng, cách ông cắt tiết chó, bài hát thô tục ông thường ca… Ông đúng là “một tay biến hóa kỳ tài”.
Ở một số tác phẩm, nhiều khi người kể chuyện giấu mặt chỉ đóng vai trò là thu lượm lại những phát ngôn của nhân vật, rồi sắp xếp chúng lại, đem kể với người đọc. Nghĩa là, ngôn ngữ của người kể chuyện giấu mặt có sự dung nạp ngôn ngữ trực tiếp của nhân vật. Đây là một đoạn văn trong Ngược dòng nước lũ:
(…) “Hiểu bạn từ thể trạng đến hoài bão, chân thật đến mức thô lỗ, hiểu đời và ngạo nghễ bỏ thơ vì gặp sự hạn hẹp, vì biết là thành danh rất khó, khen văn của Khiêm mỗi khi đọc xong một truyện hay, cao nhất là cái gật đầu với ba chữ: “Đọc tạm được.” Nên đã có lúc Khiêm cụt hứng, phát cáu: “Nói cứ như bố tướng. Ông viết thử đi xem nào.” Thịnh cười khì: “Mày nên nhớ, tao học tiếng Pháp từ khi bắt đầu học tiếng Việt, đọc Camus, Sertre từ nguyên bản”. Gần đây, đọc tiểu thuyết Bến bờ của Khiêm từ lúc còn là bản thảo, Thịnh gật gù: “Bây giờ, tao nói thật: Mày không tầm thường đâu. Đã bước vào cái thềm của văn chương, đạt tới cõi tâm truyền tức hình nhi thượng rồi đấy!” [42, tr.244, 245]. Chính đặc điểm này đã tạo cho ngôn ngữ truyện sinh động hơn và mang hình thức đa âm.
Trong Đám cưới không có giấy giá thú có những đoạn văn như: “Cẩm làm sao mà dạy nổi môn văn! Công việc quá sức Cẩm. Cẩm không có cảm quan thẩm mỹ tối sơ. Ngôn ngữ của Cẩm khá lắm cũng chỉ là ngôn ngữ xã luận. Tư duy của Cẩm chỉ đủ sức nhận biết những phương trình tối giản và cụ thể như 2 + 2 = 4. Suy luận của Cẩm mới đạt tới quy tắc tam đoạn luận. Giá như để Cẩm dạy chính trị, thời sự, hay là dạy toán, lý, hóa… những môn khoa học chính xác, không đòi hỏi nhiều lắm cái phong phú của tâm hồn, cái uyển chuyển của chữ
nghĩa… thì cũng vẫn là khổ hình cho những kẻ được hưởng sự truyền bá, nhưng cũng chưa đến nỗi biến giờ dạy thành một trò cười...” [82, tr.115].
Trong những đoạn văn như trên, chúng tôi thấy có sự di chuyển điểm nhìn giữa người kể chuyện giấu mặt và nhân vật. Đây cũng là một đặc điểm của ngôn ngữ người kể chuyện giấu mặt trong các tiểu thuyết thế sự của Ma Văn Kháng. Chính đặc điểm này đã tạo ra một hình thức ngôn ngữ khá phổ biến trong các sáng tác của ông: hình thức ngôn ngữ nửa trực tiếp. Với hình thức này, khó phân biệt được chủ thể của ngôn ngữ kể, vì nhiều khi điểm nhìn của người kể chuyện giấu mặt và điểm nhìn nhân vật như nhập làm một. Với hai đoạn văn mà chúng tôi viện dẫn ở trên, về hình thức đây là ngôn ngữ của người kể chuyện giấu mặt, nhưng nếu xét kỹ thì thấy điểm nhìn ấy, giọng điệu ấy dường như lại là của nhân vật. Người đọc vẫn luôn nghĩ rằng, cách nhận xét về Cẩm như thế là cách nhận xét của một người trong giáo giới. Đó là Tự. Những đánh giá rất thuyết phục người đọc. Lối kể chuyện này đã tạo cho truyện của Ma Văn Kháng có được một hình thức đa điểm nhìn, đa thanh - một đặc trưng không thể thiếu của thể loại tiểu thuyết.
Qua những khảo sát trên, nhìn chung ngôn ngữ người kể chuyện giấu mặt trong tiểu thuyết thế sự của Ma Văn Kháng là thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, trong sáng, giản dị và giàu hình tượng. Ngôn ngữ ấy có vai trò quan trọng trong việc khắc họa nhân vật. Với sự dung nạp khá nhiều ngôn ngữ trực tiếp của nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện giấu mặt ở đây đã trở nên sinh động hơn. Xét trên bình diện nghệ thuật trần thuật, đó là thứ ngôn ngữ trần thuật đa
điểm nhìn và đa thanh. Kể ở ngôi thứ ba nhưng khoảng cách giữa nhân vật - tác giả, tác giả - độc giả dường như được rút ngắn lại, bởi vì ngôn ngữ người kể chuyện giấu mặt có xu hướng xích lại gần với ngôn ngữ nhân vật, gần gũi với đời sống hằng ngày.