Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người. Ngoài khả năng tái hiện bức tranh toàn cảnh của đời sống xã hội, tiểu thuyết còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con người. Nhân vật cũng là hình thức cơ bản mà thông qua đó để nhà văn miêu tả thế giới một cách hình tượng. Quan niệm của nhà văn về hiện thực cuộc sống sẽ được thể hiện ở cách họ xây dựng nhân vật trong các tác phẩm của mình.
Trong tiểu thuyết, nhân vật là yếu tố cơ bản, là tiêu điểm để bộc lộ chủđề và tư tưởng, và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa. Vấn đề của tiểu thuyết không chỉ là quan sát chi tiết hay dựng lại cảnh, mà quan trọng hơn là vấn đề nhân vật. Nhân vật, do đó, là nơi tập trung giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm. Nhân vật cũng là nơi thể hiện những hiểu biết cũng như những mong ước của nhà văn về con người. Theo quan điểm riêng, mỗi nhà văn sẽ có một hệ thống nhân vật khác nhau.
Tiểu thuyết thế sự của Ma Văn Kháng không quá nhiều nhân vật, nhưng cũng tập hợp khá nhiều hạng người, và tất cả đều được tác giả tập trung miêu tả một cách đầy đủ, thú vị. Trong khuôn khổ luận văn này, khi tìm hiểu thủ pháp xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết thế
sự Ma Văn Kháng, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát những đặc điểm cá nhân của nhân vật như: ngoại hình, hành động, tâm lí, cùng mối quan hệ giữa tính cách nhân vật và hoàn cảnh.