PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ
3.3.3 Xây dựng nhân vật mang yếu tố tự truyện
Yếu tố tự truyện như một biện pháp để hiểu sâu hơn tâm lí nhân vật. Nhân vật - tự truyện dễ tạo nên ở người đọc một sựđồng cảm, gần gũi và tin cậy, một sự xúc động sâu lắng. Cái “tôi” tự truyện, cái “tôi” tâm sự thầm kín với người đọc như là người thân của mình đã tạo ra một mối quan hệ gần gũi, tin yêu và thông cảm lẫn nhau giữa nhà văn và công chúng. Điều đáng nói là Kim Lân không thể tái hiện sự kiện theo kiểu biên niên khô cứng mà ông tập trung vào những điểm chính yếu nhất, sinh động nhất để dựng lại thời quá vãng.
Tác phẩm của Kim Lân rất gần với Nguyên Hồng, Thạch Lam ở lối phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, lối viết đi sâu vào cảm giác; ở lối cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa. Đó là cảm giác phiêu dạt, tha hương, chết đường, chết chợ, sống vá víu khổ sở mà vẫn muốn sống và sống tử tế. Chúng ta có thể kể đến ở đây rất nhiều nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân như mẹ con Tư (Đứa con người vợ
lẽ) mẹ con anh Tràng (Vợ nhặt) mẹ con Thạ (Đứa con người cô đầu), ông Hai
(Làng)…
Song trong những nhân vật ấy nổi lên hai loại người: Người vợ lẽ và người ngụ cư. Ở hai loại người này ta đều thấy con người tiểu sử Kim Lân, phiên bản cuộc đời thân phận của hai mẹ con nhà văn.
Trước tiên nói về kiểu nhân vật người vợ lẽ. Chắc không phải ngẫu nhiên mà truyện ngắn đầu tay của Kim Lân lại là “Đứa con người vợ lẽ”. Trong truyện chúng ta thấy nhân vật là đứa con và người mẹ - người mẹ phải phiêu dạt kiếm sống khắp nơi, còn Tư - đứa con ở nhà, bị bỏ đói, bị bắt nạt, bị khinh bỉ, mà người khinh bỉ lại chính là ông Cả, con bà Cả cùng cha khác mẹ với Tư. Chính điều đó đã làm cho Tư buồn tủi, xót đau cho thân phận của mình - làm con vợ lẽ thì “chỉ là một phần thừa trong gia đình” [65]. Ở truyện ngắn “Vợ nhặt” cũng
Tiếp đến là thân phận của kẻ ngụ cư. Trong tác phẩm của Kim Lân, người mẹ trong “Đứa con người vợ lẽ” cũng là một kẻ gốc gác ngụ cư. Tràng, người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” cũng đều là dân ngụ cư. Cả cái xóm Tràng ở được gọi là “xóm ngụ cư”. Những người như ông Hai trong truyện ngắn “Làng” thực chất cũng là thân phận ngụ cư, tuy rằng tình thế ngụ cư trong kháng chiến có khác đôi chút. Bản thân dòng máu Kim Lân cũng có đến một nửa mang dòng máu dân ngụ cư: mẹ ông quê ở Kiến An - Hải Phòng theo chồng về Phù Lưu - Kinh Bắc. Và có lẽ vì thế mà thân phận ngụ cư trở thành một ám ảnh buồn bã trong thế giới tinh thần của nhà văn. Gắn liền với thân phận ngụ cư là những cảnh đời phiêu tán, lưu lạc, ăn nhờ ở đợ, gá nghĩa… Sau này, hình ảnh những nhân vật trên quãng đường tản cư trong kháng chiến cũng là một dạng thức ngụ cư mới.
Điểm qua một số nhân vật mang tính chất tự truyện của Kim Lân, chúng ta thấy rõ ràng nhà văn đã khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính cuộc sống gian nan, khốn khổ của chính cuộc đời mình, gia cảnh của mình, nghề nghiệp và công việc của mình, quê hương làng xóm của mình để rồi nhà văn đã trút nông nổi của thân phận mình vào trong trang viết. Nhưng qua đó, biểu hiện ra cả cuộc đời. Văn Kim Lân chính là trái tim, là tấm lòng của nhà văn trải ra trước con người và cuộc đời.
Hạt nhân tính cách của nhân vật này được tác giả nhắc lại nhiều lần, đó là khả năng nhìn đời sống một cách chăm chú, khả năng đồng cảm, nói rõ ràng hơn, khả năng đau bằng chính da thịt mình, nỗi đau của những người khác. Kim Lân đã thật sự “nhập thân” vào nhân vật, sống cùng nhân vật, cùng quá khứ đã qua. Mỗi nhân vật mang tính tự truyện của Kim Lân đều là nguyên mẫu từ chính cuộc đời của ông - bất hạnh, nghèo khổ, bần hàn, cơ cực giữa bóng tối của cuộc đời nhưng tâm hồn luôn tỏa sáng, soi rọi vào những người xung quanh.
Chính nhờ thế mà nhân vật mang tính tự truyện trong truyện ngắn Kim Lân luôn tạo được tình cảm đặc biệt nơi người đọc. Có thể nói Kim Lân là một trong số ít các nhà văn đã thành công khi khắc họa kiểu nhân vật này.