Chuyển hướng lập quy trình ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch ngân sách trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định giai đoạn 2011 – 2015. (Trang 71 - 75)

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015.

4. Chuyển hướng lập quy trình ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn

Việc lập dự toán ngân sách theo kiểu truyền thống như hiện nay đã lộ ra một số nhược điểm. Trước hết là việc tách rời giữa lập kế hoạch kinh tế - xã hội và lập kế hoạch ngân sách nhà nước. Trong khi Chính phủ và các chính sách do Chính phủ thường đề ra thường có tác dụng kéo dài trong nhiều năm thì ngân sách lại được duyệt và phân bổ theo từng năm một, mối liên hệ giữa mục tiêu kế hoạch 5 năm và ngân sách hàng năm là không rõ rang. Vì thế các mục tiêu kế hoạch trung hạn không gắn với khả năng nguồn lực sẵn có và không phản ánh thường xuyên trong ngân sách. Hơn nữa tách rời chi thường xuyên và chi đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch ngân sách gây nên một sự lãng phí nguồn vốn eo hẹp của nhà nước. Trong khi đó soạn lập ngân sách chú trọng đầu vào mà chưa kiểm soát đầu ra và các tác dụng của nó…Tóm lại là nhiều bất cập xảy ra khi thực hiện quy trình lập kế hoạch ngân sách theo kiểu

truyền thống. Để thực hiện tốt hơn các mục tiêu trong kế hoạch ngân sách đã đề ra thì phải đổi mới quy trình lập ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn.

Lập ngân sách nhà nước theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn thường đặt trong thời hạn 3 năm, theo kiểu cuốn chiếu thay cho hàng năm như hiện nay căn cứ vào đầu ra cuối cùng nhằm nhấn mạnh sự ưu tiên cho một số đối tượng và vai trò các cấp trong xác định nhu cầu chi tiêu. Là quá trình kết hợp giữa việc xác định các hạn mức chi tiêu chung của toàn bộ nền kinh tế ở cấp trung ương với việc phân bổ hạn mức đó cho các ngành, vùng theo các ưu tiên chiến lược. Quy trình này bao gồm 7 bước:

Bước 1: Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch trong thời gian 3 năm về dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế, khả năng huy động các nguồn thu trong và ngoài nước. Từ đó kết hợp với các chỉ tiêu vĩ mô để sử dụng nguồn ngân sách.

Bước 2: Nghiên cứu xác định danh mục ngân sách trần cho các địa phương

Bước 3: Các địa phương xác định nhu cầu chi tiêu của ngành, địa phương

Bước 4: Các địa phương sắp xếp thứ tự ưu tiên chiến lược và các dự toán kinh phí cần thiết để thực hiện chúng

Bước 5: Bàn luận giữa cơ quan phân bổ trung ương và bộ ngành địa phương để tổng hợp, cân đối giữa các khoản chi tiêu với hạn mức

Bước 6: Xây dựng dự toán thống nhất chi tiết cho từng năm trong khuôn khổ chi tiêu trung hạn 3 năm

Bước 7: Chính phủ rà soát , thảo luận và trình Quốc hội phê duyệt

5.Hoàn thiện hệ thống hóa đơn, chứng từ

Như ở phần trên chúng ta đã thấy một trong những nguyên nhân quan trọng cho quá trình thực hiện thu ngân sách nhà nước chưa đạt kết quả cao, còn thất thoát nhiều đó chính là những vướng mắc trong chế độ hóa đơn, chứng từ. Phần lớn các đơn vị kinh doanh đều không thực hiện đúng đắn các quy định của pháp lệnh thống kê, kế toán. Do vậy cơ quan thuế không xác định được các khoản tính thuế, hơn nữa còn có sự cố ý không thực hiện nghiêm túc chế độ hóa đơn chứng từ của một số đơn vị kinh doanh nhằm trốn thuế.

Việc thực hiện các quyết định về hệ thống hóa đơn chứng từ ngoài vai trò quan trọng trong xác định nghĩa vụ nộp thuế thì việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về các khoản thu, chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch cũng trở nên đơn giản và rõ rang hơn. Muốn vậy phải thực hiện một số biện pháp chính như sau:

Củng cố chất lượng hạch toán, kế toán đối với các xí nghiệp quốc doanh, đưa các hộ kinh doanh vừa và lớn ở các khu vực ngoài quốc doanh vào hoạt động trên cơ sở sổ sách, hóa đơn chứng từ kế toán, thống kê rành mạch và thực hiện chế độ báo cáo có định kỳ với cơ quan thuế.

Tiến hành in các hóa đơn chứng từ thống nhất để các đơn vị sử dụng. Tổ chức lại hệ thống thu theo nguyên tắc các khoản thu và nguồn thu do ngành thuế quản lý thống nhất và phát hành biên lai.

Hình thức nộp thuế theo nguyên tắc trực tiếp qua kho bạc theo yêu cầu của sổ bộ thuế trong đó tách các chức năng lập sổ bộ, thu, xây dựng chính sách về thuế thành ba bộ phận riêng biệt để tăng cường khả năng, trách nhiệm.

Tuyên truyền , giáo dục về việc thực hiện các chế độ hóa đơn chứng từ để hệ thống này thực sự có hiệu quả trong hoàn thành mục tiêu của kế hoạch ngân sách nhà nước.

KẾT LUẬN

Để thực hiện thành công nhiệm vụ mà kế hoạch ngân sách nhà nước đưa ra trong thời kỳ sắp tới thì đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý ngân sách nhà nước nói riêng và các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, sự thực hiện đồng bộ có hiệu quả của hệ thống luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo sự chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc trong việc lập, chấp hành dự toán thu chi ngân sách nhà nước trên địa bàn. Do vậy mà cần phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhằm rà soát, kiểm tra lại những chỉ tiêu, những yếu tố bất hợp lý trong quá trình triển khai, thực hiện kế hoạch ngân sách ở các cấp nhằm đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thực hiện, chấp hành kế hoạch ngân sách nhà nước.

Qua thực tế phân tích tình hình thực hiện, chấp hành kế hoạch ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng giai đoạn 2005 – 2009 vừa qua, trước những vấn đề đã làm được và những bức xúc còn tồn tại trong quá trình thực hiện kế hoach ngân sách trên địa bàn huyện, đề tài đã nêu ra một số giải pháp, kiến nghị đối với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch ngân sách trong thời kỳ tới để ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của kế hoạch ngân sách trong quá trình phát triển kinh tế xã hội huyện. Đây là những ý kiến xuất phát từ thực trạng công tác chấp hành dự toán thu, chi ngân sách và đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện thực hiện nhưng phần nhiều các giải pháp còn thiếu hiệu quả và chưa triệt để, tác động chưa đủ mạnh. Do đó kế hoạch ngân sách vẫn chưa phát huy được tính hiệu quả của nó. Đề tài này đưa ra một số ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ để công tác chấp hành dự toán ngân sách nhà nước giao thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi, góp phần thực hiện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện trong thời kỳ đổi mới.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch ngân sách trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định giai đoạn 2011 – 2015. (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w