Sau 1975, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những quy luật thời bình chi phối văn học. Từ đầu thập kỷ tám mươi, văn xuôi nước ta chuyển mạnh sang cảm hứng thế sự - đời tư, không còn cảm hứng sử thi, lãng mạng cách mạng một thời. Các tác phẩm của Đỗ Chu giai đoạn này cũng đã bắt đầu phản ánh hiện thực dưới góc độ đời thường. Đỗ Chu đã nhận chân ra giá trị của hiện thực trong sự phản ánh của văn chương nghệ thuật: “Cái chân đế của một tác phẩm chính là sự gắn bó với đời sống” [11, tr.71] Ông cũng nhận thấy lối viết nương tựa vào ấn tượng chủ
quan với bút pháp lãng mạn không còn hợp thời nữa. Đỗ Chu bắt tay vào phản ánh mặt tiêu cực, mặt trái của hiện thực. Thành công của ông trong giai đoạn này là thể hiện được cách nhìn hiện thực đa dạng, nhiều chiều, thể hiện mối quan hệ tự do của nhà văn đối với hiện thực. Đó là cái hiện thực được “suy ngẫm”, “nghiền ngẫm”.
2.1.2.1Hiện trạng đời sống xã hội nhiễu nhương đáng báo động
Đỗ Chu phác họa một bức tranh toàn cảnh về hiện thực đời sống quay cuồng trong vòng xoáy của thời buổi cơ chế thị trường. Với tuyển tập Mảnh vườn xưa hoang vắng và Một loài chim trên sóng, Đỗ Chu góp phần phanh phui hiện thực đời sống đương đại. Ông chạm đến
nhiều ngóc ngách xã hội, tiêu biểu là sự tha hóa nhân phẩm con người; sự lên ngôi của đồng tiền; sự bát nháo của văn chương nghệ thuật…Tất cả đều được phản ánh bằng một bút pháp châm biếm mỉa mai sâu sắc.
Nổi cộm lên là vấn đề suy thoái đạo đức của con người tiêu biểu là của tập thể các bộ nhà nước thời nay. Nhà văn biếm họa chân dung những vị chính quyền “ăn nhiều bụng phễnh”, rặt phường “dễ ăn”, “dễ béo” như trong truyện Lão Mai. [17, tr.9] Ông vạch trần chân tướng kiểu cường hào mới ngang nhiên phá đền chùa, miếu mạo, kém năng lực nhưng thừa thời giờ rảnh rang ngồi chơi xơi nước; thiếu nhiệt tình, lý tưởng nhưng thừa sự lạnh lùng tàn nhẫn với dân như Đắc trong Ngày đang trôi. Ông bóc trần kiểu cán bộ mang đặc tính con buôn cơ hội, cậy thế ỷ quyền, làm giàu bất chính, đầu cơ đất bất chấp mồ mả tổ tiên như Hinh trong Người của muôn năm trước.
Đỗ Chu nhìn thấy sự băng hoại của đồng tiền làm phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và ngoài xã hội. Truyện Họa mi hót phản ánh thực trạng tha hóa nhân cách vì đồng tiền. Lối sống thực dụng đã khiến đứa con định cư ở Đức bạc đãi với người cha cô độc. Hắn ta sẵn sàng nhổ toẹt vào quá khứ, hiện tại và cả tương lai mà người cha của hắn phải “mất trọn một đời tìm kiếm”. [17, tr.30] Hay trong truyện Người của muôn năm trước, Hinh vì đam mê danh lợi, tiền tài mà nhạt nhẽo với vợ :“Cái nhà này ai cũng chỉ nồng nhiệt trước đám đông, còn đối với nhau thật là nhạt thếch, ruột thịt mà quá người dưng.” [17, tr.84] Điều này khiến cho vợ Hinh càng ngày càng cảm thấy xa lạ ngay chính trong căn nhà của mình. Còn Lão Mai trong truyện cùng tên dường như đang sống một cuộc sống ẩn dật giữa một thành phố ngày một
ồn ào, xáo động bởi ông thấy sợ “cái văn minh vật chất”, sợ “một đời sống tiện nghi”, “sợ các cỗ máy” vì chính nó sẽ phá vỡđời sống tâm linh của con người. [17, tr.11]
Đỗ Chu phản ánh mặt trái của hệ sinh thái xã hội, nơi mà văn chương nghệ thuật chạy theo cơ chế thị trường trở thành thứ hàng hóa rẻ tiền. Các ấn phẩm sách báo ngày một thiếu nội dung, gia tăng sự lố lăng kệch cỡm. Nó chỉ nhằm phô diễn thứ hình thức rẻ tiền, gây sốc, giật gân. Sự nổi tiếng thời nay cũng dễ dãi, các ca sĩ, nhạc sĩ, các bài hát nhố nhăng cứ nổi lên loạn xì ngầu, nhiều như nấm mọc sau cơn mưa. “Sự nổi tiếng thời nay hóa ra cũng dễ dàng. Một cô gái đan len thất nghiệp cũng có thể giật giải văn chương nữa là. Thật giả đều loạn xị ngậu là vì cái cân giá trị với những tiêu chuẩn của nó cũng chả đủ độ tin cậy nữa rồi.” [17, tr.160 ] Kéo theo đó là sự ô nhiễm môi trường sinh thái qua cặp mắt của một nhà sinh vật học: “Những chú
ruồi chốc chốc lại lao thẳng vào mặt anh như những chiếc máy bay thần phong hồi thế chiến thứ hai, chúng muốn nhắc nhở với anh rằng hiện trạng sinh thái nơi đây đang rất đáng lo ngại.”. [17, tr. 150]
Sự xuống cấp của các công trình văn hóa địa phương như miếu mạo, chùa chiền cũng
được Đỗ Chu phản ánh qua các tác phẩm như Mê lộ, Ngày đang trôi. Vì quyền lợi cá nhân, những người nhân danh cán bộ có thể ngang nhiên đạp đổ nơi thờ thần Phật. Một số cán bộ lại
được lệnh xây dựng, tu bổ đền chùa thì kệch cỡm, lố bịch, không mang một nét thẩm mỹ văn hóa nào. Theo như nhận xét của ông Thiều thì “từ những đường nét nhỏ nhất đều thấy rõ là thiếu vắng tài hoa của người thợ cổ” cho nên nó mang “phong cách tân cổ giao duyên, có mới có cũ, và cái mới cái cũ được kết hợp một cách không thể nói là có duyên được.” [17, tr.42]
Từ tất cả những sự lố bịch, kệch cỡm, nhâng nháo của hiện thực thời cơ chế thị trường,
Đỗ Chu đã đưa ra một cách hiểu về “môi trường sinh thái” thông qua phát ngôn của nhân vật Lăng : “nó không hạn hẹp ở chuyện phân họ các loài chim , cũng không phải chuyện hiệu ứng lồng kính, sự sụt lở của tầng ôzôn trong khí quyển hay đại dương bị ô nhiễm mà là chuyện con người, là sự rồ dại khó bảo của giống người đang sống ở khắp mọi nơi.” [17, tr.148]
Có thể thấy, Đỗ Chu không phải là ngòi bút tiên phong trong việc nhìn nhận lại các giá trị
lịch sử và thẩm mỹ, nhưng ông đã góp phần bóc tách ra mảng hiện thực bị che giấu trước đây.
Điều này thể hiện sự biến chuyển tích cực trong quan niệm và tư duy nghệ thuật của nhà văn. Bên cạnh hiện thực đời sống, hiện thực về con người cũng được Đỗ Chu soi chiếu, bóc tách dưới nhiều góc độ.
2.1.2.2 Con người đời tư với thế giới tinh thần phức tạp
Cảm hứng thế sự đem lại cho văn xuôi nhiều chất tiểu thuyết hơn, trước hết là nhờ ở khả
năng chiếm lĩnh con người từ góc độ đời tư. Con người vốn phức tạp nên không thể dùng một tiêu chí, giá trị cố định mà đo đếm như trước đây. Những tác phẩm từ sau 1975 chuyển hướng sang khám phá thế giới nội cảm của con người như các tác phẩm Ngọn lửa (1975), Mưa tạnh
(1981), Tháng Hai (1981) , Đất bãi (1983), Mận trắng. Nhịp sống đời thường đã trở lại với những người lính nhưng ẩn nấp bên trong là “những điều bất bình thường”. Trong Ngọn lửa,
Mận trắng ta bắt gặp những suy tư, trăn trở của họ về quá khứ, và hiện tại. Những trang viết của
Đỗ Chu chảy miên man trong dòng sông tâm trạng của nhân vật. Ta bắt gặp những con người kiếm tìm hạnh phúc, con người trăn trở không trùng khít với hiện thực đời sống.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng những hệ lụy của nó vẫn còn tác động lên những người
đang sống. Trong Mận trắng, nó ghi hằn dấu ấn lên cuộc đời những người lính trở về như
Thuyên, như Lân, như cụ Tri. Thuyên trở về với vết thương chiến trường nhức nhối. Nhưng cái nhức nhối của anh là quá khứ. Mỗi ngày sống là mỗi ngày nhớ về đồng đội, về những trận chiến, về bao mất mát hy sinh. Thuyên từng ước mơ về tương lai với một mái ấm gia đình hạnh phúc nhưng hiện tại thì chỉ có anh với vết thương chiến tranh. Ông cụ Tri thì thui thủi sống một mình. Còn cô Lân thì lay lắt sống với nỗi đau chồng mất, con mất. Những người lính trở về lạc lõng ngay chính trên mảnh đất quê hương họ đã sống chết dành lấy. Họ trở thành những thân phận côi cút, lặng lẽ trườn qua nỗi đau mà sống. Cũng là đề tài về những người lính nhưng người lính trở về không phải trong ca khúc khải hoàn như họ hằng mơ ước. Cái áo hiện thực đời sống trở nên quá chật hẹp với những con người mang trong mình tầm vóc thời đại.
Tuyển tập Mảnh vườn xưa hoang vắng và Một loài chim trên sóng tập trung khắc họa bi kịch tinh thần của người lính. Đỗ Chu trăn trở đi tìm câu trả lời cho một thực tế chua xót. Những người lính trở về từ trận chiến, họ được gì, mất gì và phải sống ra sao? Đống trong
Mảnh vườn xưa hoang vắng, Hoàng Trữ trong Mê Lộ đang đối mặt với vô vàn những bi kịch của cuộc sống . Giống như Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn Đỗ Chu dành nhiều quan tâm cho số phận con người đặc biệt là số phận người lính.
Các tác phẩm của Đỗ Chu giai đoạn từ 1980 trở về sau có khuynh hướng thể nghiệm nhiều dạng người khác nhau trong xã hội. Không chỉ là kiểu con người số phận, hay con người
đại diện cho lý tưởng cao đẹp. Tác phẩm Đỗ Chu còn khai thác con người khát thèm danh vọng và quyền lực, sẵn sàng chà đạp lên đạo lý; con người tầm thường, tẻ nhạt, tham lam, vị kỷ; con người bị tha hóa nhân cách bởi đồng tiền…. Đặc biệt ngòi bút Đỗ Chu trăn trở đi tìm “những con người khác nhau” bên trong một con người. Tác giả muốn thâm nhập vào cõi mờ xa của ý thức. Đó là trường hợp của Trữ trong Mê lộ. Anh là người tôn thờ lý tưởng, sống và chiến đấu vì lý tưởng . Song chính anh cũng bị sụp đổ niềm tin vì phát hiện ra sự giả dối ngụy trang trong lớp vỏ bọc của lý tưởng ấy. Anh rơi vào một mê lộ không lối thoát. Nơi ấy anh được sống với cả con người của quá khứ lẫn hiện tại.
Một số nhân vật trong truyện của Đỗ Chu tin vào các thế lực siêu phàm (thần, Phật). Họ
luôn có “linh tính”, “giấc mộng” về những sức mạnh bí ẩn hay một đối tượng siêu thực, ít có khả năng hiện hữu trong đời thực. Ông Hồng, Thiều, Đắc trong tác phẩm Ngày đang trôi tìm
đến tôn giáo như một nhu cầu tâm linh, một sự giải thoát khỏi những ám ảnh cứ đè nặng cuộc sống hiện tại. Con người được khám phá ở tâm hồn mẫn cảm, thấu suốt lẽ đời bằng trực giác và linh giác. Con người ở cõi đời thường nhưng có sự thông linh với thế giới khác.(nhân vật ông Vồ trong Người của muôn năm trước) Nhờ vào tiếng nói tâm linh mà nhân vật của Đỗ Chu biết hướng thiện, nhận ra những sai lầm của họ trước đây.
Một điều có thể nhận thấy rằng dù viết về loại người nào, tầm thường, xấu xa, hay bất hạnh, ta vẫn thấy trang văn của ông lấp lánh niềm tin. Các nhân vật trong tác phẩm của ông dù có quay cuồng điên đảo theo cơ chế thị trường thì vẫn tồn tại những con người nghĩa tình với những tình cảm chân thành như tình yêu của ông Thiêm và bà Lương (Họa mi hót), những con người đáng nhớ và đáng trọng như ông già viết sớ ở đền Bà Chúa – người lưu giữ, nâng niu những nét đẹp văn hóa truyền thống (Ngày đang trôi), những nhà khoa học chân chính như
Lãng. (Chuyến đi cuối năm)…. Và quan trọng hơn, nhân vật của Đỗ Chu luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Họ vươn lên đón lấy ánh sáng của ngày mới như Thuyên trong Mận trắng, Trữ trong Mê Lộ, Đống trong Mảnh vườn xưa hoang vắng, Thuần trong Cánh đồng không có chân trời….
Nhìn chung, nhân vật trong tác phẩm Đỗ Chu từ sau 1975 rõ ràng ít tính lý tưởng, không hoàn hảo nhưng vẫn có nhân vật đẹp. Tuy nhiên đó là cái đẹp trong bụi bặm của đời thường. Giống như Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu vẫn lặn lội đi tìm cái “hạt ngọc”ẩn giấu bên trong tâm hồn mỗi con người. Hơn nữa, để lý giải cuộc sống ở tính đa chiều, phức tạp, Đỗ Chu đã đi tìm
“những con người khác nhau” bên trong một con. Điều này góp phần truy tìm sự thật về đời sống. Đúng như nhà văn Nguyên Ngọc đã nói : “Có lẽ sự thật lớn nhất mà văn học ta cần tìm hiểu là sự thật về tâm hồn con người.” [58]