3.1.3.1Những vấn đề về văn hóa
Đỗ Chu là người luôn tìm tòi, khám phá các giá trị văn hóa ở chiều sâu của nó. Tùy bút của ông là hành trình tìm về dấu tích văn hóa cổ truyền của làng quê đang bị thời gian làm mai một. Đó cũng chính là hành trình đi sâu vào văn học để nhận chân ra các giá trị văn hóa, giá trị đích thực của lịch sử. Thấp thoáng qua các trang tùy bút, ta bắt gặp bóng dáng một con người khăn gió túi thơ đi tìm nét đẹp xưa. Những sắc thái văn hóa vùng quê Kinh Bắc đi vào văn Đỗ
Chu thuần hậu, nền nã. Khăn gói trở về làng Niềm bên rìa thị xã Bắc Ninh, Đỗ Chu muốn tìm
đến với nghệ thuật hát cô đầu hay ả đào ngày xưa. Nhà bà Hồng, bà Tuyết mà Đỗ Chu muốn tìm chính là những cô đầu “hát hay, đàn ngọt, đẹp người đẹp nết, ăn nói mặn mà, ra vào ý tứ.”
Đó là một thú vui thanh tao của văn nhân như Nguyễn Tuân, Đinh Hùng. Khi hứng chí, họ chỉ
cần “nhảy lên một toa tàu hạng thường, vượt qua sông” để đến Làng Niềm. Đỗ Chu tỏ ra am hiểu về nghệ thuật hát ả đào cũng như sự trân trọng về một nét đẹp xưa: “Nghĩa là cô đầu cũng có năm bảy loại, cô đầu hát khác cô đầu rượu, cô đầu đâu phải là gái làng chơi, họ vẫn có đủ
cái sang trọng của họ. Đó là một lối chơi thanh tao, có lề lối, có cung bậc, có khúc thức. ..”
[19, tr.356] Đỗ Chu ngậm ngùi xót xa vì cảnh cũ đã đổi thay, người xưa cũng vắng bóng. Khi
những nét đẹp mà khi ấy người ta cho là “dấu vết sa đọa”, là “sự buồn tủi của chế độ cũ”. Để đến ngày nay, khi bước chân vào làng Niềm, ta không còn thấy dấu tích nét đẹp xưa. Cả cái tên
“hát cô đầu” cũng được đổi thành tên “hát ả đào” để tránh tai tiếng. Ông ngậm ngùi cho những người đã nhân danh cách mạng mà “làm liều đủ thứ, có khi lôi nhau ra đấu tố, bắn vào mặt nhau trước tòa án nhân dân cũng vì mỗi tội thằng này suốt đời chỉ mê mẩn tôm chát, hát xướng”. [19, tr.357] Ông đau đáu cho một thời lầm lạc đã làm tiêu tan đi những hồn xưa dấu cũ. Ông lại ngẩn ngơ mà nghĩđến hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan với một sự đồng điệu
đến xót xa:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Thăng Long thành hoài cổ)
Ông đau xót vì sự khôi phục nét đẹp văn hóa như hát ả đào một cách thiếu “văn hóa”. Nhìn lại một thời ấu trĩ, một số người đại diện chính quyền thấy cái gì cũng “hỏng tuốt” nên giờ ngẫm lại thấy có lỗi với cha ông. Người ta bắt đầu “vọng cổ”, mở hội hè quanh năm. Song
đó lại là sự quá tay, quá đà thiếu sự chọn lọc tinh hoa, dẫn đến tình trạng “dở mếu dở cười” rất
đáng tội nghiệp của “một đám đông ngô ngọng, bơ vơ, một cuộc tập hợp tưởng thiêng liêng mà thật hết sức thiếu nội dung.” [21, tr.318] Đáng buồn hơn là hội hè xong lại quay sang tố cáo, kiện tụng nhau vì những chuyện ăn chia không đồng đều, những hơn thiệt cỏn con, bủn xỉn. Đỗ
Chu nhận ra thực tế đau lòng này biểu hiện “sự thả nổi, sự bất lực, là hiện tượng mê sảng của các vùng quê sau nhiều mệt mỏi, những tưởng đã có lúc sáng sủa lên được.” [21, tr.318] Những thực trạng nêu trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa - tinh thần của vùng quê Kinh Bắc.
Đỗ Chu viết nhiều, trăn trở nhiều đến làng Việt, văn hóa Việt cổ xưa. Biểu tượng đặc trưng của các làng quê Việt Nam là cây đa, giếng nước, con đò. Những hình ảnh đó đã đi vào ký ức tuổi thơ và sống mãi trong lòng dân Việt. Nhưng một hiện tượng đáng buồn là “cây đa, bến nước chả còn, cánh diều bay lơ lửng trên bầu trời chiều chả còn, bụi dúi già ngoài bờ ao, bụi cúc tần, bụi cây ma thổi cơm nếp ….đền miếu tất cả đều thành hoang phế, một lần biến mất không trở lại, ngay đến một tiếng chim cũng vắng.” [19, tr.280] Đỗ Chu nhận ra sự đổi thay của
đất nước dẫn đến sự thay đổi của các làng quê là điều tất yếu: “Giữa cái không khí gọi là đổi mới, các làng quê bị lôi cuốn vào cơn lũ thời cuộc không thể cưỡng nổi. Nó thay đổi mau chóng
cả về hình thức và nội dung, cả người và cảnh sắc.” [19, tr.286] Nhưng điều mà Đỗ Chu lo lắng, trăn trở và cả thấp thỏm hy vọng là đổi mới mà không đánh mất nét đẹp văn hóa, không làm phai nhạt bản sắc dân tộc: “Cùng với bước đi của thời gian, cái làng Việt tất cũng phải không ngừng đổi mới, nhưng đổi mới thế nào để vẫn còn nó, ngày càng là nó.” [21, tr.281] Đó chính là mong mỏi, là tâm huyết của một người con yêu quê hương, cũng là sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ linh cảm những vẻ đẹp cổ xưa rồi sẽ hưng phế bên lòng xã hội hiện đại. Chính điều này khiến ông đồng cảm với anh nhiếp ảnh trẻ khi thấy người ta đập mất những cái cổng làng, cổng đình, cổng đền, cổng chùa, cổng nhà… “rêu phong sương kính có sức giúp ta gợi nhớ đến cả một thời xa lắc, yêu thương gần gũi xiết bao.” [19, tr.289] Chỉ những người con nặng tình viết quê hương mới vương vấn luyến lưu chúng đến vậy.
Làng quê Việt Nam có thể mất dần nét đẹp xưa, nhưng điều quan trọng còn lưu lại là
“hồn cốt” quê hương, đã, đang và mãi trường tồn cùng chiều dài lịch sử dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, dân tộc ta không bị đồng hóa. Sức sống bền vững ấy theo Đỗ
Chu lý giải : “Cái làng Việt chính là cái nôi tuyệt vời. Chính là cội nguồn của mỗi người Việt Nam. Mọi tinh hoa dân tộc, sức sống của một nền văn hóa lâu bền, tinh thần của đất nước cũng từ đấy mà ra.” [19, tr.281] Chữ quê hương được hiểu rộng ra là đất nước, là quê cha đất tổ
người Việt. “Quê hương người Việt Nam là ở cái làng Việt Nam.” [21, tr.281]
Có thể thấy một không gian văn hóa với những đặc trưng của vùng miền đã được nhà văn tạo dựng qua thế giới nghệ thuật của mình. Đỗ Chu viết về những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc và những biến động của chúng trong đời sống xã hội. Vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa cũng được đề cập qua tùy bút của Đỗ Chu.
3.1.3.2 Những vấn đề về văn học nghệ thuật
Lắng đọng trong tùy bút của Đỗ Chu là những suy tư, trăn trở đầy trách nhiệm về nghề
văn, nghệ thuật, phẩm cách của người nghệ sĩ. Là “người bộ hành can đảm và cô độc”, Đỗ Chu hiểu tường tận công việc sáng tạo của nhà văn : “Hình như vốn sống của nhà văn không hẳn là vốn sống thông thường mà mọi người đều có thể có. Không ít những cái nhà văn viết ra khiến người đọc say mê, thấy y như chuyện đời mình…nhưng chính nhà văn thì lại chưa hề trải qua…Nhà văn đã sống hộ người khác, anh ta đã nhập vai, đã lên đồng. Có được khả năng đó là bởi cõi lòng anh ta không nguội lạnh, hồn anh ta dễ rung, như sợi tơ đàn vậy. Nó cũng chính là dấu hiệu của tài năng.” [19, tr.220]
Đỗ Chu ý thức cao về vai trò và trách nhiệm của người cầm bút trước những thách thức của thời kỳ đổi mới: “Lịch sử đã và đang nhiều xô đẩy, không ngừng mở ra những lớp lang sâu xa hiểm trở. Nếu cuộc đời nhà văn là một con thuyền trôi trên biển, thì đây là một vùng biển
động, rất nhiều sóng gió, rất nhiều thử thách.” [19, tr.226] Nhà văn cần phải vượt lên chính mình, viết nghiêm khắc và kỹ lưỡng để mang lại cho đời những trang sách hữu ích, sống mãi trong lòng người đọc. Nghề văn theo như Đỗ Chu là “chênh vênh đấy mà cũng bền vững đấy”. Sẽ là chênh vênh đối với những ngòi bút tầm thường, nhàm chán bởi sự sao chép và bắt chước, và bền vững đối với những người biết vươn tới cái mới, cái chưa ai từng có được. Để có trang sách hay là cả “một cuộc lên đường đầy gian nan, có khi vất vưởng suốt đời mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Người xưa xem văn là một thứ đạo cũng bởi lẽ đó. Đạo làm người, đạo trời đất,
đạo văn chương.” [19, tr.222]
Đỗ Chu tìm về giá trị văn học dân tộc thế kỷ XVIII-XIX và tôn vinh những đỉnh cao văn học như Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương và Ngô Gia văn phái. Còn về văn học Việt Nam thế kỷ XX Đỗ Chu nhận định rằng : “Mặc dù cho
đến lúc này vẫn còn hiếm những đỉnh cao với những tác phẩm đạt tới sự toàn bích, quy mô thật sự hoành tráng, nhưng chỉ cần nhìn vào những gì đã có cũng đủ thấy đây là một giai đoạn văn học đầy cốt cách và rất bản lĩnh.” [19, tr.218] Từ việc tìm hiểu cung cách sống của các nhà văn, nhà thơ, khí phách, tâm đức của họ để nói về đời sống văn chương hôm nay. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đỗ Chu viết về chân dung của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Khải, Kim Lân, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật…Mỗi người đều là một tấm gương sáng về
sự miệt mài lao động nghệ thuật để có những tác phẩm hay. Sống rồi hẳn viết. Đó là điều mà các nhà văn, nhà thơđã làm. Với Nguyễn Khải, Đỗ Chu muốn nhắc các nhà văn cần phải có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, tránh sự cực đoan, phiến diện, phải nhận chân được cái đẹp, cái thực ở đời. Nói đến nhà thơ Hoàng Cầm là nói đến tinh thần sáng tạo, niềm đam mê không dứt nổi, là cái được – mất của một đời viết thăng trầm. Dẫu hoàn cảnh có bi quan nhưng những trang viết của ông vẫn đẹp, vẫn làm say lòng người. Ở Kim Lân, Đỗ Chu nhấn mạnh nhà văn không thể
sống nhạt. Nhạt là cái bệnh khó chữa của văn chương. Không thể sống nhạt, sống tồi mà có văn chương hay. Và nhà văn tài năng là người biết dừng lại đúng lúc, biết giữ cái duyên văn chương trong lòng bạn đọc. Nhắc đến Phạm Tiến Duật là nhắc đến một cá tính thơ có một không hai, một tài năng thực thụ nảy nở từ cuộc sống đạn bom quyết liệt. Lâu nay người ta vẫn vin vào số
đông để làm nên chân lý. Số đông là sự bền vững và an toàn. Nhưng với nhà thơ Phạm Tiến Duật, bao nhiêu năm tháng qua, ông vẫn giữ vai trò của một cây sáo sô lô đầy bản lĩnh. Một mình nhưng không lạc điệu. Thơ anh vẫn có sức bay, sức lan tỏa, sức sống bền bỉ như ngọn lửa mặc dù có đôi khi tài năng ấy bị kìm hãm, bị chỉ trích, phê bình. Bởi một điều thành quy luật muôn đời, tài năng luôn đi trước thời đại. Nó luôn muốn sống một cuộc sống tự do, vẫy vùng, vượt qua mọi khuôn khổ và giới hạn tầm thường, chật hẹp. May sao, không gì có thể thủ tiêu những cá tính thơ độc đáo như Phạm Tiến Duật. Không bình nhiều, không đánh giá nhiều về đường lối văn nghệ một thời, song tác giả vẫn cho ta hình dung hết một giai đoạn khó khăn trong đời sống văn học nước nhà thời kỳ trước đổi mới.
Càng trân trọng, tự hào những thành tựu cha ông đã đạt được Đỗ Chu càng thấy đáng buồn cho thực trạng đời sống văn học hôm nay. Một hiện tượng đáng “hoảng sợ” là có nhiều sách dở, có quá nhiều ấn phẩm không bao giờ thành tác phẩm. Ông đặt ra câu hỏi buộc mọi người phải suy ngẫm : “Cơ chế thoáng, cách nhìn mở, làm ăn dễ dàng hơn, sống thoải mái xô bồ hơn, viết cũng vậy chăng?” [19, tr. 198] Ông phê phán sự cẩu thả trong cách sống và cách viết. Nhiều nhà văn thèm khát danh lợi tầm thường để tầm mắt không vượt ra khỏi một góc buồng chật hẹp. Từ những ưu tư ấy, Đỗ Chu đã đặt kỳ vọng vào thế hệ viết văn trẻ. Cho dù con
đường đi đến sự sáng tạo còn lắm chông gai, thác ghềnh, nhưng ông hy vọng thế hệ trẻ sẽ từng bước đưa nền văn học thoát khỏi tình trạng “quê mùa”, hướng đến một nền văn học mang tính chuyên nghiệp cao, “để tác phẩm của mình có hộ chiếu đi vào đời sống dân tộc và đi ra nhân loại rộng lớn.” [21, tr.198]
Nói về sức sống lâu bền của văn học và nghệ thuật, ông đã mượn hình ảnh của hoa bờ
dậu - một loài mỏng manh nhưng bền bỉ : “Mỗi dân tộc đều có một bờ hoa tư tưởng, bờ hoa của nghệ thuật và văn học, ở đó những khuôn mặt trí tuệ ẩn hiện, những hình hài nhân cách ẩn hiện, những tình yêu thương ràng bện như những vồng hoa rầu rãi trong mưa nắng thời gian.”
[21, tr.24]
Những vấn đề văn học mà Đỗ Chu đề cập đến trong các thiên tùy bút của mình tuy chưa toàn diện nhưng ta thấy một cái “tôi” riêng thẳng thắn bộc lộ chính kiến và quan điểm của mình một cách chân thành và tâm huyết. Điều này thể hiện một tâm thế nhập cuộc của một nhà văn còn nặng nợ với đời, với văn chương trong tình hình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.