Tùy bút của Đỗ Chu đề cập đến những vấn đề bức xúc, đáng cảnh báo của xã hội. Song ta không thấy ở nhà văn một giọng điệu luận tội gay gắt, đả phá hay phê phán thẳng tay. Dẫu sao
Đỗ Chu vẫn là một ông cụ hiền lành, lại kết hợp với văn phong vốn đã rất trữ tình, dịu ngọt nên ta chỉ thấy một giọng điệu hài hước, hóm hỉnh. Có mỉa mai, có lên án thì cũng không quá thẳng tay bốp chát vào mặt.
Đỗ Chu phản ánh những vấn đề bức xúc, những hạn chế, bất cập ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, điện ảnh. Chính việc lựa chọn câu từ đắt địa, hàm súc, lối nói nửa như thật nửa như đùa khiến ai đọc lên cũng thấy tức cười.
“Diễn viên nói chung là xinh, nhưng thường hay bị lột quần, xé áo, mà lại hay ngất nữa, mà Nam Bộ gọi là “té xỉu”.[19, tr.156] hay “sở dĩ chưa làm nổi những bộ phim lịch sử nói về đời Lý, đời Trần, là do đến một con ngựa cho ra ngựa chúng ta cũng thiếu.” [19, tr.156] Đỗ
Chu đã chêm vào một câu mỉa mai : “ Hay nhỉ, nhưng lịch sử dân tộc chúng ta đâu có phải bắt
đầu từ mấy con ngựa”. [19, tr.157]
Kể chuyện mình hoặc chuyện giới văn nghệ sĩ thì duyên lạ. Nói về những chuyện không nên nói, khó nói, nhạy cảm để nói thì rất khéo dùng từ. Đôi khi chỉ gợi và lấp lửng để người đọc tự suy luận: chuyện Phạm Tiến Duật, Kim Lân, Chế Lan Viên…..Cách kể chuyện khề khà, tự
nhiên, lôi cuốn người đọc bởi sự hóm hỉnh, duyên dáng của mình.
Nhìn chung, trong sự nghiệp của Đỗ Chu, bên cạnh truyện ngắn, tùy bút tuy không chiếm số lượng lớn nhưng thực sự là những trang viết mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện ý thức, quan niệm nghệ thuật của một cây bút giàu tài năng và tâm huyết. Đây cũng là một lĩnh vực khẳng
định tên tuổi và vị trí xứng đáng của ông trên văn đàn. Nó giúp bạn đọc hiểu thêm về thế giới tâm hồn của nhà văn, hiểu thêm những con người tài năng và nhân cách sáng ngời trong làng văn sĩ. Ông là người tiếp bước xứng đáng các bậc đàn anh như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường…bằng một bản lĩnh văn hóa vững vàng, một trí tuệ uyên thâm, một trái tim mẫn cảm, một ngòi bút nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và một văn phong chuẩn mực. Với các tuyển tập tùy bút của mình, Đỗ Chu muốn khẳng định ông luôn
đồng hành cùng cái đẹp, đồng hành cùng với vận mệnh dân tộc, đất nước, đồng hành cùng nhịp sống gấp gáp, đầy sôi động nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thử thách ngày hôm nay.
KẾT LUẬN
Đỗ Chu rất Việt Nam. Cũng như Tô Hoài, văn của ông thuần Việt và không lai tạp. Đọc văn của ông cẩn trọng như đọc văn Tô Hoài. Chúng ta có thể tìm thấy dưới những câu văn của ông sức nặng của đời sống, sự chiêm nghiệm. Đỗ Chu có vóc dáng của con người dày công lực mà không lên gân lên sức. Sự dụng văn của ông bình nhiên tỏa sáng.
Đời sống hôm nay chảy trôi mải miết trong dòng thông tin và tốc độ sống nhanh nhạy, cũng bừa bộn và khốc liệt hơn nên ít người đọc văn Đỗ Chu hay văn phong kiểu của C. Pautôpxki thuở trước. Có thể đó là “một món quà xa xỉ với một số người”. Nhưng nếu ai đã bước vào thế giới văn chương Đỗ Chu sẽ thấy cái “bát ngát”, “thăm thẳm” và “miên man” cuốn hút tâm hồn người. [40]
Số phận của mỗi nhà văn sau cùng đều tùy thuộc vào sự thẩm định chín chắn của bạn
đọc, ở nhiều thời. Các thang bậc giá trị của văn học đáng tin cậy nhất cũng là từ sự thẩm định
đó mà ra. Chả ai có thể tự thổi phồng, cũng chả ai dìm dập nổi. “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên
đời” – Nhà thơ Nga Eptusenkô đã viết như vậy. Quả thực, trong tâm hồn mỗi con người, nhất là những người có cuộc sống trải nghiệm phong phú, thì dường như đều ẩn chứa những “mỏ
quặng”.
Dường như có một hành trình tiếp nối. Đỗ Chu trăn trở đi tìm cái đẹp giữa cuộc đời rộng lớn. Còn người đời đau đáu lật tìm cái đẹp trong những trang văn giàu chất thơ của ông để gắng hiểu một con người, một phong cách.