3.1.4.1Những sự kiện lịch sử trọng đại
Tập tùy bút Những chân trời của các anh viết từ sau 1975 đề cập đến các sự kiện lịch sử
trọng đại của dân tộc và thế giới. Con người đứng trước một đất nước đã hoàn toàn độc lập, tự
do mà nhận chân các giá trị của lịch sử với sự ngưỡng vọng chân thành. Tùy bút Tuyết ở Hồng Trường là cảm xúc dạt dào của nhà văn khi đứng trên nước Nga vĩ đại. Cách mạng tháng 10 Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới của nhân loại: một cuộc sống mới, một xã hội mới đã bắt đầu. Nhà văn như thấu suốt những vấn đề về nhân sinh quan cách mạng: “Con người không phải là của thượng đế kiến tạo mà phải là của chính nó, thuộc về nó và nhân dân, và Tổ Quốc của nó.”
[14, tr.43] Và qua đó ông ý thức về vai trò của công dân một đất nước tự do : “Và quả thật, muốn làm người công dân của một đất nước cách mạng, muốn góp phần đẩy mạnh sự nghiệp vĩ đại tiến lên không ngừng […] là cả một sự thử thách hy sinh.[ ..] Nói cách khác, phải có tầm vóc lớn, phải có cốt cách vững vàng”. [14, tr.43] Từ những thắng lợi của cách mạng tháng Tám
đem lại, Đỗ Chu khẳng định tầm vóc vĩ đại của nó : “một sự thay đổi kỳ diệu trong lịch sử, dân tộc, sự bắt đầu thiêng liêng của hàng triệu, hàng triệu cuộc đời”.[14, tr.89] Nhà văn nhấn mạnh chính Cách mạng tháng Tám mang lại một lẽ sống, một cách sống, đầy hào hứng cho dân tộc Việt Nam : “cách mạng tháng Tám nhân danh tự do và độc lập dân tộc là sự nghiệp của những người thấp lửa, nó mang ý nghĩa tiên phong..[..] nó đã đi vào lịch sử đất nước với một tầm vóc vạm vỡ ít có”. [14, tr.108] Ông ca ngợi thắng lợi mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn đất nước, ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được vô số thành tựu to lớn. Từ việc ca ngợi những sự kiện lịch sử ấy, Đỗ Chu nhấn mạnh vai trò dẫn lối đưa đường của Đảng và cách mạng đồng thời cũng khẳng định sức mạnh bất diệt của nhân dân. Sức mạnh chiến thắng là từ
nhân dân mà ra: “Nhân dân như một bà mẹ rộng lòng, mỗi năm là mỗi gầy mòn bù đắp cho đứa con khôn lớn”. [14, tr.108]
Sau 30 năm kể từ tập tùy bút đầu tay Những chân trời của các anh ra mắt đến năm 2005,
Đỗ Chu đã trở lại với tập Tản mạn trước đèn. Lấy nguồn cảm hứng từ các sự kiện quan trọng của đất nước trong thế kỷ mới, Đỗ Chu thể hiện niềm vui, niềm tự hào lẫn những trăn trở và chiêm nghiệm. Đất nước đổi mới và hội nhập với thế giới hiện đại là hướng đi phù hợp với xu thế lịch sử. Là một nhà văn mẫn cảm, Đỗ Chu nhận thấy Việt Nam chính thức bước vào AFTA là một “bước đi dũng cảm của dân tộc mình, của Đảng mình.” [19, tr.6] Ông cho rằng đã đến
lúc “chúng ta bắt đầu nhảy xuống biển cùng bơi với các dân tộc trong khu vực.” [19, tr.5] Hình tượng sinh động này cho ta hình dung dân tộc ta đã bước vào một cuộc chơi bình đẳng và tự
nguyện, nhưng sự cạnh tranh sẽ không kém phần khắc nghiệt, niềm vui và thách thức đang song hành. Đỗ Chu đã suy tư cùng bước đi của dân tộc : “Đây cũng có thể xem như là một cái mốc lịch sử mang ý nghĩa mở đầu cho một vận hội mới. Trước mắt chúng ta là những cơ hội cùng những thách thức, những xô đẩy lớn, vượt qua nó chúng ta sẽ càng thêm hiểu mình, hiểu người, thêm sự nếm trải càng thiết để trở nên sâu sắc và vững vàng”. [19, tr. 7]
Trong thiên tùy bút Một con người đã ra đi, Đỗ Chu đã ghi nhận lại một sự kiện quan trọng : “Vào lúc một giờđêm, theo giờ Hà Nội, khi tôi sắp kết thúc bài viết gọi là để tưởng nhớ
Văn Cao, thì tại Oa-sinh-tơn, tổng thống Bill Clin-tơn đã ra tuyên bố chính thức, nước Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường và đầy đủ với Việt Nam.” [19, tr.176] Kèm theo sự kiện đó là niềm tự hào của Đỗ Chu và của cả dân tộc: “Có nghĩa là nước siêu cường cuối cùng trên thế
giới bắt đầu công nhận chủ quyền của Việt Nam. Đây là một sự kiện rất đáng vui mừng. Đây cũng là thành quả tốt đẹp và xứng đáng mà dân tộc đã gặt hái được sau nửa thế kỷ quật cường với không biết bao nhiêu hy sinh mất mát và hoàn toàn có quyền kiêu hãnh.” [19, tr.176]
Trước mùa xuân mới của đất nước, Đỗ Chu đã tổng kết và thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn đọng và hạn chế đã kéo ghì một đất nước đi xuống. Ông đề cập đến một vấn đề mang tầm quốc tế ảnh hưởng đến Việt Nam đó là “cơn bão tiền tệ, là sự khủng hoảng kinh tế mang quy mô toàn cầu, nó đã được hình thành và nổi lên dữ dội ở ngay chính các nước trong khu vực chúng ta.” Ông bình luận tính chất của nó “tưởng như vô hình nhưng lại có sức tàn phá còn nguy hại hơn gấp bội”. [19, tr.251] Những vấn đề trên được phản ánh ngay sau khi sự kiện quan trọng ấy diễn ra nên mang tính kịp thời và sát thực. Điều đó chứng tỏ ngòi bút Đỗ Chu luôn phản ứng nhạy bén trước diễn biến phức tạp của xã hội.
3.1.4.2Những vấn đề nóng bỏng của xã hội
Nhìn lại năm vừa qua, không thể không nhắc đến tình trạng thiên tai lũ lụt hoành hành thế giới và ập đến Việt Nam. Vấn đề thiên tai, bão lụt cũng đã được Đỗ Chu nhắc đến trong tùy bút Hoa trước thềm văn và Tản mạn trước đèn : “Suốt mùa hạ và mùa thu, cả khu vực miền Trung gặp bão lụt lớn, một cơn bão lụt mang ý nghĩa thế kỷ với sức tàn phá lớn hơn bất kỳ một trận bom nào trong thời chiến. Đây cũng là một bài học đau xót cho sự tàn phá môi trường sinh thái kéo dài liên miên…” [19, tr.251]
Bên cạnh thiên tai, bão lũ là tình trạng đất nước trong thời buổi kinh tế thị trường: sức ép dân số, sự ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội và sự suy đồi đạo đức, sự xuống cấp và thoái hóa trong giáo dục. Cái nhiễu loạn của xã hội được Đỗ Chu phản ánh như sau : “mới sáng ra…mà tiếng còi xe, tiếng người inh ỏi, huyên náo cả một vùng. Sức ép dân số không ai là không cảm thấy …một ông trẻ báo bán từ đâu khuyệnh khoạng hiện ra, chiếc loa điện gắn trên ghi đông xe đạp oang oang chạy những tin tức sốt dẻo nghe mà nổi gai ốc. Ở đâu đó vừa triệt phá hoàn toàn một ổ mại dâm trá hình có quy mô cấp tỉnh, và ở đâu đó có chuyện quan tòa thông đồng với phạm nhân, luật sư bào chữa tống tiền thân chủ của mình…” [19, tr.267] Đó là chuyện báo chí. Còn chuyện hiển hiện ngay ra trước mắt Đỗ Chu những lối sống mờ ám – nảy sinh trong thời buổi mở cửa: “Trên con đê sông Hồng nay đã thành đường phố, nhà tầng mọc lên nhấp nhô, phần lớn là nhà nghỉ, cửa đóng im ỉm, nom rất bí hiểm. Nhà nào cũng có treo biển đề tên, cái là Hoa Hồng, Bông Sen, cái là Hoa Mua, Hoa Sim, cái là Chiều Tím, Đêm Sương…Những chữ mập mờ khơi gợi, nghe nửa bẩn nửa sạch, nửa tin cậy nửa rất đáng nghi ngờ, giống như những ông bà trẻ buổi trưa từ các nhiệm sở gọi nhau đi ăn cơm bụi xong là dắt nhau qua đó.” [19, tr.152] Những tệ nạn xã hội đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh những thay đổi tích cực, cởi mở vềđời sống kinh tế, văn hóa, còn có không ít những tiêu cực phát sinh. Tệ nạn xã hội đã thâm nhập và
ẩn náu ở từng thôn, làng, ngõ xóm như cái làng Niềm vốn trước đây rất giàu bản sắc văn hóa.
Đĩ điếm, tiêm chích ma túy rình rập thế hệ trẻ. Một bé gái chừng 15 hay 16 tuổi đã có lối sống buông thả, vô tâm, không chồng, hai lần sinh con hai lần đem đi bán mà không hề thấy xót xa, không hề có cảm giác tội lỗi. Cô bé ấy còn buông những câu dạy khôn thể hiện sự sành điệu, sành đời : “Chú là nhà văn mà lẩn thẩn thế, theo kịp làm sao được bước đi của thời đại, bị cuộc sống bỏ tụt hậu là cái chắc”. [19, tr.321] Trước một thực trạng như thế, thử hỏi ai không thấy trăn trở và yên lòng?
Ngược dòng lịch sử, Đỗ Chu bàn về “cái sự học”. Ông cha ta luôn quan tâm, chăm lo cho đạo học ngày một vững bền, bởi “nhìn vào thịnh suy của Đạo học mà thấy ra sự thịnh suy của xã tắc”. Sự hưng thịnh của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào tầng lớp trí thức hiền tài,
“giường cột” của đất nước mà còn chủ yếu phụ thuộc vào trình độ dân trí chung. “Nó vừa là cái trần nền, một khi cái trần và cái nền đều còn thấp thì hết thảy đặt trên nó đều thấp theo, không thể tính đến chuyện nhảy vọt chặn đầu đi tắt bỏ qua giai đoạn, tính toán thế là tự lừa
mình”. [21, tr.309] Chính vì vậy ngay từ những năm tháng mới giành được độc lập, tự do, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân đồng loạt bắt tay vào tiêu diệt “giặc đói và giặc dốt”. Phong trào bình dân học vụ được phát động sâu rộng trong quần chúng đã đạt được những kết quả khả quan. Đỗ Chu đã nhắc lại bài học thực tiễn đó trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí là cần thiết và trở thành quốc sách. Nhưng đào tạo, giáo dục như thế nào là một vấn đề quan trọng, phức tạp và nan giải hơn. Đỗ Chu đề cập đến nạn “bằng giả bằng thật” trong xã hội và
đưa ra ý kiến thiết thực : “Cần phải biết xem người từ công việc họ làm, chỉ xem người qua bằng cấp, qua các danh hiệu thì chưa đủ, rất dễ hời hợt, giáo điều, là mắc vào lối nhìn duy hình thức, rất dễ bị mắc lừa.”[19, tr.256] Tuy nhiên, “sự học là cả đời”, vì vậy chúng ta cần phải hội đủ tính kiên trì, bản lĩnh, trách nhiệm, ý chí và nghị lực : “Không chỉ cần có tinh thần trách nhiệm cao...mà còn cần phải có đầy đủ lòng dũng cảm,...ý chí và nghị lực, phải có đức hy sinh lớn, phải có cái phẩm chất nhẫn của những tri thức có tầm nhìn xa.” [19, tr.261] Nhưng cái quan trọng nữa là cần phải có định hướng, mục tiêu, nhìn thấu được cái đích để biết phải bắt
đầu từ đâu. Đỗ Chu đã nhắc đến hai nhân vật tiêu biểu trong lịch sử dân tộc ta là Chu Văn An và Lê Quý Đôn. Qua đó ông muốn : “Đề cao thực học, coi trọng những giá trị thật, khắt khe
đòi hỏi ở chính mình, đấy là những phẩm chất quý báu trong Đạo học.” [19, tr.262] Nhìn lại đồ
thị giáo dục của nước nhà, Đỗ Chu chạnh buồn. Ông lo lắng, trăn trở, muốn tìm một “lối ra” cho nền giáo dục nước nhà. Điều này không dễ dàng vì Đỗ Chu nhìn thấy “sự bế tắc và bất cập của một mô hình xã hội lạc hậu có tính hệ thống.” [19, tr.266] Việc chọn mặt gửi vàng trong giáo dục là điều tối cần thiết, như Đỗ Chu đã phân tích : “Chọn lựa những cái gì để dạy là vô cùng khó. Người ta gọi nó là lập chương trình, là công việc của các ông thầy lớn, không phải bạ ai cũng gọi về giao phó được.” [19, tr.265] Đấy là sự coi trọng người hiền tài. Đỗ Chu đã từng khẳng định vai trò của những bậc trí giả, những hiền tài trong công cuộc xây dựng đất nước : “ Một đám đông ầm ĩ sẽ chẳng đi đến đâu nếu trong đó không có những trí giả. Một người hay lo bằng kho người hay làm là thế. Cho nên một khi đã dám coi rẻ người hiền tài thì sự lú lẫn, sự hỗn loạn ắt sẽ là một thực trạng không sao tránh khỏi.” [19, tr.130] Cho nên Đỗ
Chu đã nêu lên quan điểm của mình cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ngành giáo dục cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo. Đó là phải tìm hiểu các học trò ưu tú, từng
góp gì cho đất nước khi họ trưởng thành. Điều này cần thiết để không lãng phí, chảy máu chất xám.
Giáo dục suy thoái thì đạo đức, nhân phẩm con người cũng sẽ tụt dốc không phanh hãm.
Đỗ Chu phê phán và cảnh báo về sự suy thoái nhân phẩm : “Văn hóa của chúng ta những ngày này đang có những biểu hiện rất đáng báo động, chung quy nó là sự suy thoái nhân phẩm, là dấu hiệu hoảng hốt trong đời sống tinh thần, và cái ác đang có nguy cơ bị o bế, nó tìm thấy những điều kiện để lên men.” [19, tr.193] Đỗ Chu vạch ra những sa sút phẩm hạnh của một bộ
phận không nhỏ cán bộ trong Đảng. Đó chính là nguyên nhân của nạn tham nhũng, thói hoang phí ngông cuồng, thói cửa quyền kiêu ngạo, mất dân chủ, bất chấp mọi đạo lý và nhiều khi đi tới bất nhân, bất nghĩa. Đây quả là những thách thức lớn trên con đường đổi mới. Nguyên nhân của sự sa sút đó như Đỗ Chu đã nhận ra là do quyền lực vạn năng của đồng tiền trong đời sống hiện tại. Đỗ Chu nhìn thấy sự lên ngôi độc tôn của đồng tiền : “Đợi đến lúc nó sẽ là đầu tiên ở
mọi việc, mọi chỗ, ấy sẽ là lúc hỏng bét, hỏng không cứu vãn.” [19, tr.129] Và vì đồng tiền mà có những thực tế đáng buồn : “Nhiều năm tháng vừa qua chúng ta cũng lại đã từng có lúc bất chấp cả truyền thống nề nếp, bất chấp những giá trị thật sự là rất tốt đẹp.” [19, tr.130] Có những cán bộ đánh mất lương tri, lòng tự trọng, sẵn sàng phạm pháp để đổi lấy sự giàu sang. Những kẻ như thế“lên voi xuống chó nhưng cảnh nhà sung túc lắm, ông chồng đi tù nhưng mà tiền bạc vẫn cất kín ở nhà…hy sinh đời bố củng cố đời con là cách sống ông đã kiên trì lựa chọn.” [21, tr.261]