NIỀM ƯỚC AO VỀ MỘT CUỘC SỐNG THANH NHÀN

Một phần của tài liệu NGUYỄN DU VÀ CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ QUA THƠCHỮHÁN (Trang 43 - 48)

CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ VỚI NHỮNG NỖI NIỀM RIÊNG

2.3. NIỀM ƯỚC AO VỀ MỘT CUỘC SỐNG THANH NHÀN

Một mình nơi chân trời, thân bị một chức quan cột chặt, chốn quan trường lắm nhiễu nhương, hiện thực đầy những cảnh đau lòng, chừng ấy tâm sự ngổn ngang khiến nhà thơ không lúc nào vui. Giữa chốn quan trường hiện lên hình ảnh của một vị quan thâm trầm, lặng lẽ, ôm mối cô độc, u uất trong lòng mơước có được cuộc sống tự do tự tại chốn quê nhà.

Nỗi buồn và sự cô độc đã xuất hiện từ những ngày đầu làm quan nay tràn ngập ở tập Nam trung: ông đóng cửa phòng văn, tạ từ không tiếp bạn thân; đêm nằm lắng tiếng mưa rơi, lấy nỗi buồn mà chống chọi với cái rét đêm xuân. Bài thơNgẫu thư công quán bích nói lên tình cảnh thật đáng thương:

Xuân tòng giang thượng lai hà xứ, Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan. Mãn địa phồn thanh văn dạ vũ, Nhất sàng cô muộn địch xuân hàn.

(Ngẫu thư công quán bích II)

Người nương thân chốn chân trời, một chức quan cột chặt

Đêm nghe tiếng mưa sầm sập khắp mặt đất

Trên một chiếc giường, nỗi buồn cô đơn chọi lại cái rét đêm xuân.)

Hình ảnh nhà thơ trong đêm khuya cô tịch buồn rầu một mình đối bóng cứ trở đi trở lại như một ám ảnh:

Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh, Mãn sàng trệ vũ bất kham thinh.

(Tống nhân)

(Trong đêm khuya cô tịch buồn rầu một mình đối bóng, Nghe mưa dầm đầy giường không sao chịu nổi.)

Đêm khuya. Mà lại là một đêm mưa. Khung cảnh tự nó đã khơi gợi bao nỗi niềm. Tiếng mưa dầm làm người không ngủđược, một mình đối bóng để tự lắng nghe những thác lũ của cõi lòng.

Cũng đã từng có một đêm mưa nhiều tâm tư như thế:

Thu khí hòa đăng thất thự minh, Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh. Tự tri tam thập niên tiền thác, Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.

(Hơi thu hòa vào ngọn đèn làm mờđi ánh sáng ban mai, Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn. Tự biết sai lầm của mình ba mươi năm trước,

Đành ôm nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi.)

Đó là đêm mưa đầy ám ảnh trong bài thơ Dạ vũ của nhà vua Trần Minh Tông. Người ngồi đó, gần trọn đêm mưa mà nghĩ về những sai lầm của mình ba mươi năm trước! Nhịp mưa rơi làm cho lòng người thêm dằn vặt; nhịp mưa và nhịp buồn bã, hối hận của lòng người, cả hai có sự hòa điệu. Nó làm cho bài thơ mang một âm điệu trầm, thấm thía; hé mở cho mọi người thấy được chiều sâu tâm hồn và vẻđẹp nhân cách của một vị vua.

Hai đêm mưa, mỗi người một nỗi niềm, song đó đều là những con người thao thức trước cuộc

đời. Nỗi niềm thao thức ấy khiến họ trở thành những nhân cách lớn.

Nguyên nhân nỗi u hoài không cách gì gỡ ra được của nhà thơ không phải chỉ do sự bất đắc chí

đối với chốn quan trường. Nó là hệ quả của những dư chấn không dứt từ những dâu bể cuộc đời cứ liên tiếp ập đến tâm hồn cả nghĩ Nguyễn Du. Chốn quan trường nhiễu nhương, những dâu bể của cuộc đời

dồn dập, vòng lợi danh chật chội, cho nên cũng dễ hiểu vì sao vị quan họ Nguyễn luôn thiết tha mong

được trở về quê nhà.

Nỗi nhớ nhà là một tình cảm thường trực bởi một mình Nguyễn Du phải vào phương Nam làm quan, vợ con và gia đình vẫn ở lại quê hương:

Lô hoa sơ bạch cúc sơ hoàng, Thiên lí hương tâm dạ cộng trường. Cưỡng khởi thôi song vọng minh nguyệt Lục âm trùng điệp bất di quang.

(Ngẫu hứng II)

(Hoa lau vừa bạc hoa cúc vừa vàng

Lòng nhớ quê nơi ngàn dặm xa cùng dài với đêm dài, Gượng dậy đẩy song cửa ngắm trăng sáng

Bóng cây xanh trùng điệp làm ánh trăng không lọt qua được.)

Một đêm thu dài, người ngắm trăng sáng mà lòng nhớ quê ở nơi ngàn dặm xa. Trăng sáng làm người thêm nhớ quê hay chính bởi lòng nhớ quê mà người mới biết đêm dài, trăng sáng. Nỗi niềm của Tố Như làm ta nhớ đến nỗi niềm của Lí Bạch cũng trong một đêm trăng sáng:

Sàng tiền minh nguyệt quang Nghi thịđịa thượng sương. Cửđầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

(Tĩnh dạ tư)

(Đầu giường trải đầy ánh trăng bạc Mà ta ngỡ là sương thu buông. Ngẩng đầu ngắm trăng sáng, Cúi đầu nhớ tới quê nhà.)

Đêm thanh tĩnh, nhà thơ không ngủđược, có biết bao nhiêu nỗi niềm hoài cảm đến với ông. Vầng trăng sáng khơi gợi tình quê, khiến lòng người vấn vương, dào dạt. Tố Như hay Lí Bạch cũng vậy, vầng trăng đẹp phương xa không thể làm nhạt nhòa tình quê sâu nặng trong tâm hồn.

Không chỉ trong một đêm trăng đẹp, dù đang ở đâu, Tố Như cũng luôn ngoảnh về phía quê nhà với ánh nhìn tha thiết:

Đông vọng giang đầu vọng cố giao, Phù vân vô định thủy thao thao.

(Ngẫu thư công quán bích III)

Mây nổi trôi vô định nước chảy cuồn cuộn.)

Giang thành nhất ngọa duyệt tam chu, Bắc vọng gia hương thiên tận đầu.

(Tân thu ngẫu hứng)

(Nằm ở thành bên sông chốc đã ba năm, Trông về bắc quê nhà ở tận cuối trời.)

Hồi thủ cố hương thu sắc viễn,

Hoành Sơn vân thụ chính thương thương.

(Giang đầu tản bộ II)

(Ngoảnh đầu nhìn quê nhà, màu thu xa

Khói mây cây cối trên Hoành Sơn đương một màu xanh xanh.)

Vọng ngoại Hồng Sơn tam bách lí Tương tòng hà xứ vấn tiền lân. (Ngẫu đắc) (Trông ra Hồng Sơn cách ngoài ba trăm dặm Biết chốn nào hỏi thăm láng giềng cũ.) Cố quốc hà sơn khan lạc nhật, Tha hương thân thế thác phù vân.

(Thu nhật kí hứng)

(Sông núi quê nhà nhìn trong cảnh mặt trời lặn, Thân thế nơi đất khách gửi đám mây nổi.)

Thiên Nhẫn Hoành Sơn nhất đái hà, Bạch vân hồi thủ cách thiên nha.

(Đại tác cửu thú tư qui)

(Hoành Sơn và Thiên Nhẫn cùng trên một dải sông, Ngoảnh nhìn mây trắng xa cách tận bên trời.) Có lúc nỗi nhớ làm không gian như thêm xa thăm thẳm:

Vọng vọng gia hương tự nhật biên, Hoành sơn chỉ cách nhất sơn điên.

(Trông ngóng về quê nhà xa tựa nhưở bên mặt trời Nhưng chỉ cách một ngọn núi trong dãy Hoành sơn.)

Chỉ cách một dãy núi mà xa tựa như ở bên mặt trời! Không gian lúc này đâu còn là không gian

địa lý mà đã trở thành không gian tâm tưởng! Người càng trông ngóng thì đường càng xa diệu vợi. Cố

hương ở đây đâu chỉ đơn thuần là nơi quê cũ. Mà đó là hình ảnh về một thế giới khác hẳn với thế giới nhà thơ đang hiện diện; đó là nơi nhà thơ có những ngày bay nhảy tự do cùng sông Lam núi Hồng, cùng rau thuần cá vược, cùng đàn âu trắng, cùng cây tùng tảng đá… Lòng nhớ quê lồng trong tấm lòng tiếc nuối về một cuộc sống giản dị, đạm bạc đã qua cho nên càng ám ảnh, da diết!

Nỗi nhớ nhà, nhớ quê của Nguyễn Du không đơn thuần chỉ là tình cảm gia đình, quê hương. Tình cảm ấy gắn liền với mong muốn được sớm rời xa chốn tường mận vườn đào mà trở về với cuộc sống tự

do tự tại nơi quê nhà. Nỗi mong muốn ấy trở thành một niềm ao ước thường trực và khắc khoải trong những ngày tháng làm quan:

Kim cổ nhàn sầu lai túy hậu Thuần lô hương tứ tại thu tiên.

(Dạ tọa)

(Nỗi buồn man mác về xưa nay, lại đến sau khi say

Nhớđến hương vị rau thuần cá vược ở quê nhà lúc đầu thu.)

Hương vị rau thuần cá vược là hương vị của cuộc sống đạm bạc, an nhàn ở quê nhà. Nhớ hương vịấy cũng là nhớ tiếc cuộc sống giản dị mà tự do tự tại ngày nào.

Đã có lúc niềm nhớ tiếc dâng lên dồn dập thành ước muốn được treo mũ từ quan mà ra đi, được làm bạn cùng hươu nai dưới mây xuân, được hưởng thọ vui với đàn với rượu:

Xuân vân mãn kính quần mi lộc, Thu đạo đăng trường đốc tử tôn. Ngã dục quải quan tòng thử thệ, Dữ ông thọ tuế lạc cầm tôn.

(Tặng nhân)

(Mây xuân đầy đường nhỏ làm bạn cùng hươu nai Mùa thu gặt lúa, ra đốc thúc con cháu.

Ta cũng muốn từđây treo mũ áo từ quan mà ra đi, Cùng ông hưởng thọ vui với đàn với rượu.)

Nhưng cuộc sống an nhàn, ấm áp ấy dường như không phải dành cho Nguyễn Du. Cho nên mơ ước vẫn chỉ là mơước. Hiện thực khô khan chặt đứt giấc mộng phiêu bồng. Chuyện đời đã cột chặt mái

đầu bạc nơi đất khách. Vị quan tự cảm thấy hổ thẹn vì mình đã phụ làn mây núi Hồng (Giản Công bộ

Tha hương bạch phát lão bất tử, Tạc tuế hoàng hoa kim cánh sinh. Vị ngã Hồng Sơn tạ tùng thạch, Tái vô diện mục kiến đồng minh.

(Tạp ngâm) (Bạc đầu nơi đất khách, già nhưng chưa chết

Cúc vàng năm ngoái năm nay lại nở.

Vì ta hãy tạ từ với cây tùng tảng đá ở Hồng Sơn,

Ta không còn mặt mũi nào trông thấy các bạn đồng minh nữa.)

Thẹn rồi cũng chỉ biết tự trách mình, tự cười mình. Ông trách mình phụ lòng đàn âu trắng, cười mình lỗi hẹn thanh nhàn nhưng cũng phân trần rất thành thật rằng mình luôn canh cánh bên lòng lời thề

với cây tùng tảng đá ở Hồng Sơn và cũng không bao giờ có thể quên mùi vị của rau thuần cá vược của sông Lam.

Như vậy, có thể nói, trong quãng thời gian làm quan ở phía Nam, Nguyễn Du không hề có một phút giây thanh thản. Nguyễn Du từng mang chí lăng vân để bước vào đời, khát khao được dấn thân,

được cống hiến; song, nhìn hiện thực nhiễu nhương chốn quan trường, ông ngao ngán ngoảnh đầu về

phía cố hương. Muốn ca khúc quy khứ lai từ nhưng tiếng kêu khóc vì đói của mười miệng trẻ lại vang lên, hình ảnh những người hành khất đến từ thành Thăng Long áo rách nón xơ sắc mặt xám như tro

(Ngẫu hứng V), cảnh tượng xương tàn trăm trận đánh nằm trong bãi cỏ xanh (Độ Linh Giang) lại khiến nhà thơ không thể yên tâm mà vui với đàn với rượu. Trong những năm tháng làm quan này, Nguyễn Du luôn trĩu nặng ưu tư vì bất đắc ý. Ông chán ngán vòng lợi danh, ao ước có được cuộc sống thanh nhàn nhưng lại không yên tâm làm một Hồng Sơn liệp hộ chốn quê nhà, gạt bỏ sau lưng mọi ba

động của cuộc đời. Cho nên, vị đại quan vẫn đứng đấy, giữa những nhiễu nhương, giữa sóng gió cuộc

đời để mà ưu tư, để mà đau khổ, để lo mãi chuyện nghìn năm. Nguyễn Du bị giới hạn bởi thời đại nhưng lại vượt xa hơn thời đại, chính là ở nỗi đau khổ lớn ấy!

Một phần của tài liệu NGUYỄN DU VÀ CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ QUA THƠCHỮHÁN (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)