MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ Ở VIỆT NAM
3.2. NHU CẦU VÀ KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG VỐN QUA THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
Trong Nghị quyết của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta giai đoạn 2001 đến 2010 là: Đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường, thể chế kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Muốn đạt được các mục tiêu chiến lược nói trên, một trong những nhân tố có tính quyết định là phải có vốn để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó vốn trong nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn vốn vay nước ngoài cũng rất quan trọng. Theo quyết sách chỉ đạo của các kỳ đại hội Đảng gần đây cho thấy một trong những tiền đề thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải tạo ra được nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế, huy động vốn và sử dụng vốn có hiệu quả. Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra cần phải có những giải pháp tích cực để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong nước và ngoài nước đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đưa tổng GDP tăng gấp đôi năm 2000, đạt khoảng 930 nghìn tỷ đồng vào năm 2010. Trong giai đoạn 2001-2010, theo nhận định và đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hệ số ICOR (hệ số giữa tốc độ gia tăng vốn đầu tư với tốc độ gia tăng GDP) của nước ta là 4 - 4,2, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này vào khoảng 155-165 tỷ USD, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 65% (100-105 tỷ USD); nguồn vốn nước ngoài khoảng 35% (55- 60 tỷ USD) tốc độ đầu tư tăng bình quân hàng năm từ 10 - 12% nâng tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 30- 32% GDP. Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, nhu cầu huy động vốn cho các chương trình phát triển kinh tế giai đoạn 2001- 2005 Việt Nam cần khoảng 850 - 980 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu đầu tư trên được đáp ứng bằng nhiều
nguồn vốn khác nhau, trong đó nguồn vốn trong nước đóng vai trò quan trọng. Tổng vốn đầu tư xã hội và tỷ trọng vốn đầu tư giai đoạn 2001-2005 như sau:
Tư nhân và dân cư
Vốn huy động khác Tín dụng NN DNNN NSNN FDI Nguồn: Bộ Tài chính
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khả năng thu NSNN giai đoạn 2001-2005 là 21.25% GDP, chi NSNN đạt 26,25% GDP, như vậy bội chi NSNN vào khoảng 5% GDP. Trên thực tế thì nhu cầu huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển phụ thuộc vào mức độ thâm hụt NSNN và nhu cầu đầu tư phát triển trong từng thời kỳ. Theo dự báo của Bộ Tài chính giai đoạn 2006 - 2010 tỷ lệ động viên vào NSNN phấn đấu đạt 21,1% GDP, trong đó chi NSNN là 26,1 % GDP bội chi NSNN khống chế ở mức 5% GDP; theo cách tính này thì nhu cầu vay trong nước là khoảng 4% GDP vay nước ngoài khoảng 1% GDP, như vậy nhu cầu vay trong nước thông qua phát hành TPCP giai đoạn 2006 - 2010 ước tính vào khoảng 100.190 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ phát hành TPCP sẽ hướng vào hai nhóm đối tượng chủ yếu là các tầng lớp dân cư và doanh nghiệp; trong năm 2004-2005 chủ yếu phát hành TPCP trung hạn, từ 2006 trở đi khi thị trường chứng khoán tập trung hoạt động ổn định tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng với việc dần hình thành thị trường OTC ở một số thành phố lớn
khác, Bộ Tài chính sẽ phát hành nhiều loại TPCP, trong đó TPCP dài hạn sẽ chiếm tỷ trọng cao.
Xuất phát từ khuôn khổ, định hướng phát triển thị trường TPCP, nhu cầu và khả năng huy động vốn để phát triển kinh tế qua thị trường TPCP; ở Việt Nam trong thời gian tới, để phát triển và hoàn thiện thị trường TPCP cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau.
3.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN THỊ TRƯỜNGTRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ Ở VIỆT NAM TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ Ở VIỆT NAM
3.3.1. Tạo lập một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định
Sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô là yêu cầu cấp thiết khách quan để phát triển thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPCP nói riêng. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, thu nhập và tiết kiệm của người dân sẽ tăng lên dẫn đến tăng lượng cầu TPCP. Một quốc gia có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đều đặn, lãi suất trên thị trường vốn, tỷ giá hối đoái và lạm phát được kiểm soát chặt là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và là điều kiện lý tưởng để huy động vốn thông qua việc phát hành TPCP; phải kiểm soát tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý vì tỷ lệ lạm phát cao sẽ làm tăng cầu các tài sản như vàng, bất động sản và giảm mức cầu về trái phiếu, nếu lạm phát cao trái phiếu sẽ kém hẫp dẫn đối với nhà đầu tư vì lãi suất thực bị giảm xuống và rủi ro sẽ tăng lên; phải duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định vì nếu lãi suất trái phiếu quá cao hoặc quá thấp gây trở ngại cho việc phát triển thị trường trái phiếu, khi lãi suất đầu tư tăng lên thì nhà đầu tư sẽ điều chỉnh các danh mục đầu tư của họ thiên về hướng các tài sản tạo ra mức sinh lợi cao và rủi ro thấp dẫn đến cầu trái phiếu giảm xuống, mặt khác khi lãi suất trái phiếu thấp thì khả năng thu hút các nhà đầu tư sẽ không cao. Ở Việt Nam, để phát triển thị trường TPCP, Nhà nước cần quan tâm ổn định các thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường bất động sản…đây là những thị trường có quan hệ hữu cơ với nhau, hoạt động với cơ chế bình thông nhau và có tác động không nhỏ đến hoạt động của thị trường
chứng khoán. Để tạo lập một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cần có chính sách kinh tế, chính sách tài chính tiền tệ phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước và xây dựng một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ đảm bảo thống nhất việc quản lý TPCP và thị trường TPCP cụ thể:
- Thứ nhất, xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ, hữu hiệu, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế, đủ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho NSNN trong việc huy động vốn và cho các tổ chức tài chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán. TPCP phải trở thành công cụ hàng đầu để quản lý nợ của Nhà nước, điều tiết các nguồn tài chính thúc đẩy hoạt động có hiệu quả của thị trường tiền tệ, thị thị trường chứng khoán.
- Thứ hai, phải thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, các
thành phần kinh tế phải có nghĩa vụ với Nhà nước và được đối xử bình đẳng. Thành phần kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, các thành phần kinh tế khác giữ vai trò quan trọng. Cải tiến cơ chế cấp phát tài chính bằng cách hạn chế, tiến tới loại bỏ sự bao cấp, hỗ trợ về vốn dưới mọi hình thức đối với các doanh nghiệp Nhà nước đặc biệt là các tổng công ty lớn; ngoài việc cấp phát trực tiếp một phần, phần còn lại nên thông qua hình thức phát hành trái phiếu đầu tư có lãi suất hợp lý để các chủ đầu tư tính toán sử dụng vốn tiết kiệm và hoàn trả lợi nhuận khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác. Quan tâm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thành phần kinh tế này phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển; khơi dậy tiềm năng của các thành phần kinh tế trong quá trình phát triển kinh tế, tiếp tục cải cách, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện chế độ kế toán, kiểm toán doanh nghiệp. Quán triệt quan điểm phát triển bền vững trên các lĩnh vực của nền kinh tế, hạn chế thấp nhất những biến đổi bất lợi trong quá trình phát triển kinh tế.
- Thứ ba, duy trì và thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ một cách hiệu quả.
Nhà nước cần có những can thiệp kịp thời và phù hợp với những thay đổi thường xuyên của nền kinh tế; phát triển nền kinh tế đi theo đúng định hướng qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho xã hội, kiểm soát được lạm phát.
- Thứ tư, quán triệt quan điểm cải cách hành chính Nhà nước, nâng cao chất
lượng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của các Bộ, Ngành, các cấp chính quyền từ TW đến địa phương. Đào tạo mới, hoàn thiện và nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ Lãnh đạo và cán bộ làm công tác quản lý.