MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ Ở VIỆT NAM
3.3.3.3. Đối với hình thức bảo lãnh phát hành
Trong các phiên bảo lãnh phát hành các nhà đầu tư và chủ thể phát hành được đàm phán, thoả thuận công khai về các điều khoản của trái phiếu. Vấn đề cần quan tâm hiện nay chính là phải mở rộng các nhà đầu tư thuộc hiệp hội bảo lãnh phát hành trái phiếu ở thị trường thứ cấp. Ngoài ra khuôn khổ pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức bảo lãnh trong việc phân phối trái phiếu ra công chúng. Xác định rõ điều kiện để các định chế tài chính được tham gia bảo lãnh phát hành TPCP. Đối với Việt Nam, do các công ty chứng khoán đều mới được thành lập, quy mô vốn còn nhỏ; do đó, tổ chức bảo lãnh phát hành TPCP nên tập trung vào các NHTM, bởi vì chỉ có các NHTM mới đáp ứng đủ các yêu cầu về vốn và công nghệ. Cần xây dựng cơ chế ràng buộc với các tổ chức bảo lãnh chào bán trái phiếu ra công chúng, quy định rõ tỷ lệ nắm giữ trái phiếu đối với các tổ chức bảo lãnh phát hành nhằm hạn chế tình trạng găm giữ TPCP. Áp dụng hình thức thích hợp để lựa chọn tổ chức bảo lãnh phát hành TPCP cụ thể: Đấu thầu để chọn nhà bảo lãnh, nhà bảo lãnh nào đưa ra giá cao nhất thì được chọn, lựa chọn nhà bảo lãnh phát hành căn cứ vào uy tín và khả năng phân phối trái phiếu ra công chúng. Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc định giá trái phiếu và mức chi phí cho việc phân phối trái phiếu ra công chúng
+ Ngoài ra, cần đa dạng hoá thị trường phát hành TPCP bên cạnh việc phát hành TPCP ở thị trường trong nước cần phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Theo đánh giá của Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm OECD thì định mức tín nhiệm của Việt Nam hiện nay ở mức BB, song để phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế đạt kết quả tốt vấn đề cơ bản và lâu dài đối với Việt Nam là phải tiếp tục nâng cao định mức tín nhiệm lên. Phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế là một hình thức vay thương mại của Chính phủ Việt Nam, để sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ khi đến hạn cần phải xác định rõ mục đích, đối tượng sử dụng vốn vay. Ngoài ra, nếu nguồn vốn ODA phần nào đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong nước, thì việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế cũng cần phải có giới hạn, ODA là vốn tài trợ và vay ưu đãi còn phát hành TPCP ra thị trường quốc tế là một hình thức vay thương mại nó phải tuân thủ theo các điều kiện tín dụng trong môi trường cạnh tranh cao.