CHƯƠNG II: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DỰ TRỮ MẶT HÀNG LƯƠNG THỰC TẠI CỤC DỰ TRỮ
2.2.1. Thực trạng nghiên cứu, dự báo vấn đề lương thực của nền kinh tế
DTQG là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà Nước nhằm ứng phó với những tình huống xấu xảy ra trong tương lai. Tương lai thì luôn biến động, do vậy để có đủ lương thực nhằm khắc phục những khó khăn đó thì việc nghiên cứu, dự báo vấn đề lương thực của nền kinh tế là một hoạt động quan trọng đối với DTQG. Nghiên cứu và dự báo sẽ là cơ sở để xác định trong năm tới sẽ phải dự trữ bao nhiêu lương thực là đủ, dự trữ ở đâu là hợp lý.
Hiện nay tại cục DTQG phụ trách công tác nghiên cứu và dự báo này do ban Kế hoạch - Tổng hợp đảm nhiệm. Trong quá trình dự báo có phối hợp với một số Bộ, Ngành liên quan và do bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt. Cụ thể công tác này được tiến hành như sau:
- Ban Kế hoạch - Tổng hợp tổng kết tình hình thực tế khắc phục hậu quả thiên tai của một số năm trước đó, phối hợp với Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia nhằm xác định lượng lương thực cần phải có để đáp ứng nhu cầu khắc phục
hậu quả thiên tai cho năm tới.
- Ban Kế hoạch - Tổng hợp phải dự kiến được lượng lương thực sẽ phải xuất ra để viện trợ năm kế hoạch là bao nhiêu. Lương thực DTQG chủ yếu xuất viện trợ cho bốn nước là: Cuba, Lào, Campuchia, Triều Tiên.
- Ban Kế hoạch - Tổng hợp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá sản lượng lương thực hàng năm nhằm đảm bảo hài hoà giữa lượng lương thực xuất khẩu và lượng lương thực đưa vào DTQG. Việc xác định lượng hàng hoá lương thực phải đảm bảo được tình hình an ninh lương thực quốc gia.
Mục đích của công tác này là xác định được trong năm tới lượng lương thự cần nhập bao nhiêu, xuất cứu trợ, viện trợ là bao nhiêu. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nhập - xuất lương thực cho năm tới cho phù hợp.
Trong những năm qua, hoạt động dự báo đã góp một phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động DTQG. Lượng lương thực DTQG xuất cứu đói, cứu trợ đã đáp ứng được 100% nhu cầu khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng của công tác nghiên cứu và dự báo còn chưa cao, thiếu tính hệ thống. Do khả năng ngân sách Nhà Nước có hạn, công tác nghiên cứu và dự báo chưa tính được lượng lương thực tham gia bình ổn thị trường và những tình huống địch hoạ. Vì vậy cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, việc xác định lượng lương thực này cần phải được chú trọng và khắc phục.