CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU HÀNG NÔNG SẢN CỦA CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU
3.1.1. Đánh giá hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam
3.1.1.1. Cơ hội
- Toàn cầu hóa kinh tế thế giới đang diễn ra mạnh mẽ mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia. Một số nước nhỏ bé và đang phát triển như Việt Nam có cơ hội để thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề có tính hai mặt. Nếu quốc gia nào biết cách vươn lên để phát triển, tận dụng mọi cơ hội và phát huy sức mạnh của mình sẽ ngày càng phát triển, ngược lại sẽ bị thải loại khỏi cuộc chơi chung.
- Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO điều này có nghĩa là hàng hóa của Việt Nam sẽ được đối xử công bằng như tất cả hàng hóa của các quốc gia khác, vì thế nên hàng hóa của Việt Nam sẽ được tự do cạnh tranh với các hàng hóa khác trên thị trường.
- Cùng với sự tăng nhanh của dân số thế giới và thời tiết thất thường của một số quốc gia xuất khẩu nông sản, nhu cầu về hàng nông sản đang tăng mạnh. Đây là loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tồn tại của con người nên trong tương lai như cầu về hàng nông sản vẫn sẽ tiếp tục tăng. Ngày nay do sự phát triển của nền kinh tế thế giới, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện vì vậy nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng để nâng cao chất lượng cuộc sống như cà phê, cao su…cũng tăng lên.
- Theo dự báo các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ gặp thuận lợi cả về thị trường, lượng và giá xuất khẩu. Nguyên nhân của vấn đề này là cung hàng nông sản của các quốc gia trên thế giới đang giảm đi trong khi cầu về mặt hàng này vẫn không ngừng tăng cao. Nhu cầu gạo trên
thế giới ở mức cao trong khi nguồn cung eo hẹp chính là nguyên nhân dẫn đến việc cả giá và lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lợi thế trong thời gian tới. Nhu cầu gạo trên thế giới tăng đột biến lên 30 triệu tấn trong năm nay, tăng gần 3 triệu so với dự báo. Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ lại thiếu hụt về lương thực và phải nhập khẩu, trong khi Thái Lan- nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới- cũng giảm lượng gạo bán ra. Ngoài ra Inđônêsia vốn không phải nhập khẩu gạo năm nay cũng nhập khoảng hơn 1,3 triệu tấn gạo. Tương tự như gạo, giá cà phê của Việt Nam cũng liên tục tăng do cung cầu trên thế giới chênh lệch lớn. Nguồn cung cà phê của Việt Nam trong năm nay cũng giảm 10-15%, Brazin- nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới- cũng giảm sản lượng. Giá mặt hàng cao su cũng có thể tăng thêm do nhu cầu nhập khẩu lớn.
3.1.1.2. Thách thức
Khi Việt Nam hòa nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì việc xuất khẩu hàng nông sản sẽ không đơn giản như lâu nay chúng ta vẫn làm. Việc Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp của các nước thành viên của WTO cả ở thị trường trong và ngoài nước là điều hiển nhiên. Sản xuất nông nghiệp vẫn lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí cao và nhất là sự yếu kém của ngành công nghiệp chế biến sẽ là những thách thức lớn của nông sản Việt Nam.
Theo cam kết gia nhập WTO, mức thuế nông nghiệp bình quân của Việt Nam sẽ là 21% và lộ trình cắt giảm từ 3-7 năm (tùy từng nhóm hàng). Điều đáng chú ý là trong quá trình sản xuất, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải có chứng chỉ an toàn để chứng minh mặt hàng này luôn đảm bảo an toàn vệ sinh, chẳng hạn như chứng chỉ xác định nguồn gốc giống, chứng chỉ báo cáo chất lượng…Đây thực sự là một trở ngại cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam. Bởi cách làm, cách tiếp cận thị trường từ trước đến
nay vẫn theo kiểu truyền thống là chủ yếu, chưa có được những quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Tuy nhiên xét trên bình diện bền vững thì chính những thách thức hôm nay là cơ hội cho Việt Nam khẳng định mình trong tương lai. Những người có trách nhiệm liên quan đến việc sản xuất, xuất khẩu ngành hàng này sẽ phải vận hành công việc của mình bằng tư duy của thời hội nhập.
- Đòi hỏi về chất lượng hàng nông sản của các nước phát triển ngày càng cao. Hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm. Trong khi đó hàng nông sản của Việt Nam có chất lượng chưa cao do khâu bảo quản còn yếu và cũng có trường hợp do thói quen thu hoạch, phơi sấy của người nông dân: thu hái xanh, sấy ẩu…
- Hàng nông sản của Việt Nam chưa có thương hiệu do từ trước đến nay chủ yếu xuất khẩu thô, điều này gây khó khăn cho việc cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam hiện nay. Chúng ta không thể cứ xuất khẩu thô và chấp nhận giá thấp như thế này mà phải bắt đầu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
- Sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu nông sản khác. Một số quốc gia có thế mạnh rất lớn về một số mặt hàng nông sản cộng với công nghệ chế biến của họ tiên tiến, hiện đại làm cho sản phẩm của họ có chất lượng cao hơn và được giá hơn so với hàng nông sản Việt Nam. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nỗ lực để có thể đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước khác.
- Các quốc gia phát triển áp dụng ngày càng tinh vi hơn các biện pháp bảo hộ như đưa ra các yêu cầu về chất lượng kỹ thuật cao cho nông sản nhập khẩu như hàm lượng chất bảo quản, hàm lượng chất dinh dưỡng, tỷ lệ vỡ, tỷ lệ ẩm mốc, tỷ lệ tạp chất… cũng gây ra những thách thức lớn cho các doanh
nghiệp Việt Nam khi mà trình độ kỹ thuật của nước ta còn lạc hậu chưa thể bắt kịp trình độ của các nước phát triển.
- Hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, các công ty nhập khẩu sẽ chế biến lại và lấy nhãn mác của họ rồi mới đưa ra thị trường. Vì thế khách hàng không biết đến thương hiệu của nông sản Việt nam vì họ chỉ quan tâm đến tên tuổi của nhà làm ra sản phẩm chứ không quan tâm đến những thứ có trong sản phẩm ấy xuất xứ từ đâu. Nếu chỉ mãi xuất khẩu sản phẩm thô thì sẽ không thể có được thương hiệu. Trong khi đó các nước phát triển lại rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác thương hiệu. Vì vậy khi xuất khẩu các doanh nghiệp Việt nam hay bị ép giá.
- Sự kém nhạy bén của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nắm bắt thông tin thị trường. Trong hoạt động thương mại quốc tế thì việc nắm bắt thông tin có vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin dẫn dắt cho việc hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đạt hiệu quả. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh thành công trên thị trường thì phải nghiên cứu nhu cầu thị trường để có đầy đủ thông tin, ngoài ra còn phải theo dõi diễn biến của thị trường để nhanh chóng nắm bắt được những thay đổi và có biện pháp điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp. Thế nhưng đây lại là điểm yếu của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp thường chỉ dựa vào những mối quan hệ với các bạn hàng cũ hoặc thụ động theo sau các doanh nghiệp nước ngoài nên hoạt động kinh doanh chưa thực sự hiệu quả.