3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CÓ LIÊN QUAN
3.4. Kiến nghị với Chính phủ
Bảo đảm tiền vay là một trong các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn trong cho vay. Thực hiện được an toàn trong cho vay có tác dụng tích cực đối với bản thân các ngân hàng thương mại. Do đó, nó cũng tạo ra những ngoại ứng tích cực cho toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, trên cương vị là cơ quan quản lý vĩ mô của Nhà nước, Chính phủ cần có những biện pháp hữu hiệu để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm tiền vay của mình.
ở nước ta hiện nay có rất nhiều loại văn bản pháp luật, giữa các văn bản đó còn có sự chồng chéo nên đã tạo ra những kẽ hở mà qua đó kẻ xấu có thể lợi dụng để làm những việc sai trái. Do đó, Chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý, ban hành ra các văn bản pháp luật một cách đồng bộ, hoàn thiện các bộ luật và xây dựng một môi trường pháp lý lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Chính phủ cần thực hiện việc rà soát, tập hợp và thống nhất các quy định ban hành về cơ chế bảo đảm tiền vay, về xử lý
tài sản đảm bảo cho phù hợp với các bộ luật đã đề ra như luật đất đai, luật các tổ chức tín dụng…
Chính phủ cần quan tâm đến các tổ chức tín dụng trong quá trình bảo đảm tiền vay như là: cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi của người cho vay trong trường hợp khách hàng vay không trả được nợ thì tổ chức tín dụng được quyền xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải qua một cơ quan chức năng nào trừ trường hợp có tranh chấp.
Chính phủ cần dành một khoản vốn thích đáng để đầu tư vào phát triển công nghệ ngân hàng, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng để ngân hàng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác.
KẾT LUẬN
Sở giao dịch I - Ngân hàng Công thương là một đơn vị xuất sắc trong nhiều năm liền của hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam. Đó là kết quả của sự nỗ lực và cố gắng hết mình trong việc tìm kiếm những khách hàng mới, những khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường ra những khu vực mới, hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã trở nên năng động hơn trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Trong thành công đó phải kể đến vai trò của bảo đảm tiền vay. Hoạt động bảo đảm tiền vay giúp ngân hàng ngăn ngừa rủi ro tín dụng có thể xảy ra, buộc khách hàng vay vốn phải có ý thức trả nợ và ý chí kinh doanh hơn nữa. Tuy nhiên, mức độ bảo đảm tiền vay của ngân hàng như thế nào còn phụ thuộc vào hiệu quả của việc thực hiện công tác bảo đảm tiền vay. Do đó, để tránh các tổn thất, có thể thu hồi được nợ đúng hạn và đầy đủ thì ngân hàng luôn phải chú trọng đến hiệu quả của bảo đảm tiền vay.
Qua thời gian nghiên cứu đề tài và thực tập tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Công thương đã giúp em hiểu thêm kiến thức thực tế về vấn đề bảo đảm tiền vay tại Sở. Trong chuyên đề, em đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm tiền vay tại Sở giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam. Tuy nhiên, do trình độ lý luận cũng như kiến thức thực tế còn hạn chế, thời gian thực tập không nhiều nên chuyên đề của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý của cô giáo hướng dẫn và các cán bộ tín dụng của Sở giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam để bài viết của em được hoàn thiện hơn.