Đánh giá tổng quan về bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 59 - 61)

2.4.1.Kết quả

Luật pháp Việt Nam chính thức bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá từ năm 1982. Hiện nay, việc bảo hộ nhãn hiệu được thực hiện theo Bộ Luật dân sự năm 1995 (chương II phần thứ sáu “Bảo hộ sở hữu công nghiệp”).Có thể chia bức tranh của công tác đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn trước đổi mới (từ 1982-1989)

Đây là giai đoạn của quản lý kinh tế quan liêu bao cấp, hàng hoá sản xuất theo kế hoạch, dịch vụ không phát triển, vì vậy ý thức, nhu cầu của các doanh

nghiệp về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá rất thấp. Tổng số Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được cấp trong giai đoạn này là 1.550, như vậy trung bình mỗi năm chỉ có gần 200 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cấp ra nhưng chủ yếu là của người nước ngoài. (Nguồn: Cục SHTT).

- Giai đoạn 10 năm đầu đổi mới (từ 1990-1999)

Trong giai đoạn này, do chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đã làm cho nền kinh tế bao cấp chuyển dần sang kinh tế thị trường có điều tiết. ý thức của các doanh nghiệp, nhà sản xuất đối với nhãn hiệu hàng hoá đã tăng lên một bước. Trong toàn bộ thời gian này, Cục Sở hữu công nghiệp đã cấp ra hơn 31.000 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, bình quân hơn 3.100 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá mỗi năm, gấp hơn 15 lần bình quân của giai đoạn trước đó. Một điều đáng mừng là từ chỗ tỷ lệ người Việt Nam đăng ký nhãn hiệu rất thấp thì từ nay tỷ lệ người Việt Nam đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đã vươn lên gần bằng người nước ngoài (chiếm khoảng 34% số lượng đăng ký được cấp ra). (Nguồn: Cục SHTT).

- Giai đoạn tăng tốc và hội nhập (2000 đến nay)

Có thể nói đây là giai đoạn có những đột biến về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Sự phát triển của nền kinh tế sau hơn 10 năm đổi mới và các đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế cùng với việc một số nhãn hiệu Việt Nam bị tiếm đoạt ở nước ngoài đã là những điều kiện và tác động để các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Việt Nam nhìn nhận đầy đủ hơn vai trò của nhãn hiệu hàng hoá trong kinh doanh và nền kinh tế đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Năm 2000, có 5.582 đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu công nghiệp thì trong đó đã có gần 60% là của người Việt Nam. Năm 2002, tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu công nghiệp tăng lên 8.818 đơn, tăng 39% so với năm 2001, trong đó số đơn của các doanh nghiệp Việt Nam là 6.564, tăng 112% (gấp hơn 2 lần) so với số

đơn của doanh nghiệp Việt Nam nộp trong năm 2001 (3.095 đơn). Đặc biệt, cùng với bộ luật dân sự 2005, Luật SHTT 2005 và việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam vào năm 2007 thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đã tăng đột biến. Năm 2007 Cục SHTT (hậu thân của Cục SHCN) đã tiếp nhận khoảng 27.000 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. ( Nguồn: Cục SHTT).

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 59 - 61)